Ở Kiribati người ta không phải chờ mười năm, hai mươi năm nữa mới thấy được hậu quả ghê gớm của hiện tượng nước biển dâng, bởi điều này đã xảy ra từ mười năm trước. Giữa tháng 6.1999, tổ chức liên chính phủ Chương trình môi trường khu vực Nam Thái Bình Dương (SPREP) từng công bố hai hòn đảo không người ở của Kiribati là Tarawa và Abanue đã biến mất trong những con sóng lớn.
Trên đảo Maungadabu, thứ duy nhất còn lại đến ngày nay chỉ là một cây đước bốn thân mà những ngày sóng lớn chỉ có thể thấy được phần tán. Ảnh: Discovery |
Sự việc không dừng lại ở đó. Vào ngày 8 và 9.2.2005, hàng chục đảo lớn nhỏ của Kiribati vật lộn trong những con sóng có khi cao đến gần 3m. Có những ngôi làng đã bị sóng biển xoá trắng. Và ở đảo Maungadabu, thứ duy nhất còn lại đến ngày nay chỉ là một cây đước bốn thân mà những ngày sóng lớn chỉ có thể thấy được phần tán. Sự sống trên các hòn đảo có người ở của Kiribati đang bị nước biển gặm dần.
Đảo quốc phó mặc cho sóng gió
Ribita Iobete, 23 tuổi, một ngư dân của Kiribati cho biết: “Mực nước biển ngày một cao hơn. Thay đổi này ảnh hưởng đến những cây trồng của chúng tôi. Trước đây, dừa tôi trồng có thân rất to nhưng giờ thì thân chúng chỉ nhỏ bằng mấy cái nắm tay”. Nước giếng mà mẹ Iobete múc lên hàng ngày giờ đã bắt đầu có vị mằn mặn. Cha anh ông Iobete nay đã 83 tuổi tuyên chiến với biển bằng cách xây một đê bao quanh nhà và lên đứng trên đê canh sóng mỗi tối. Nhưng những con sóng không chịu thua mà mỗi ngày một cao hơn, giết dần giết mòn cây cối sau đê.
Một nghiên cứu được trường đại học Colorado của Mỹ thực hiện vào năm 2008 ước tính nếu như lượng phát thải carbon dioxide trên toàn thế giới không tăng, mực nước biển vẫn sẽ tiếp tục dâng cao thêm 2m vào cuối thế kỷ này. Nhưng một số nhà khoa học dự đoán Kiribati sẽ chìm dưới nước trong 50 năm tới.
Nếu diện tích 811km2 của Kiribati chỉ tập trung trên một hòn đảo, việc xây dựng đê biển chống xâm thực còn có thể thực hiện được, nhưng diện tích ấy lại chia nhỏ trên 33 hòn đảo san hô với cao độ trung bình chỉ khoảng hơn 2m, nên việc xây đê biển là điều không thể. Trong chuyến thăm Nhật Bản vừa qua, Tổng thống Anote Tong của Kiribati đã được giới thiệu mô hình đảo nổi có thể tồn tại giữa biển khơi 1.000 năm. Đó là một giải pháp xem ra khá phù hợp với nhu cầu của Kiribati, nhưng cái giá 2 tỉ USD cho một hòn đảo nổi vượt quá khả năng tài chính của quốc gia nhỏ bé này. Kiribati cũng không giàu có để có thể nghĩ đến những giải pháp như của đảo quốc Maldives là dồn tiền mua đất ở một nơi khác trên thế giới để di dời toàn bộ quốc gia đến đó, hay chi tiền hỗ trợ dân tìm chốn mưu sinh ở nơi khác. Số phận của đảo quốc giờ đành phó mặc cho sóng gió.
Di dân âm thầm
Sẽ phải tái định cư người dân như thế nào? Đó là điều ông Tong băn khoăn nhất hiện nay. Hiệp định di dân Geneva chưa có một quy định nào cho việc di dân nhân đạo do thay đổi khí hậu, nhưng Kiribati đã phối hợp với Úc và New Zealand từ vài năm nay để tái định cư dân đảo. Mỗi năm hiện có 75 người Kiribati được chọn ngẫu nhiên để đưa sang New Zealand định cư. Nhưng với hạn ngạch như thế thì phải mất hơn 1.500 năm mới tái định cư hết 113.000 dân của Kiribati, trong khi theo dự đoán của các nhà khoa học thì người dân ở đây chỉ có thể cầm cự trên 12 đảo có người của Kiribati trong khoảng 30 năm.
Vị tổng thống năng nổ vẫn tìm kiếm những giải pháp khác cho người dân của mình. Viện công nghệ Kiribati (KIT) hiện đang triển khai các chương trình đào tạo để sao cho sinh viên theo học ở đây có thể tìm việc phù hợp ở nước khác sau này. Một chương trình đang được viện này hợp tác với Úc là đào tào y tá điều dưỡng, ngành mà Úc đang thiếu nhân lực. Năm nay có tám người ở Kiribati sang Úc làm y tá, điều dưỡng. Họ đi và mang theo cả gia đình. Việc tái định cư dần dần như thế, theo ông Tong, sẽ tốt hơn chờ đến khi nước biển nhấn chìm các đảo Kiribati rồi mới di tản một lúc hàng chục ngàn người.
Giải pháp di dân có thể giúp người dân Kiribati tiếp tục sống nhưng không thể giúp duy trì văn hoá Kiribati ở một vùng đất khác. Molomolo Tiira, một sinh viên đang học ngành điều dưỡng ở viện KIT, cho biết: “Tôi sẽ nhớ Kiribati, nhớ nền văn hoá ở đây, tiếng nói ở đây, cả ẩm thực và đại dương nữa”. Nước biển dâng không chỉ làm biến mất một quốc gia mà còn làm biến mất nền văn hoá 4.000 năm ở nơi này.
Hội nghị Copenhagen kết thúc trong máu, mồ hôi và sự chia rẽ Đó là nhận định của nhật báo Telegraph của Anh hôm 20.12, bởi hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về chống biến đổi khí hậu tại Copenhagen bế mạc trong thất vọng vì không đạt được các mục tiêu đề ra. Hội nghị “chữa cháy” bằng một thoả thuận chính trị, không mang tính ràng buộc pháp lý. Phiên họp cuối cùng kéo dài hơn 24 tiếng đồng hồ. Bên trong và bên ngoài hội nghị có nhiều sức ép. Thậm chí đại diện của Venezuela Claudio Salerno Caldera tự cắt tay để rút máu trước mặt Thủ tướng Đan Mạch chủ nhà Lars Loekke Rasmussen và nói: “Ông phê chuẩn cuộc đảo chính Liên hiệp quốc. Những người muốn lên tiếng nói như chúng tôi phải cắt tay lấy máu để lên tiếng nói đây này”. “Hiệp ước Copenhagen” do một nhóm nước trong đó có Mỹ và Trung Quốc đưa ra nhằm đối phó với tình trạng ấm lên của trái đất. Chính tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon thừa nhận văn kiện này không đáp ứng kỳ vọng của các nước. Hiệp ước Copenhagen khẳng định biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ và các nước đều phải có ý chí chính trị mạnh mẽ trong việc chống biến đổi khí hậu trên tinh thần trách nhiệm chung. Thoả thuận nêu rõ sự cần thiết của việc duy trì nồng độ khí thải ở giới hạn cho phép nhằm giữ nhiệt độ trái đất không vượt quá 20C theo khuyến cáo của các nhà khoa học... Ngoài ra, thoả thuận cũng đề cập tới việc thành lập quỹ trợ giúp 100 tỉ USD vào năm 2020, trong đó có quỹ hành động nhanh khoảng 30 tỉ USD cho giai đoạn 3 năm (2010 – 2012), gồm 11 tỉ USD do Nhật Bản đóng góp, 10,6 tỉ USD của Liên minh châu Âu và 3,6 tỉ USD của Mỹ, để giúp các nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. |
(Theo Hùng Khương // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com