Bà góa phụ Suha Arafat, phu nhân của cố tổng thống Palestine Yasser Arafat, hiện đang tá túc ở Malta sau khi bị chính quyền Tunisia tước bỏ quốc tịch nhưng không cho biết lý do. Vì vậy có đến ba tin đồn khác nhau về sự cố bất ngờ này, tùy theo lăng kính chính trị.
Cố tổng thống Palestine Yasser Arafat và gia đình ông, một lần nữa, lại được dư luận báo chí quốc tế chú ý với hai sự kiện. Thứ nhất, Bassam Abu Sharif, cựu trợ lý của ông Arafat, tố cáo Israel đầu độc ông Arafat nhân sinh nhật lần thứ 78 (4/8/2007) của ông này. Thứ hai, bà góa phụ Suha Arafat bị Tunisia tước bỏ quốc tịch phải chạy sang đảo quốc Malta.
Tin tức mâu thuẫn
Nhật báo The Telegraph (Anh) dẫn các nguồn tin báo chí Ả Rập cho biết lý do tước quốc tịch bà Suha Arafat là bà đã bí mật làm đám cưới với Bilhassan Tarabulsi, em vợ của tổng thống Tunisia. Tờ báo cho biết thêm theo nguồn tin chính thức của Tunisia, bà bị tước bỏ “các quyền lợi tinh thần và vật chất”.
Tuy nhiên, không rõ các tài khoản ngân hàng nghe đâu lên đến hàng chục triệu USD của bà có bị phong tỏa hay không.
![]() |
Tổng thống Arafat và bà Suha |
Trong khi đó, một nguồn tin trên website Zajel.org, thuộc Trường Đại học An-Najah của Palestine, cho biết lý do bà Suha bị tước quốc tịch là do bà từ chối lấy một người bà con của đệ nhất phu nhân tổng thống Tunisia.
Nguồn tin này dẫn lời ông Ma’moun Tamini, Giám đốc điều hành Viện Chiến lược Ả Rập, cho biết đệ nhất phu nhân Tunisia coi việc từ chối này “phương hại đến danh giá gia đình của bà”. Tamini kể lại bà Suha từng nói rằng: “Tôi không thể làm vợ của ai khác ngoài Abu Ammar (tức cố tổng thống Yasser Arafat) dù ông ấy còn sống hay đã qua đời”.
Cũng theo Zajel.org, tin đồn bà Suha bị tước quốc tịch Tunisia vì bà rút nhiều triệu USD vốn đầu tư vào Tunisia là không đúng sự thật. Nhiều hãng tin nước ngoài cho rằng bà Suha đã đầu tư khoảng 40 triệu USD vào các dự án giáo dục và y tế, cụ thể là trường quốc tế Qirtaj và Viện Louis Pasteur.
Mohammed Buadhi, Giám đốc trường quốc tế Qirtaj và Viện Louis Pasteur, nói chính quyền Tunisia yêu cầu ông đóng cửa viện. Đồng thời, bà Suha cũng báo cho ông biết bà đã bỏ ý định khai trương trường này vào tháng 9.
Bà Suha Arafat, 44 tuổi và con gái Zhawa, 12 tuổi, đã sống ở Tunisia từ 3 năm nay sau khi ông Arafat qua đời vì một nguyên nhân không được tiết lộ. Hai mẹ con bà được nhập quốc tịch Tunisia hồi năm ngoái và được chính phủ cấp nhà, theo báo Jerusalem Post (Israel).
Nguồn tin Tunisia nói hôm 2-8-2007, chính phủ đã ban hành sắc lệnh tước bỏ quốc tịch của bà Suha Arafat nhưng không nói rõ có tước quốc tịch của bé Zhawa hay không.
Theo báo Malta Star, bà Suha và con gái đến Malta ở từ ngày Quốc khánh Pháp (14/7/2007) tá túc tại nhà anh trai là Jubran D. Tawil, đại sứ Palestine tại Malta. Mẹ bà là cựu nhà báo Raymonda đi cùng với hai mẹ con bà.
Cá tính mạnh, lợi bất cập hại
Bà Suha Daoud Tawil (tên hồi thời con gái) sinh ra tại Bờ Tây năm 1963 trong một gia đình trí thức Công giáo lập nghiệp ở thành phố Nablus. Bà học trường dòng ở Israel và tốt nghiệp Đại học Sorbonne, Pháp. Tại Paris, bà từng lãnh đạo Tổng đoàn Sinh viên Palestine ở Pháp và thường tổ chức những cuộc biểu tình ủng hộ Palestine.
Bà gặp ông Arafat lần đầu khi ông viếng thăm Pháp năm 1989, khi đó bà với tư cách là người thông dịch chính của ông Arafat. Sau đó, ông Arafat yêu cầu bà làm thư ký báo chí cho Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và cố vấn kinh tế cho Arafat.
Ông Arafat bí mật cưới bà Suha vào năm 1990 tại tổng hành dinh PLO ở Tunis, Tunisia. Lúc đó ông đã 61 tuổi còn bà Suha mới 27 tuổi. Bà Suha sau đó vào đạo Hồi, thường xuyên đi hành hương ở Mecca. Sau Hiệp định Oslo, hai ông bà trở về thành phố Gaza. Bà thành lập một tổ chức cứu trợ và hoạt động chính trị cải thiện vị thế phụ nữ Palestine.
Việc bà chọn Paris để sinh con đã làm nhiều người Palestine bất mãn. Nhất là sau khi có ai đó nói bà chê các bệnh viện phụ sản ở Palestine là “tồi tệ”. Lúc đó, cha mẹ của bà đều ở Paris sau khi bị Israel đe dọa tính mạng và chiếc xe hơi của mẹ bà – một nhà báo trực tính đấu tranh không khoan nhượng cho chính nghĩa Palestine – bị đặt bom ở thành phố Ramallah. Khi Suha mang thai 9 tháng thì cha bà qua đời. Bà giải thích lúc đó bà không thể trở về nhà bằng máy bay. Vài ngày sau, bà sinh Zhawa, lấy theo tên mẹ ông Arafat.
Sau đó bà Suha ở lại Paris. Bà cũng không ở bên chồng khi Israel giam lỏng ông Arafat ở Ramallah năm 2002. Một hành động bị nhiều người Palestine đánh giá là không yêu nước. Nhưng, theo một số cố vấn của Arafat, chính ông này yêu cầu vợ ở lại Paris.
Nói chung, bà Suha sống không được lòng nhiều chính khách Palestine. Với cá tính mạnh mẽ và quyết đoán, bà thường chỉ trích Chính phủ Palestine có nhiều quan tham nhũng khiến chồng bà bị tai tiếng. Câu nói trứ danh của bà là “Hoa đẹp nào cũng bị cỏ dại vây quanh”.
Bà đặc biệt đả kích sòng bài ở Jericho. Theo bà, đó là một việc làm “đáng hổ thẹn của những ông cố vấn chính quyền Palestine” vì trong khi Palestine thiếu bệnh viện, trường học thì lại khuyến khích cờ bạc.
Bà cũng chế giễu thỏa thuận hòa bình mà chồng bà và thủ tướng Israel ký theo xếp đặt của Mỹ bằng cách không tham dự lễ ký kết ở Washington. Bà nói thẳng: “Tôi ghét Israel. Tôi chống lại việc bình thường hóa quan hệ với họ”. Những hành động như vậy bị nhiều người cho rằng bà cực đoan hơn cả chồng.
Mối bất hòa giữa bà Suha và Chính phủ Palestine trở nên sâu sắc khi ông Arafat lâm bệnh nặng và qua đời tại Quân y viện Percy, Pháp. Bà từ chối cung cấp hồ sơ bệnh án của chồng cho Chính phủ Palestine. Khi phái đoàn Chính phủ Palestine đến thăm bệnh nhân Arafat, bà nói mỉa: “Họ đến để chôn sống ông ấy!".
Tiền ở đâu ra? |
(Theo vietnamnet)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com