Sau chuyến đi châu Phi kéo dài 10 ngày, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton mới về lại thủ đô với dáng vẻ khá mệt mỏi. Không tuyên bố gì với đoàn nhà báo chờ đón ở sân bay, bà Hillary Clinton bước ngay lên xe để về văn phòng. Đám nhà báo chào đón bà mạnh ai nấy lên xe đi về, vừa đi vừa tiếc công chờ đợi cả ngày mà không được gì cả.
![]() |
Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu ở Nigeria, trong chuyến công du châu Phi vừa qua. Ảnh: Reuters |
Chuyến đi dài ngày của bà đem lại nhiều thành công, mở đầu một quan hệ vững hơn với vùng đất đã nhiều năm bị quên lãng, nhưng rõ ràng chuyến đi không đem lại kết quả như chính bà mong đợi.
Tại châu Phi, bà dành phần lớn thì giờ vào việc trình bày cho thế giới thấy một chính sách mới của Mỹ, trình bày cho người dân châu lục nghèo đói và chiến tranh này thấy những kế hoạch Washington muốn thực hiện để giúp họ có thanh bình, thoát khỏi cảnh đói nghèo, bệnh tật. Nhưng trong lúc bà đang có mặt tại đó, thế giới lại chú ý đến chuyến đi Bắc Triều Tiên đầy bất ngờ của phu quân bà, ông Bill Clinton và thành quả mà ông đạt được. Ngày nào ở châu Phi cũng thấy bà họp báo, nhưng rõ ràng chuyện bà cãi nhau với một anh sinh viên lại là chuyện được mọi người nói tới nhiều nhất. Hình ảnh đó được đưa lên YouTube cho cả thế giới xem, và nhiều người bảo: “Bà Hillary làm ngoại trưởng nhưng lại thiếu tế nhị ngoại giao”.
Liên tục “nói lại cho rõ”
Vụ cãi nhau chỉ là một trong dây chuyền những lần “sao quả tạ chiếu” bà trong 30 ngày qua. Hôm 20.7 khi ghé New Delhi, bà đã bị “chiếu” một lần. Hôm đó, một nhà báo Ấn hỏi nếu Chính phủ Ấn chuyển giao kỹ thuật chế biến hạt nhân cho nước khác, liệu Washington có phản đối hay không. Bà nhanh nhảu trả lời: “Rõ ràng, chúng tôi không phản đối. Chúng tôi vừa kết thúc đàm phán về chương trình hạt nhân dân sự với Chính phủ Ấn, vì thế nếu điều này được thực hiện đúng hướng và đúng với những điều kiện an toàn, thì không có gì đáng phải ngại cả”. Câu trả lời của bà khiến các nhà báo Ấn tươi cười hớn hở, vì rõ ràng, chính sách về hạt nhân của nước Mỹ đã thay đổi.
Chỉ 30 phút sau đó, văn phòng báo chí bộ Ngoại giao Mỹ ra một bản thông cáo với mục đích “nói lại cho rõ” rằng: “Chính sách của Mỹ về hạt nhân không thay đổi… Việc ngăn chặn phổ biến kỹ thuật hạt nhân không nhắm vào Ấn Độ, mà được thực hiện với tất cả quốc gia khác”. Nhất định không dùng chữ “đính chính”, các phụ tá của bà ở Washington và New Delhi bảo thêm ý bà ngoại trưởng là: “Mỹ đồng ý cho Ấn tái sử dụng những thanh hạt nhân mà Mỹ đã dùng, chứ không phải bà bảo Mỹ đồng ý cho Ấn chuyển giao kỹ thuật chế biến cho nước khác đâu”. Thông báo và giải thích này đi kèm với lời nhắn gửi: “Xin quý báo, quý đài nói lại cho đúng”, kèm theo lời cám ơn nồng hậu của những quan chức thuộc văn phòng kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Từ New Delhi sang Bangkok, bà Clinton bị “chiếu” thêm một lần nữa. Tại đây, trả lời phỏng vấn của báo chí, bà dùng những ngôn từ khá nặng nề để kết án Chính phủ Myanmar. Bà giải thích những gì Washington làm để kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á thúc đẩy Myanmar đổi mới chính trị, trả tự do cho các tù nhân lương tâm. Cuộc phỏng vấn kết thúc với câu: “Chúng tôi không có quan hệ ngoại giao với nước này, nhưng những điều tôi vừa trình bày là những gì chúng tôi đang làm”.
Cuộc phỏng vấn vừa kết thúc, toán tuỳ viên báo chí đi theo bà vội vã lên tiếng “nói lại cho rõ” với cánh nhà báo. Khác hẳn với Iran hay Bắc Triều Tiên, Mỹ có toà đại sứ ở Myanmar, dù người đứng đầu chỉ ở cấp đại biện, chứ không phải là đại sứ. Các phụ tá của bà giải thích: “Xin mọi người hiểu cho ý bà ngoại trưởng muốn nói là Washington không có trao đổi ngoại giao toàn diện với Myanmar”.
Chỉ tại “thẳng ruột ngựa”
Bà Clinton hay thêm bớt vì muốn chứng tỏ cho thế giới thấy bà biết nhiều, nhưng không ngờ lời tuyên bố của bà thường khiến chính bộ Ngoại giao phải tìm cách chữa
Trong sáu tháng giữ vai trò ngoại trưởng, bà Clinton nổi tiếng là người trình bày quan điểm theo suy nghĩ của cá nhân, thay vì đi đúng với chính sách của Nhà Trắng hay theo đúng lối nói của các nhà ngoại giao. Mới tháng rồi khi trở lại châu Á, chính bà đưa ra lời tuyên bố cho biết Washington đã sẵn sàng dựng “dù bảo vệ” cho các nước đồng minh trong trường hợp Iran không bỏ ý định chế tạo vũ khí hạt nhân. Kết quả: các nước đồng minh của Mỹ ở Trung Đông la làng, ông cố vấn an ninh quốc gia Do Thái vội vã lên máy bay sang Mỹ để tìm hiểu cho ra lẽ.
Tại sao bà Hillary lại hay “hố” đến thế? Nghe đồn chính các nhân viên thân cận nhất với bà đều than thở, nói nhỏ: “Sếp ơi làm ơn đi đúng bài bản đã được soạn sẵn cho chúng em nhờ”. Những nhân viên lâu năm ở bộ Ngoại giao cũng bảo trải qua ba đời nữ ngoại trưởng, bà Hillary là người duy nhất đi sai bài bản, trong khi hai bà Madeleine Albright và Condoleezza Rice luôn luôn theo đúng sách đã được soạn trước, phát biểu không sai một dấu phẩy, không thiếu một dấu chấm.
Cựu thứ trưởng Thomas Peckering nghĩ bà Clinton hay thêm bớt vì: “Muốn chứng tỏ cho thế giới thấy bà biết nhiều, nhưng không ngờ lời tuyên bố của bà thường khiến chính bộ Ngoại giao phải tìm cách chữa”. Giáo sư Michael Singh của viện Nghiên cứu Trung Đông đề nghị trước khi bà Clinton xuất hiện trước báo chí, nhân viên dưới quyền nên ngồi xuống nhắc nhở bà nên nói gì và hay nhất là bà đừng giải thích thêm để tránh sai lầm. Nhưng ai là người dám đề nghị mời bà ngồi xuống cho chúng em dặn dò? Các nhân viên thân cận với bà từ chối trả lời câu hỏi này, đưa mắt nhìn với ngụ ý bảo đúng là ý kiến… “vớ vẩn”.
(Theo Nguyên Đức/SGTT/ (Washington D.C)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com