Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những biến động khó lường trong thế giới Arập

Người dân Ai Cập biểu tình đòi ông Mubarak từ chức. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cuộc khủng hoảng ở Ai Cập không chỉ tác động tới chính trường trong nước mà có thể tạo ra những thay đổi khó lường trong thế giới Arập.

Chính sách cải cách của chính phủ dưới thời Tổng thống Hosni Mubarak đã giúp nền kinh tế Ai Cập tăng trưởng vượt bậc, đạt khoảng 7%/năm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sự bùng nổ dân số khiến cho tốc độ phát triển kinh tế không tạo đủ công ăn việc làm cho giới trẻ.

Theo thống kê, gần 65% dân số Ai Cập chưa đến 30 tuổi, nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong số này chiếm tới 25%. Gần một nửa số dân Ai Cập sống ở các thành phố, nơi khoảng cách giàu nghèo dễ nhận thấy hơn so với các vùng nông thôn. Hơn nữa, nạn tham nhũng cùng với sự thiếu hiệu quả trong việc điều hành các cơ quan, tổ chức chính quyền đã dẫn tới sự bất bình của người dân.

Những nhân tố trên cộng với tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu đã dẫn tới những biến động lớn trên chính trường Ai Cập và rất có thể cả những nước Arập khác.

Các cuộc biểu tình tương tự đã nổ ra tại nhiều nước khác trong khu vực như Algeria, Jordan, Yemen, Lebanon.

Điều dễ nhận thấy là các quốc gia Arập có nhiều điểm chung về điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội. Sự mất cân bằng về cơ cấu kinh tế do thiếu những nguồn tài nguyên thiết yếu như nước, năng lượng và đất canh tác cùng với sự bùng nổ dân số khiến cho vấn đề thất nghiệp của lực lượng thanh niên chiếm số đông trong xã hội càng trở nên nghiêm trọng.

Dư luận lo ngại những biến động trên chính trường Ai Cập sẽ đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông vào ngõ cụt. Cairo vốn đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình Israel-Palestine nên những gì diễn ra tại Ai Cập sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình này.

Nhiều học giả nhận định việc ông Mubarak từ chức chắc chắn sẽ "khai tử" tiến trình hòa bình vốn đã bị đình trệ lâu nay vì Ai Cập "có thể đưa ra lập trường mới với Israel."

Một số nhà phân tích cũng dự đoán những biến động ở Ai Cập sẽ khiến chính quyền Palestine theo đuổi một lập trường cứng rắn hơn với Tel Aviv.

Bất chấp những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng chính trị ở Ai Cập có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ, đặc biệt nếu sự lưu thông ở kênh đào Suez bị cản trở, song mạng phân tích thông tin kinh tế (EIU) của Nhà kinh tế (Anh) cho rằng thị trường dầu mỏ thế giới khó có thể chịu ảnh hưởng lâu dài từ những biến động ở xứ sở Kim tự tháp.

Mặc dù thị trường dầu mỏ sẽ bị ảnh hưởng nếu tiếp tục có những thông tin xấu từ khu vực này, song hiện tượng giá dầu tăng chỉ là tạm thời. Theo EIU, cuộc khủng hoảng ở Ai Cập cho đến nay chưa tác động nghiêm trọng đến ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt của nước này nên ảnh hưởng toàn cầu cũng không đáng kể.

Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong năm 2010, Ai Cập sản xuất 740.000 thùng dầu/ngày, chỉ chiếm khoảng 0,8% sản lượng toàn cầu.

Trong trường hợp kênh đào Suez bị đóng cửa hoặc giao thông qua kênh đào này bị gián đoạn, phần lớn lượng dầu sẽ được vận chuyển qua con đường khác như vòng xuống phía Nam châu Phi. Hơn nữa, chỉ khoảng 1% lượng dầu thô của thế giới được vận chuyển qua kênh đào này. Vì thế, có thể nói rằng cuộc khủng hoảng ở Ai Cập ít có khả năng tác động mạnh tới nguồn cung và giá dầu trên thị trường thế giới.

Vấn đề quan trọng hơn là điều gì sẽ xảy ra nếu bất ổn chính trị lan rộng ra các quốc gia Arập khác, vốn chiếm một tỷ lệ lớn trong sản lượng dầu toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng ở Ai Cập chưa đến hồi kết và chưa thể khẳng định điều gì sẽ diễn ra tại các quốc gia Arập khác, song rõ ràng việc Tổng thống  Mubarak từ chức sẽ khuyến khích các nước Arập tiến hành cải cách và rút ra nhiều bài học từ những biến động ở Ai Cập và Tunisia./.
 
Bùi Quang Hoàn (TTXVN/Vietnam+)

  • Nam Phi có sáng kiến mới chống săn bắn tê giác
  • Sự trỗi dậy ngọt ngào của châu Phi
  • Châu Phi: Nghèo đói trên núi vàng
  • Châu Phi bắt đầu 'ớn' đầu tư Trung Quốc?
  • Mỹ Latin bùng nổ trong khủng hoảng
  • Đổ xô đến châu Phi kinh doanh rượu bia
  • Trung Quốc muốn gì ở châu Phi?
  • Trung Quốc xây “thành phố ma” giữa lòng châu Phi