Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bi kịch gia đình

Hiếm có một dòng tộc nào ở Pakistan ngày nay phải chịu nhiều bi kịch như dòng tộc Bhutto nổi tiếng trên chính trường đất nước

Bi kịch đau buồn này lần đầu tiên được kể lại chi tiết trong cuốn hồi ký của một thành viên dòng tộc Bhutto là cô Fatima Bhutto, cháu nội cố Tổng thống (TT) Pakistan Zulfikar Ali Bhutto (1928 – 1979).

Cô Fatima, 28 tuổi, là một nhà văn, từng theo học tại Trường Đại học Columbia ở New York, đã kể với phóng viên AFP về tâm trạng đau đớn của mình trong quá trình viết cuốn hồi ký Những bài ca máu và kiếm (Songs of Blood and Sword). Cô nói: “Đây là cuốn hồi ký về lịch sử đẫm máu của gia đình, là cuốn sách tôi luôn suy nghĩ phải viết để nhớ về cha tôi”.

Triều đại chính trị Bhutto đã đổ máu nhiều không chỉ vì lợi ích của đất nước và theo tác giả cuốn hồi ký, mà cũng vì mâu thuẫn trong nội bộ dòng tộc. TT Ali Bhutto, nhà lãnh đạo đầu tiên của Pakistan được bầu bằng lá phiếu dân chủ, bị chế độ độc tài của tướng Zia-ul-Haq tiếp quản, treo cổ năm 1979. Con gái Benazir Bhutto, hai lần làm thủ tướng (1988-1990 và 1993-1996), bị ám sát năm 2007 trong cuộc tranh cử quốc hội sau 8 năm sống lưu vong ở nước ngoài. Anh trai bà Benazir là Mutaza Bhutto, cha cô Fatima, bị bắn chết năm 1996 mà cô kết tội bà Benazir là chủ mưu vì “ghen tị lấn quyền”
 


Tác giả Fatima Bhutto và cuốn hồi ký. Ảnh: AFP

Trong cuốn sách, cô Fatima tố cáo cô mình là “kẻ tham lam quyền lực, Pakistan không đủ lớn để có 2 thành viên Bhutto cầm quyền cùng một lúc”. Tác giả cuốn sách viết: “Cha tôi không thể bị giết hại nếu không có sự đồng ý của cấp lãnh đạo cao nhất của chính phủ”. Không chỉ cha Fatima bị giết mà chú ruột cô là Shahnawaz Bhutto, bạn chiến đấu của anh trai trong phong trào du kích chống độc tài, cũng bị đầu độc một cách bí ẩn.

Cô Fatima đã mất 6 năm điều tra và gặp gỡ những người bạn thân thiết của cha để sưu tầm tư liệu viết cuốn hồi ký. Cô nói cô viết cuốn sách để tỏ lòng tôn kính đối với cha và xóa bỏ hình ảnh xấu mà người đời hiểu lầm ông do kẻ đối nghịch xuyên tạc. Fatima tâm sự cô không hề có tham vọng chính trị, sẽ tiếp tục viết văn “để được tự do nói lên mọi suy nghĩ về cuộc đời”. Cô cho biết từ lâu nay không hề có quan hệ hoặc tiếp xúc với 3 người con của bà cô Benazir vì “cánh cửa quan hệ đã khép lại từ lâu rồi”.

(Theo Thanh Tùng // Nguoilaodong Online)

  • "Vệ sỹ chống đạn" của lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức
  • Tổng thống bị tẩy chay
  • Ba người quyền lực nhất thế giới
  • Bất ngờ
  • Khi Tổng thống Medvedev tự lái xe
  • Brazil tìm thấy nguồn nước ngọt lớn nhất thế giới
  • Nhớ lại quá khứ
  • Lời hứa của chính khách