Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nigeria: Dân tuyên chiến với chủ mỏ Trung Quốc

Mất đất mà không được bồi thường và đồng lương rẻ mạt là những nguyên nhân khiến người dân ở Azalik, Nigeria, phản đối một công ty Trung Quốc đang thuê đất ở đây để khai thác uranium.

Sinh viên Nigeria biểu tình ủng hộ Tổng thống Umaru Yar’Adua mới trở về nước sau nhiều ngày chữa bệnh ở Arập Saudi. Sự bất ổn chính trị ở Nigeria tạo cơ hội cho tham nhũng đưa các công ty nước ngoài vào bòn rút tài nguyên nước này. Ảnh: Reuters

Trong khi nông dân ta thán vì mất kế sinh nhai do đất bị lấy đi cho dự án mỏ, công nhân lên án các ông chủ thuộc tổng công ty Uranium hạt nhân quốc tế Trung Quốc (Nuclear International Uranium Corporation – Sino-U) về chế độ làm việc bất bình đẳng.

“Nhà tù Guantanamo” ở Nigeria

Không còn đất để kiếm kế sinh nhai và không được bồi thường, hàng trăm phụ nữ đã tụ họp lại để lên án công ty này. Tinatina Salah, 50 tuổi, thủ lĩnh của nhóm, người đang yêu cầu bồi thường, tuyên bố: “Đây là một cuộc chiến trường kỳ”.

Đối với dân Tuareg, dự án mỏ uranium Somina trị giá 300 triệu USD ở khu vực Azalik là tâm điểm cho những hoạt động chống lại sự đầu tư của Trung Quốc tại nước này.

Trong tháng hai vừa qua, công nhân Nigeria, trong đó nhiều người thuộc Tuareg, đã công bố một văn bản phản đối tình hình hiện nay tại Somina và gọi khu vực này giống như một “thuộc địa” của Trung Quốc.Văn bản này cho biết công nhân Nigeria ngủ trong các khu ký túc xá, tách biệt với các công nhân Trung Quốc, được dựng lên bất hợp pháp gần với mỏ uranium lộ thiên, và họ bị tiêu chảy do nguồn nước mất vệ sinh. Những điều kiện khắc nghiệt ở khu mỏ đã khiến dư luận khắp miền Bắc Nigeria gọi Azalik là một “nhà tù Guantanamo” tại nước này.

Nigeria là một trong sáu nước sản xuất uranium lớn nhất thế giới trong năm 2008, và Azalik là một trong những nơi có trữ lượng uranium cao nhất thế giới.

Như tổ tiên ngày xưa, người dân ở Tuareg có thu nhập nhờ vào việc bán muối sấy từ những mỏ muối của cha ông để lại. Nhưng mọi thứ đã thay đổi trong năm ngoái, khi Chính phủ Nigeria cho tổng công ty Sino-U của Trung Quốc thuê đất để khai thác uranium.

Trước khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự hồi tháng hai vừa qua, Tổng thống Mamadou Tandja từ năm 2007 đã chuẩn y việc cấp phép cho một số công ty nước ngoài khai thác tài nguyên ở nước này, bao gồm uranium, vàng, bạc và dầu hoả ở vùng sa mạc miền Bắc Nigeria.

Dù hàng tỉ USD đã được rót vào đất nước, phiến quân thuộc bộ tộc Tuareg vẫn cáo buộc Chính phủ Nigeria và các công ty khai thác mỏ đã không ngó ngàng đến sự phát triển của miền bắc, “cứ địa” của Tuareg.

Bất chấp điều kiện làm việc tồi tệ, khu mỏ đã tạo ra niềm hy vọng về những cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Nhưng thực tế, Somina sử dụng lao động người Trung Quốc và lao động từ nơi khác nhiều hơn, bất chấp tình trạng thất nghiệp và nghèo đói đang lan rộng trong cộng đồng người Tuareg. Một quan chức ngành mỏ của Nigeria, yêu cầu được giấu tên, đang làm việc ở một khu vực giáp với Azalik, cho biết: “Sino-U đã đưa nhiều người Trung Quốc sang đây để làm những việc mà người dân địa phương có thể dễ dàng đảm nhận mà không cần đào tạo”.

Bóc lột công nhân bản địa

Theo kết quả khảo sát của Liên minh các tổ chức phi chính phủ (ROTAB) về các điều kiện làm việc ở khu mỏ, công việc dành cho công nhân Tuareg ở khu mỏ là nguy hiểm trong khi họ chỉ nhận được đồng lương rẻ mạt.

Ông Ali Idrissa, chủ tịch Rotab, cho biết những công việc chân tay cực nhọc như đào hố và khuân vác gạch dưới trời nắng như đổ lửa được giao cho các công nhân Nigeria, trong khi các công việc hành chính và kỹ thuật được dành cho các công nhân Trung Quốc. Lương của một kỹ sư Nigeria tại khu mỏ là khoảng 350 USD/tháng, quá thấp so với mức 2.000 USD cho công việc tương tự ở Areva của Pháp.

Ông Idrissa nói: “Các công ty Trung Quốc đang bóc lột người dân Tuareg. Đất của họ bị truất hữu để giao cho người Trung Quốc khai thác những tài nguyên quý, nhưng đổi lại, công nhân địa phương chỉ nhận được đồng lương chết đói”.

Trong khi đó, các quan chức khai thác mỏ người Trung Quốc lại từ chối lời mời họp với các quan chức địa phương để bàn thảo việc cải thiện tình hình. Ông Idrissa nói: “Công ty Trung Quốc ở Azalik không hề tôn trọng các quan chức địa phương. Họ thậm chí không thèm tiếp các quan chức này”.

Ngoài mỏ uranium ở Azalik, người dân Nigeria đã phản đối việc Chính phủ Trung Quốc cho phép tổng công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) thực hiện một dự án bơm dầu trị giá 5 tỉ USD ở Agadem trong năm ngoái để đổi lấy việc Trung Quốc xây cho Nigeria một nhà máy lọc dầu ở Zinder.

CNPC đã chi 272 triệu USD tiền thưởng về sự trao đổi này cho chính phủ của ông Mamadou Tandja, người đã bổ nhiệm con trai mình, Ousmane, vào chức tuỳ viên thương mại của toà đại sứ Nigeria ở Hong Kong. Đây là một hành động mà các tổ chức phi chính phủ nói rằng đã giúp các công ty Trung Quốc tìm được sự “giúp đỡ” từ cựu Tổng thống Tandja.

(Theo Trúc Thịnh // SGTT Online // Christian Science Monitor)

  • Nam Phi có sáng kiến mới chống săn bắn tê giác
  • Sự trỗi dậy ngọt ngào của châu Phi
  • Châu Phi: Nghèo đói trên núi vàng
  • Châu Phi bắt đầu 'ớn' đầu tư Trung Quốc?
  • Mỹ Latin bùng nổ trong khủng hoảng
  • Đổ xô đến châu Phi kinh doanh rượu bia
  • Trung Quốc muốn gì ở châu Phi?
  • Trung Quốc xây “thành phố ma” giữa lòng châu Phi
  • Câu chuyện về trẻ em đi lính ở châu Phi: Kỳ 1: Những 'cỗ máy giết người' tuổi vị thành niên
  • Thảm sát tại Nigeria
  • Châu Phi kỳ vọng vào "sự bùng nổ du lịch"
  • Con đường hòa bình ở Darfur (Sudan) còn khúc khuỷu
  • Haiti: Động đất 30 giây, thiệt hại 60% GDP
  • Xômali: Thách thức vẫn hiện hữu
  • Phép mầu ở Haiti
  • Kỳ tích sống sót mới chấn động Haiti