Nạn săn bắt tê giác đang gia tăng trên toàn thế giới, xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ở châu Á. Tình hình ngày càng nghiêm trọng khi những kẻ săn thú tinh vi hơn, sử dụng thuốc mê, chất độc, nỏ, súng để săn tê giác.
Đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo mới nhất của TRAFFIC và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) ngày 3-12.
Theo đó 95% các vụ săn bắt tê giác xảy ra ở Zimbabwe và Nam Phi. Tại hai nước này, số lượng tê giác đang suy giảm nhưng tỉ lệ tội phạm về tê giác bị kết án chỉ có 3%.
Báo cáo đã được trình lên ủy ban Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) trước kỳ họp thứ 15 của hội nghị các nước thành viên Công ước CITES (COP 15) diễn ra tháng 3-2010, trong đó ghi rõ sự suy giảm hiệu quả của việc thực thi pháp luật và sự gia tăng cường độ săn bắt động vật hoang dã ở châu Phi và buôn sừng trái phép ở Nam Phi.
Hầu hết sừng tê giác bị đưa ra khỏi châu Phi được chuyển đến thị trường thuốc y học cổ truyền ở Đông Nam Á và Đông Á đặc biệt ở Việt Nam, Trung Quốc. Ngoài ra, báo cáo cũng thể hiện mối lo ngại về tình trạng chỉ còn một quần thể tê giác Java ở Việt Nam.
Tuy nhiên, báo cáo cho hay số lượng tê giác đang tăng lên ở vài nơi khác. Tiến sĩ Richard Emslie, chuyên gia của IUCN cho biết: “Nếu có chủ trương của chính phủ, các chương trình bảo tồn và công tác thực thi pháp luật được thực hiện tốt, số lượng tê giác sẽ tăng ở cả châu Phi và châu Á”.
(Theo Mỹ Hằng // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com