Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Người kế vị Hồ Cẩm Đào?

Phó chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, 57 tuổi, rất có thể sẽ là người thay thế vị trí của Hồ Cẩm Đào lãnh đạo nước này từ 2013.

Ngày kết thúc Đại hội trung ương 5 khóa 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 18.10 cũng là ngày ông Tập Cận Bình được bổ nhiệm chức Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Đó là một vị trí quyền lực mà nhiều nhà quan sát tin rằng sẽ chuẩn bị cho Tập Cận Bình thay thế khi ông Hồ Cẩm Đào thôi giữ chức tổng bí thư đảng vào năm 2012 và chức chủ tịch nước vào 2013. Con đường dẫn đến quyền lực tối cao Trung Quốc của Tập Cận Bình đang theo đúng kịch bản của 11 năm trước. Đại hội Trung ương Đảng năm 1999 đã bầu Hồ Cẩm Đào làm phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương để rồi ba năm sau thành Tổng bí thư đảng và một năm sau nữa thành Chủ tịch nước.

Hạt giống đỏ

 
Tập Cận Bình (dưới) có thể sẽ là người thay thế vị trí của Hồ Cẩm Đào (trên) từ 2013.Ảnh: Washington Post

Quê quán Thiểm Tây nhưng sinh ở Bắc Kinh, Tập Cận Bình ra đời năm 1953 khi người cha Tập Trọng Huân đang giữ chức trưởng ban tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc và sau đó là phó thủ tướng. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Tập Trọng Huân bị thanh lọc vào năm 1962 cho đi lao động ở nhà máy, rồi bị cầm tù vào năm 1968. Không còn sự bao bọc của cha, Tập Cận Bình phải về Thiểm Tây lao động. Tập vào đảng năm 1974, rồi trở thành bí thư chi bộ của đội sản xuất địa phương. Trong một chương trình của đài truyền hình Trung Quốc, Tập hồi tưởng lại thời đó: “Đầy cảm xúc. Đầy khí thế. Nhưng khi những lý tưởng của Cách mạng Văn hóa không thể thực hiện được, nó trở thành một ảo tưởng…”

Từ 1975 đến 1979, Tập về Bắc Kinh theo học ngành hóa ở Đại học Thanh Hoa, nơi sản sinh ra nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc hiện nay, kể cả Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên cũng có nghi vấn về lý lịch học vấn của Tập, vì có thông tin cho rằng ông không học hoặc hoàn tất bậc trung học, và ông đã lấy bằng tiến sĩ luật năm 2002 mà không qua thạc sĩ. Xong đại học, Tập trở thành thư ký Văn phòng Quân ủy trung ương cho đến 1982 khiđượcbổ nhiệm về tỉnh Hà Bắc làm bí thư huyện ủy.

Đến năm 1985, Tập chuyển sang tỉnh Phúc Kiến, và lần lượt đi qua các chức vụ từ cấp thị xã lên thành phố, rồi cuối cùng trở thành phó bí thư tỉnh ủy kiêm tỉnh trưởng vào năm 2000. Trong thời gian này ông hoàn tất bằng tiến sĩ luật rồi chuyển sang lãnh đạo tỉnh Triết Giang năm 2003. Ông nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài vào hai tỉnh này và được cho là người ủng hộ doanh nghiệp.

Không khoan nhượng với nạn tham nhũng, ông đã hai lần được mời tham gia vào ban điều tra những vụ án lớn. Ở Phúc Kiến, ông góp phần giải quyết một vụ tham nhũng đầy tai tiếng vào cuối những năm 1990. Sau năm năm ở Triết Giang, ông trở thành bí thư thành ủy Thượng Hải năm 2007, khi người tiền nhiệm, Trần Lương Vũ, bị cách chức và vào tù vì tội tham nhũng.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông được bầu làm ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, bí thư Ban bí thư Trung ương Đảng và kiêm hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương và trở thành phó Chủ tịch nước năm 2008.

Sẽ là nhà lãnh đạo cứng rắn?

Nhiều người đã chờ đợi Tập Cận Bình giữ chức phó chủ tịch Quân ủy Trung ương từ Đại hội Trung ương 4 khóa 17 vào tháng 9 năm trước, nhưng điều đó đã không xảy ra. Các nhà phân tích khi đó cho rằng “thất bại” ấy là bằng chứng cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đang triển khai kiểm tra và cân đối nội bộ, chuẩn bị cho một cơ chế chuyển giao quyền lực tinh vi hơn. Còn tờ The Mirror của Hong Kong tường thuật rằng chính Tập không muốn giữ chức vụ này và đã viết thư cho Hồ Cẩm Đào ngỏ ý là Tập cần “tập trung vào những nhiệm vụ trước mắt” và bàn chuyện kế vị ở đại hội 4 sẽ làm “xao nhãng” những vấn đề quan trọng hơn.

Tập Cận Bình là người đòi hỏi các quan chức của đảng phải nói năng đơn giản. Ông luôn than phiền là họ dùng quá nhiều thuật ngữ chính trị. Chính ông đã thể hiện phong cách nói năng bộc trực của mình trong chuyến công du Mexico năm 2009, khi công khaichế giễu những quan ngại của thế giới về sức mạnh đang lớn dần của Trung Quốc. Các nhà ngoại giao đã sửng sốt khi nghe ông nói: “Một số người nước ngoài ăn no rồi chẳng biết làm gì khác ngoài chuyện chỉ trích chúng tôi. Thứ nhất, Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng. Thứ hai, Trung Quốc không xuất khẩu đói nghèo. Và thứ ba, Trung Quốc không xía vào chuyện của các người. Vậy thì có gì mà nói chứ?”

Ông được xem là người thành công nhất trong thành phần “con ông cháu cha”. Cha ông, Tập Trọng Huân, dù từng bị đi tù trong thời Cách Mạng Văn Hóa nhưng là người có công lớn với nhà nước. Chính Tập Trọng Huân từng là cố vấn cho Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo trên đường thăng tiến chính trị để trở thành những nhà lãnh đạo. Tập Trọng Huân cũng là người đề xuất và thực thi đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc – Thâm Quyến – sau này trở thành mô hình kiểu mẫu cho các đặc khu khác. Bước đường chính trị của Tập Cận Bình không thể hanh thông nếu không có sự hỗ trợ của người cha.

Tuy nhiên, đối với nhiều người dân Trung Quốc, vị lãnh tụ tương lai này chỉ nổi tiếng vì ông là chồng của nữ danh ca Bành Lệ Viện rất được ái mộ. Với bà, Tập Cận Bình là một người thực tế, năng nổ và cần kiệm. Hãng tin Reuters dẫn lời danh ca này nói về ông: “Khi ông ấy về nhà, tôi không hề nghĩ rằng có vị lãnh đạo nào đó trong nhà này. Trong mắt tôi, ông ấy chỉ là chồng tôi.”

( Theo TRẦN NGỌC ĐĂNG (TỔNG HỢP) // Báo Sài gòn tiếp thị Online )

  • Tập Cận Bình, một chân dung chính trị
  • Ra tay giúp chồng
  • Tìm họ hàng ông Obama
  • Vị Tổng biên tập có "uy lực của thuốc nổ"
  • Bộ trưởng tự quảng cáo
  • Cựu thủ tướng Úc “ăn” giày
  • “Đệ nhất gia đình” gồm những ai?
  • Gặp người sống sót trong vụ bom nguyên tử Hiroshima