Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dấu chấm hết của một gia tộc chính khách

Ngày 25-8, Thượng nghị sĩ (TNS) Edward M. Kennedy đã qua đời vì căn bệnh u não ác tính, thọ 77 tuổi. Vài ngày trước khi mất, ông đã không thể đến nhận Huân chương Tự do danh giá từ Tổng thống Barack Obama. Sự ra đi của ông cùng với cái chết của người chị gái Eunice Kennedy Shriver vào ngày 11-8, đã đặt dấu chấm hết cho một gia tộc chính khách xuất chúng của
dòng họ nổi tiếng Kennedy.

“Con sư tử” của đảng Dân chủ

Là em trai nhỏ nhất còn lại của cố Tổng thống John F.Kennedy, Edward M.Kennedy là một trong những chính khách nổi tiếng nhất của đảng Dân chủ. Lần đầu tiên ông được bầu làm TNS bang Massachusetts là vào tháng 11-1962 - chỉ ngay sau khi bước sang tuổi 30. Edward, hay còn gọi là thân mật là Teddy, đã ngồi vào vị trí Thượng nghị sĩ, thay thế cho anh trai đã được bầu làm Tổng thống của nước Mỹ năm 1960. Kể từ đó, ông đã tái đắc cử vào chức vụ này 7 lần và trở thành thành viên có thâm niên làm việc lâu thứ hai trong Thượng viện Mỹ.

Tổng thống Obama và cố TNS E.M.Kennedy.

Tuy không thể trở thành tổng thống sau một vụ tai nạn ô tô khiến một phụ nữ thiệt mạng, nhưng TNS Edward M.Kennedy là một nhân vật cực kỳ có ảnh hưởng trong nền chính trị của Mỹ trong suốt gần nửa thế kỷ qua. Năm 1971, ông trở thành Chủ tịch Tiểu ban Y tế Thượng viện. Năm 1979, ông trở thành Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện. Năm 1994, khi là Chủ tịch Ủy ban Lao động và Các nguồn lực con người của Thượng viện, ông bắt đầu tập trung giúp người dân tộc thiểu số và các gia đình lao động. Ông gọi chăm sóc sức khỏe là “sự nghiệp của đời tôi”.

Edward đã giúp ban hành những biện pháp để bảo vệ quyền công dân và quyền của người lao động, mở rộng hệ thống y tế, cải thiện tình hình giáo dục, tăng hỗ trợ cho sinh viên và kiềm chế tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân. Năm 2006, Tạp chí Time bình chọn ông Edward là 1 trong 10 TNS giỏi nhất của nước Mỹ vì đã góp phần “xây dựng nhiều đạo luật tác động tới cuộc sống của mọi đàn ông, phụ nữ và trẻ em trên đất nước này”.

Thượng nghị sĩ “lưỡng đảng”

Gần nửa thế kỷ trong thượng viện, Edward lại được biết đến là một trong những TNS có khả năng khéo léo xây dựng những đạo luật bằng cách làm việc với các nghị sĩ và tổng thống của cả hai đảng, tìm kiếm được những đồng minh tưởng như không thể. Ông cũng từng góp phần thúc đẩy liên minh giữa các đảng như ủng hộ sáng kiến giáo dục “Không trẻ nào bị bỏ lại phía sau” của cựu Tổng thống đảng Cộng hòa George W. Bush và chương trình cải cách nhập cư của TNS John McCain. Mặt khác, TNS Edward cũng là người chỉ trích kịch liệt chính phủ Bush, đặc biệt về cuộc chiến tại Iraq và xìcăngđan lạm dụng tù nhân.

Gần đây, ông đã ủng hộ mạnh mẽ trong các vấn đề như y tế và giáo dục của Tổng thống Barack Obama. Bệnh nặng, ông vẫn quyết tâm hoàn thành “sự nghiệp của đời mình” là mang lại bảo hiểm y tế cho mọi người dân Mỹ. Ông đã giúp soạn thảo dự luật cải cách hệ thống y tế trị giá 2.500 tỷ USD.

Vì những thành quả ông đạt được, dù được mệnh danh là “con sư tử” của phe cánh tả Mỹ, nhưng trong cuộc khảo sát năm nay của tờ The Hill do Nhà Trắng phát hành, các TNS phe Cộng hòa đều cho rằng Edward là TNS phe Dân chủ mà họ có thể dễ dàng cộng tác nhất và là người “lưỡng đảng” nhất.

Người duy nhất thoát khỏi bi kịch của dòng tộc

TNS Edward M.Kennedy sống với người vợ thứ hai và có 3 con là Kara, Edward Kennedy con, và Patrick. Patrick hiện là một thành viên Hạ viện.  Ông trở thành người đứng đầu gia tộc quyền thế sau cái chết của 3 anh trai. Ông là người duy nhất trong 4 anh em trai nhà Kennedy chết tự nhiên. Người anh trai cả là Joseph Jr đã hy sinh trong một tai nạn máy bay thời Thế chiến II. John F. Kennedy bị ám sát năm 1963 khi đang là tổng thống và Robert F. Kennedy bị ám sát trong khi đang vận động tranh cử năm 1968.

Người Mỹ đang nhớ tới ông không chỉ vì ông là một trong những nhà lập pháp nổi tiếng và hiệu quả nhất, mà còn là một trong những thượng nghị sĩ được yêu mến nhất và nhiều ảnh hưởng nhất trong lịch sử Mỹ.

 Sự ra đi của ông cùng với cái chết của người chị gái Eunice Kennedy Shriver vào ngày 11-8 vừa qua, đã đặt dấu chấm hết cho một thế hệ chính khách xuất chúng của dòng họ nổi tiếng Kennedy, đồng thời là cú sốc khá lớn cho phe Dân chủ khi họ đang tìm câu trả lời cho lời kêu gọi của Tổng thống Barack Obama về một cuộc cải tổ toàn diện với hệ thống y tế nước này.

Tuy nhiên, ông sẽ được nhớ mãi là một TNS tâm huyết trong lịch sử nước Mỹ. Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Harry Reid cho rằng “gia đình Kennedy và Thượng viện Mỹ đã mất đi vị tộc trưởng đáng kính. Tiếng gầm oai hùng của con sư tử tự do bây giờ đã không còn nữa nhưng những ước mơ của ông sẽ không bao giờ tắt”. Đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã từng nói: “Có rất ít người có tầm ảnh hưởng rộng lớn như Edward M.Kennedy”.

(Theo HẠNH CHI (Theo CNN, Reuters, AP) // SGGP online)

  • “Thuở học đường” của giới chính khách Mỹ
  • Barack Obama vận động Ủy ban Olympic quốc tế
  • Ngoại trưởng Đức tương lai là người đồng tính
  • Kiểu tóc ấn tượng của các nhà lãnh đạo trên thế giới
  • Pháp: Bộ trưởng Văn hóa "chết" với hồi ký
  • Tổng thống Obama chuẩn bị đặt dấu ấn ở châu Á
  • Web của đệ nhất phu nhân Pháp “sập” vì quá tải
  • Vợ chồng Obama 'hẹn hò' nhân kỷ niệm ngày cưới