![]() |
Nhà máy sản xuất vỏ xe hơi của công ty Giti tại Thượng Hải mỗi năm sản xuất vào Mỹ 7 triệu chiếc vỏ xe, trị giá 300 triệu đô la Mỹ. |
Các nước xuất hàng vào Mỹ đang nhìn vụ tranh chấp có hơi hướng chính trị liên quan tới mặt hàng vỏ xe hơi nhập khẩu từ Trung Quốc để xem chính sách thương mại của chính quyền của Tổng thống Barack Obama là tự do hay bảo hộ.
Đến ngày 17-9 Tổng thống Obama phải có quyết định dứt khoát có chấp nhận đề xuất của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC), theo đó Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu 55% lên mặt hàng vỏ xe hơi cấp thấp nhập khẩu từ Trung Quốc, hay không. Đề xuất của ITC dựa trên kiến nghị của Nghiệp đoàn Sắt thép Thống nhất rằng cơn lũ vỏ xe giá rẻ từ Trung Quốc mấy năm gần đây đã làm cho 5.000 công nhân của nghiệp đoàn mất việc.
Quyết định của Tổng thống Obama - không nhất thiết phải theo đề xuất của ITC - phải được ban hành chậm nhất là vài ngày trước khi ông tiếp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và các nhà lãnh đạo khác tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Pittsburgh bang Pennsylvania vào cuối tháng này.
Nhưng đây là một quyết định khó khăn. Nếu đứng về phía công nhân sắt thép, ông sẽ bị các bạn hàng khắp nơi phê phán là theo chủ nghĩa bảo hộ. Dễ dãi với Trung Quốc sẽ gây bất mãn trong số những cử tri chủ chốt mà ông cần sự ủng hộ để tiến hành các cuộc cải tổ trong nước.
Tình trạng tiến thoái lưỡng nan của ông Obama hiện nay gợi nhớ lại khó khăn của người tiền nhiệm, Tổng thống George Bush, cũng liên quan tới sắt thép. Trong năm đầu tiên cầm quyền, ông Bush đã quyết định áp thuế 30% lên mặt hàng sắt thép nhập khẩu, một bước nhượng bộ ngành sắt thép nội địa mà sau đó ông phải bãi bỏ vào năm 2003 dưới sức ép mạnh mẽ của các đối tác thương mại. Thái độ bất nhất này cũng làm sứt mẻ nghiêm trọng uy tín của Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu.
Các nhà sản xuất vỏ xe của Mỹ không công khai ủng hộ đề nghị tăng thuế của ITC mà ngầm công nhận rằng phân khúc thị trường vỏ xe cấp thấp là cái mà họ không màng tới vì không có lợi nhuận và nhiều công ty đã từ bỏ trong các năm gần đây.
Giá trị vỏ xe Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ trong năm ngoái là chừng 1,8 tỉ đô la Mỹ, tăng từ mức 450 triệu đô la năm 2004, nhưng vẫn còn nhỏ so với thị trường vỏ xe hơi trị giá tới 16 tỉ đô la của Mỹ.
Các nhà nhập khẩu, phân phối và bán lẻ vỏ xe hơi của Mỹ thì cho rằng, áp đặt thuế trừng phạt chỉ có hại hơn là có lợi, làm mất công ăn việc làm và tốn tiền của người tiêu dùng Mỹ. Một bộ vỏ xe Trung Quốc có giá bán lẻ chỉ 200 đô la Mỹ, chưa bằng một nửa giá hàng sản xuất tại Mỹ. Giáo sư kinh tế Thomas J. Prusa, Đại học Rutgers, đã ra điều trần trước ITC để phản đối đề nghị này, tính ra rằng, nếu áp dụng thuế trừng phạt lên mặt hàng vỏ xe Trung Quốc, Mỹ sẽ mất đi 25.000 việc làm và người tiêu dùng Mỹ phải tốn thêm 600-700 triệu đô la mỗi năm tiền mua vỏ xe.
Ngay từ đầu chính quyền Obama đã gắn bó với những người chủ trương thương mại tự do và đích thân Tổng thống Obama đã nhiều lần chỉ trích các rào cản thương mại là “phá hoại” tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Thế nhưng ông lại rất chậm chạp trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán về thương mại tự do đang còn dở dang. Và chính quyền Mỹ gần như im hơi lặng tiếng trước những lời than phiền của Canada và nhiều bạn hàng lớn khác liên quan tới điều khoản “mua hàng Mỹ” trong gói kích thích kinh tế gần đây.
Chính vì thế, vụ vỏ xe Trung Quốc nhập khẩu đang là phép thử chính sách thương mại của ông Obama, cho thấy chủ trương thương mại tự do có thật sự là chính sách của chính quyền Mỹ hay chỉ là khẩu hiệu.
Về pháp lý, khi chấp nhận cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới năm 2001, Quốc hội Mỹ đã đưa ra số một điều kiện, theo đó cho đến năm 2013, các doanh nghiệp Mỹ có thể xin được bảo hộ tạm thời trước làn sóng hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc để có thời gian điều chỉnh và thích nghi. Trong thời gian cầm quyền của Tổng thống George Bush, doanh nghiệp Mỹ đã sáu lần nộp đơn xin bảo hộ tạm thời, nhưng bốn lần bị ông Bush bác bỏ và hai lần bị ITC từ chối.
Tổng thống Obama có đủ cơ sở pháp lý để chấp nhận đề nghị của ITC, áp thuế nhập khẩu lên mặt hàng vỏ xe cấp thấp nhập khẩu từ Trung Quốc theo lộ trình 55% trong năm 2009-2010, 45% năm 2011 và 35% năm 2012 và bãi bỏ biện pháp này vào năm 2013. Vấn đề là ở chỗ ông Obama có thực hiện quyền quyết định đó hay không.Giới phân tích cho rằng, giải pháp khả dĩ giúp ông Obama thoát ra khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan này là quyết định áp đặt một mức thuế thấp hơn nhiều so với đề nghị của ITC, kèm theo những hạn chế về hạn ngạch nhập khẩu. Nhưng cho dù vậy, tác động tiêu cực của nó đối với uy tín của Mỹ trong cộng đồng thương mại thế giới cũng khó mà tránh được.
(Theo Phương Huỳnh // Thời báo kinh tế Sài Gòn // WSJ)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com