Josef Joffe, biên tập viên tuần báo Đức Die Zeit, thành viên cao cấp của Học viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli, nhận định: “Giải Nobel Hòa bình cho ông Barack Obama là sự trả thù của châu Âu đối với cựu tổng thống Geogre W. Bush. Đây là sự giải thích tốt nhất cho một quyết định mang ít ý nghĩa. Hãy nhìn vào lịch công tác. Ngày kết thúc việc bổ nhiệm các chức danh cho nội các là 1-2, gần 2 tuần sau khi ông Obama nhậm chức. Rõ ràng là không có nhiều thời gian để cứu vãn hòa bình thế giới”.
Trong khi đó, Douglas Brinkley, giáo sư lịch sử ở Đại học Rice, cho biết thoạt đầu ông bị sốc bởi cái tên người đoạt giải. Ông không tin. Thế nhưng sau nửa ngày ngẫm nghĩ, ông tin chắc đó là sự lựa chọn sáng tạo. “Tổng thống Obama rõ ràng là chưa xứng đáng với giải thưởng nếu xét đến thành tựu. Ông ấy chưa kết thúc một cuộc chiến quan trọng nào như Theodore Roosevelt đã làm năm 1905” - giáo sư Brinkley nhận xét. “Nhưng, Ủy ban Nobel Na Uy chưa bao giờ tuyên bố họ trao giải cho Barack Obama vì ông đã trải qua 9 tháng trên chiếc ghế tổng thống. Dường như ông ấy xứng đáng nhận giải Nobel vì tỏ rõ sự táo bạo, lòng chính trực và nhiệt tình cao của người lèo lái giữa sự thù hằn chủng tộc”. Và có vẻ như, cũng theo ông Brinkley, nhân tố quyết định khác đối với Oslo là việc quảng bá hình ảnh của Obama về ngoại giao quốc tế theo hướng đa phương truyền thống.
“Mùa thu năm ngoái, rất nhiều người châu Âu nói họ ao ước có thể bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ. Và vào ngày 9-10 vừa qua, tức sau 11 tháng, Ủy ban Nobel đã chiều theo nguyện vọng của họ”, Thomas Carithers, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu thuộc Tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, nói. Theo chuyên gia này, giải thưởng cho ông Obama phản ánh sự rạn nứt mang tính xung đột giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới trong suốt 8 năm ông Bush cầm quyền. Trong mắt người châu Âu, sự lựa chọn ông Obama và quyết định tái cam kết toàn cầu của ông ấy đã có nhiều tác dụng hàn gắn rạn nứt và vì thế ông xứng đáng với Giải Nobel Hòa bình.
Bằng giọng điệu dung hòa, ông Walter Russel Mead, đồng sự của cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đã nói trên tờ The New York Times: “Tôi có cảm nhận về các tổng thống giống như Napoleon cảm nhận về các vị tướng. Khi được hỏi loại tướng lĩnh nào ông ấy ưa thích hơn, Napoleon trả lời rằng ông muốn những vị tướng may mắn”. Trong mắt ông Mead thì Jimmy Carter là người thông minh, còn Ronald Reagan lại gặp may. “Rõ ràng trong lúc này ông Barack Obama là người may mắn. Không phải ông ấy không có tài. Ít ra ông ấy cũng sáng trí như Carter, diễn thuyết ấn tượng như Reagan, tranh luận dưới sức ép tốt như Kennedy. Nhưng tất cả điều này sẽ không đưa ông ấy từ thượng nghị sĩ bang Illinois đến Nhà Trắng nếu không có nữ thần may mắn” - ông Mead nói.
“Tôi không xem đó như sự công nhận về những thành tựu của riêng tôi, mà đúng hơn là sự xác nhận ban lãnh đạo Mỹ đã thể hiện khát vọng của nhân dân tất cả các nước”, Tổng thống Obama nhấn mạnh, bày tỏ sự “ngạc nhiên” và tự nhận mình còn “thấp kém” trước phần thưởng lớn.
Nhưng bất kể nó có ý nghĩa gì trên sân khấu thế giới và ở Mỹ, Giải Nobel Hòa bình cho ông Obama cũng tạo ra áp lực cho chính ông. Nó khiến mọi người nhìn sâu vào khoảng cách giữa lời hứa đầy tham vọng với những gì còn rất khiêm tốn mà ông đã thực hiện. Và, nó đặt ra một nguy cơ mới từ các đối thủ vẫn thường điên tiết khi nhìn thấy mỗi bước thăng tiến của ông.
(Theo Cao Tuấn // Người lao động online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com