Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giải Nobel Y học 2010: Sự sống từ ống nghiệm

Giáo sư Robert Edwards tại bàn làm việc năm 1989 với hình ảnh hàng ngàn "đứa con tinh thần" được ra đời nhờ phương pháp của ông.

Cách đây 32 năm không ai nghĩ rằng, con người có thể được tạo ra trong ống nghiệm. Giáo sư Heribert Kentenich, bác sĩ Bệnh viện Charité, Berlin, xác nhận: “Vào lúc đó tôi là bác sĩ chuyên khoa phụ sản nhưng không thể tưởng tượng sự thụ tinh có thể xảy ra ngoài bụng mẹ, đến khi bài viết về thụ tinh nhân tạo (IVF-in vitro fertilisation) xuất hiện trên tạp chí khoa học Lancet thì tôi mới tin đó là sự thật”.

Người phát triển kỹ thuật này là nhà sinh học người Anh Robert G. Edwards. Ông là cha đẻ tinh thần của hàng triệu đứa trẻ, được tạo ra qua con đường thụ tinh nhân tạo.

Vào thứ Hai tuần qua hội đồng giải Nobel thuộc Viện Karolinska ở Stockholm, Thụy Ðiển, quyết định trao giải Nobel Y học 2010 cho Robert G. Edwards. Theo hội đồng, “kết quả nghiên cứu của ông đã giúp nhiều người sinh được con. Nếu không có phương pháp thụ tinh nhân tạo thì cũng không thể có những đứa bé này”.

Từ thỏ sang người

Robert G. Edwards sinh năm 1925 tại Manchester, một thành phố kỹ nghệ nằm phía Tây Bắc của Anh. Sau khi lấy xong bằng tú tài ông theo học ngành sinh vật tại Đại học Wales, Bangor. Từ 1951-1957 ông làm việc và bảo vệ luận án tiến sĩ về di truyền tại Đại học Edinburgh ở Scotland, sau đó ông chuyển qua Viện Nghiên cứu y học quốc gia (National Institute for Medical Research) tại London và cũng là nơi ông bắt đầu nghiên cứu về thụ tinh nhân tạo ở người. Từ năm 1963, ông về làm việc tại Đại học Cambridge và năm 1968 ông cùng Patrick Christopher Steptoe, bác sĩ chuyên khoa sản phụ có tiếng thời đó, nghiên cứu và phát triển phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Thành công của các cuộc nghiên cứu ở loài thỏ đã thúc đẩy ông thực hiện sự thụ tinh của con người ngoài bụng mẹ. Với ý tưởng này ông Edwards bắt đầu xây dựng nhiều thí nghiệm từ năm 1960. Một người bạn là bác sĩ sản khoa cung cấp cho ông noãn và ông sử dụng tinh trùng của chính mình để nghiên cứu, nhưng phải thú nhận, sự thụ tinh thành công ở loài thú không dễ dàng chuyển qua loài người.

Không nản chí, ông cùng nhiều nhà khoa học khác nghiên cứu sự ảnh hưởng của hormon trong việc phát triển noãn và quá trình thụ tinh. Cuối cùng ông thành công bước đầu: noãn thụ tinh trong ống nghiệm bắt đầu phân bào.

Bước thứ hai gian nan hơn là đưa noãn đã thụ tinh vào bụng mẹ. Từ năm 1972-1974 hai nhà khoa học thử nghiệm nhiều lần nhưng kết quả không khả quan, phôi không giữ được lâu trong tử cung. Cuộc thí nghiệm kéo dài mãi đến năm 1977 mới đạt được kết quả như ý: noãn thụ tinh giữ được trong bụng mẹ và phát triển thành thai nhi.

Người phụ nữ đầu tiên mang thai bằng phương pháp này là Lesley Brown. Ngày 25-7-1978 đứa bé đầu tiên chào đời do thụ tinh nhân tạo mang tên Louise Joy Brown. Từ đó đến nay đã có hơn 4 triệu trẻ em được sinh ra, riêng tại Ðức hàng năm có gần 12.000 trẻ được sinh ra qua con đường thụ tinh nhân tạo.

Một đề tài tranh luận không dứt

Mike Macnamee, Giám đốc Bệnh viện Bourn Hall Clinic, nơi Edwards thực hiện thành công phương pháp thụ tinh nhân tạo, rất vui mừng khi được tin giải Nobel Y học được trao cho Edwards. “Edwards là nhà khoa học lớn nhất của chúng tôi. Việc nghiên cứu của ông đã giúp hàng triệu người có cuộc sống. Ông ta không muốn nổi tiếng mà chỉ muốn giúp đỡ những cặp vợ chồng hiếm muộn”. Rolf Kreienberg, Giám đốc bệnh viện phụ sản thuộc Đại học Ulm, Ðức và đồng thời là Chủ tịch Hội Phụ sản, cho rằng ông rất vui mừng là giải thưởng Nobel lần này liên quan đến ngành phụ sản.

Trái lại Tòa thánh Vatican chỉ trích mãnh liệt việc trao giải thưởng Nobel Y học cho Robert G. Edwards và cho rằng giải Nobel Y học năm nay đặt không đúng chỗ. Theo Carrasco de Paula, Chủ tịch Viện Khoa học cho đời sống của Vatican, nếu không có Edwards thì sẽ không có một thị trường mua bán noãn người và sẽ không có hàng loạt tủ lạnh chứa phôi người, mà phần lớn các phôi này là của những người bị kết án tử hình.

Ngoài vấn đề luân lý, pháp luật của một số nước cũng giới hạn phương pháp thụ tinh nhân tạo. Người Ðức quan niệm, khi trứng thụ tinh thì đã trở thành con người, vì vậy luật “bảo vệ thai nhi” của Ðức không cho phép chọn và hủy phôi người. Do không được chọn lựa noãn thuận lợi nhất trong số noãn thụ tinh để cấy vào bụng mẹ như ở một số nước, nên các bác sĩ Đức thường tăng số noãn thụ tinh đưa vào bụng mẹ để tăng mức độ thành công.

Kết quả là tỷ lệ sinh nhiều con ở Ðức cao hơn các nước khác. Tại Ðức tỷ lệ sinh con bằng phương pháp này lên đến 20% trong khi ở Thụy Ðiển hay Bỉ chỉ chiếm khoảng 2-5%. Hậu quả của sinh nhiều con thường mang đến các tác dụng xấu cho đứa trẻ và cha mẹ: như yếu tố tâm lý, vì sinh nhiều con ngoài ý muốn, trẻ con sinh ra thường thiếu tháng và dễ nhiễm bệnh.

Heribert Kentenich, Giám đốc Bệnh viện Lübeck, một trong những bác sĩ hàng đầu ở Ðức về thụ tinh nhân tạo, hy vọng, giải Nobel Y học năm nay cho người đã phát triển phương pháp thụ tinh ngoài bụng mẹ sẽ có tác dụng làm thay đổi luật “bảo vệ thai nhi” để các bác sĩ được phép lựa chọn noãn thụ tinh trước khi đưa vào bụng mẹ và qua đó có thể làm giảm tỷ lệ sinh nhiều con của phụ nữ tại Ðức.

Giải Nobel Y học với khoảng 1 triệu euro sẽ được trao cho ông Robert G. Edwards vào ngày 10-12, ngày mất của Alfred Nobel. Tuy nhiên cho đến hiện nay người ta vẫn chưa biết, Edwards với tuổi 85 và đang bệnh nặng, có thể trực tiếp nhận được giải thưởng này hay không. Người đã cùng ông phát triển phương pháp thụ tinh nhân tạo, bác sĩ Patrick Steptoe, thì đã mất năm 1988 lúc vừa được 74 tuổi.

Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (In Vitro Fertilisation)…

Bước đầu tiên để thực hiện phương pháp này là tiêm cho người mẹ tương lai hormon Gonadotropins (hay một loại hormon tương tự) để tăng cường phát triển và gây kích thích rụng trứng. Sau nhiều ngày, khi noãn đã “chín” người ta dùng máy siêu âm để quan sát và một loại kim cực nhỏ để rút noãn ra khỏi buồng trứng. Noãn được đặt vào ống nghiệm và sau đó cho thêm tinh trùng đã được chuẩn bị sẵn vào. Tỷ lệ thụ tinh thành công chiếm khoảng 50-70%. Dấu hiệu cho thấy kết quả thụ tinh là sự phân bào của trứng. Nếu thành công tế bào noãn sẽ tăng thành bốn tế bào sau hai ngày.

Tiến trình giao hợp và phát triển coi như chấm dứt (thường từ 2-5 ngày) bác sĩ sẽ đưa noãn thụ tinh (phôi) vào tử cung. Người mẹ được tiêm thêm nhiều loại hormon để hỗ trợ phôi phát triển và giữ vững trong bụng. Sau 14 ngày bác sĩ có thể xác định người mẹ có mang thai hay không. Tỷ lệ thành công cho bước này chiếm khoảng 20-40% tùy theo tuổi của phụ nữ cung cấp noãn.

… Và bước tiến mới

Vào ngày 4-10, khi tên của nhà khoa học Anh R. Edwards được xướng lên cho giải Nobel Y học 2010 nhờ việc hoàn thiện phương pháp IVF 30 năm về trước, các nhà khoa học tại Đại học Stanford, bang California, Mỹ cũng công bố một sự cải tiến quan trọng: quay phim tiến trình phát triển của noãn trong khoảng 48-72 giờ đầu tiên sau khi thụ tinh trong ống nghiệm.

Việc theo dõi bằng quay phim này hết sức cần thiết để tuyển lựa phôi tốt nhất đưa vào tử cung của người mẹ. Hiện thời, các kỹ thuật viên IVF phải chờ từ 4-5 ngày với giả định rằng, phôi nào còn sống sót sau thời gian đó là “mạnh khỏe nhất” và có triển vọng đậu thai cao nhất. Nhưng việc chờ đợi này rất có hại, bởi vì phôi càng để lâu ngoài cơ thể người, càng có khả năng phát triển không bình thường.

Khi theo dõi 242 phôi đã phân bào lần đầu tiên bằng cách quay phim, các nhà khoa học nhận ra ba yếu tố giúp lựa chọn các phôi triển vọng nhất: thời gian mà một noãn đã thụ tinh phân thành hai tế bào và thời gian giữa hai lần phân bào kế tiếp - các khoảng thời gian này càng ngắn thì phôi càng có chất lượng. Thực nghiệm cho thấy, 93% số phôi đáp ứng được ba yếu tố này đều có thể sống tới ngày thứ tư, thứ năm của tiến trình; nghĩa là cho phép bác sĩ đưa chúng vào tử cung người mẹ sớm hơn, chỉ cần hai ngày sau khi thụ tinh.

Kỹ thuật hình ảnh mới còn giúp nâng cao tỷ lệ đậu thai, hiện chỉ mới ở mức 30%, và giảm việc đưa nhiều phôi vào cùng một tử cung, dẫn tới trường hợp thụ thai nhiều con cùng lúc rất nguy hiểm.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // Trang Quan Sen)

  • Khỏa thân trước mặt Obama vì 1 triệu USD
  • Chủ tịch Eurozone chỉ trích đề xuất siết ngân sách
  • Đời tư
  • Đại tướng, con trai Chủ tịch Triều Tiên xuất hiện trước công chúng
  • Thích đổi kiểu tóc
  • Người phụ nữ bí ẩn của Triều Tiên
  • Ba nhà khoa học giành giải Nobel Kinh tế 2010
  • Kim Jong-un bị đồn giải phẫu thẩm mỹ