Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Putin trong mắt Obama

Trước khi gặp Thủ tướng Putin, Tổng thống Obama đã bất ngờ chỉ trích ông Putin “điều hành công việc một nửa theo cách cũ, một nửa theo cách mới”. Sau khi gặp rồi, ông đã thay đổi ý kiến: “Đó là một người đương thời, có tầm nhìn kiên định hướng về tương lai”

Fyodor Lukyanov, chủ bút tờ Vấn đề toàn cầu Nga, bình luận về lời chỉ trích nhắm vào cá nhân ông Putin của Tổng thống Obama: “Tôi rất bất ngờ trước lời chỉ trích đó bởi nó không hợp với phong cách của Obama. Theo tôi hiểu thì  ông cần phát biểu như thế để thỏa mãn yêu cầu chính trị trong nước. Nhưng sau hội nghị thượng đỉnh này,  ông Obama sẽ bị đả kích là quá trung thành với Nga”.


Cũng theo Lukyanov, người Nga cũng hiểu rằng lời chỉ trích Putin của Tổng thống Obama nhắm vào các nhóm chống đối ông trong nước cũng như vào các nhà lãnh đạo Nga. Dưới mắt ông Obama, trước khi gặp nhau, ông Putin vẫn còn hành xử như thể hồi thời chiến tranh lạnh Liên Xô-Mỹ, mặc dù thời ấy đã qua.


Tổng thống Obama (bìa trái) và Thủ tướng Putin (bìa phải) trò chuyện
trong bữa điểm tâm. Ảnh: Reuters

Một giờ thành hơn hai giờ


Cuộc gặp được tổ chức vào sáng thứ ba (ngày 7-7) trên lầu thượng tư dinh của Thủ tướng Nga ở Novo Ogaryovo, một vùng có nhiều cây xanh thuộc ngoại ô Moscow, bắt đầu bằng một bữa điểm tâm theo kiểu Nga, sau đó mới họp kín. Theo chương trình, dự kiến cuộc gặp  sẽ diễn ra một giờ và hai người chỉ thảo luận về các vấn đề kinh tế hai nước, đặc biệt là Luật Jackson-Vanik đối với Nga (đến nay, Mỹ vẫn chưa nhìn nhận Nga có nền kinh tế thị trường và trong vấn đề di dân có nhiều hạn chế. Do đó, Mỹ vẫn chưa cho Nga hưởng quy chế tối huệ quốc). Sau cuộc gặp sẽ không có họp báo.   Đó là nghi thức dành cho thủ tướng Nga.


Trên thực tế, do Thủ tướng Putin  vẫn được Nhà Trắng coi là người có ảnh hưởng lớn đến chính sách ngoại giao Nga, cuộc họp đã diễn ra hơn 2 giờ . Các trợ lý cho biết nội dung thảo luận được mở rộng sang những vấn đề liên quan đến Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START-1), năng lượng và một số vấn đề mà hai bên quan tâm như vấn đề Georgia, Ukraine.


Tuy nhiên, có một đề tài mà cả hai đều né tránh là vấn đề Nga công nhận hai vùng ly khai Abkhazia và Nam Ossetia thuộc Georgia. Cả hai phía, nhất là phía Mỹ, đều không muốn cuộc họp thượng đỉnh này đi vào bế tắc vì giữa hai nước có rất nhiều điểm rất khác biệt nhau, ví dụ như vấn đề Ukraine và Georgia.


Yuri Ushakov, trợ lý của Thủ tướng Nga, kể lại bữa điểm tâm đã xua tan những căng thẳng ban đầu. Nhìn các tấm ảnh chụp các vị khách bên bàn ăn, người ta thấy rõ ràng ông Obama, ông  Putin và các trợ lý tươi cười vui vẻ. Chính ông Putin đã làm bầu không khí dịu lại với những câu pha trò hóm hỉnh. Tổng thống Obama cũng đáp lại: “Tôi muốn cảm ơn ngài thủ tướng đã mang lại thời tiết tốt đẹp hôm nay”. Hôm trước, tổng thống Mỹ đến Moscow trong  cảnh gió lạnh, mưa ẩm ướt.


Ông Obama nói hớ


Thủ tướng Putin thết đãi Tổng thống Obama một bữa điểm tâm thịnh soạn kiểu Nga đầy ấn tượng. Thực đơn gồm có các loại trứng, cá tầm xông khói, trứng cá muối đen, bánh bao nhân thịt cút, trà ủ trong ấm samovar, mứt dâu. Phục vụ bàn mặc áo dài truyền thống Nga màu đỏ, lưng thắt dây nịt vàng. Trong khi  thực khách dùng bữa, mười nhạc công chơi đàn balalaika phục vụ những bản nhạc dân tộc du dương.


Theo mô tả của báo chí và đài truyền hình Nga, cả hai người có vẻ ngượng ngập, không được tự nhiên khi lần đầu chính thức đối mặt với nhau. Trước khi bắt tay trước ống kính giới báo chí, Thủ tướng Putin mở lời: “Tôi rất hân hạnh  có dịp được làm quen với ngài”. Trong lúc nói, con mắt ông Putin không nhìn thẳng vào mắt tổng thống Mỹ. Ông tiếp tục:  “Chúng ta từng trải qua những ngày tháng xám xịt, vô vị, thậm chí xung đột lẫn nhau nhưng chúng tôi gắn liền tên tuổi của ngài với hy vọng phát triển quan hệ Nga-Mỹ”.


Tổng thống Obama đáp lời: “Tôi không chỉ quan tâm đến những việc phi thường mà ngài đã làm nhân danh nhân dân Nga trong vai trò trước đây là thủ tướng - à mà không - là tổng thống mà cả trong vai trò hiện tại là thủ tướng”.


Theo nhật báo The St-Petersburg Times, ông Obama không chỉ nói hớ một lần mà nhiều lần khi đề cập tới Thủ tướng Putin. Trong cuộc họp báo với Tổng thống Medvedev chiều hôm trước (ngày 6-7) tại Điện Kremli,  khi  đề cập tới những lời phản đối của Nga về kế hoạch xây dụng lá chắn tên lửa Mỹ ở châu Âu, ông Obama cũng nói: “Tôi e rằng khi nói chuyện với tổng thống - à..., Thủ tướng Putin - vào ngày mai ông ấy cũng sẽ  nói y như vậy”.

Ngay cả sau khi buổi gặp Putin, trả lời phỏng vấn của đài truyền hình Mỹ NBC, Tổng thống Obama lại nói hớ một lần nữa khi gọi ông Putin là tổng thống. Sau đó, ông chữa thẹn bằng cách nói trớ: “Tôi không nghĩ rằng đó là nói hớ bởi ông ấy từng làm tổng thống”.


Sau đó trên kênh truyền hình Fox News, ông lại đưa ra một nhận định khác về ông Putin: “Đó là một người mạnh mẽ, thông minh, sắc sảo, không để tình cảm chi phối, rất thực dụng”. Cũng trên kênh truyền hình này, ông Obama phát biểu: “Tôi nghĩ rằng người đồng nhiệm với tôi chính là Tổng thống Medvedev nhưng ông Putin có ảnh hưởng rất lớn”.


Cuộc nói chuyện được phía Mỹ mô tả là tích cực.  Một quan chức Nhà Trắng nhận định rằng hai bên đã trao đổi ý kiến một cách “rất thẳng thắn”. Cũng theo ông này, chính ông Obama đã chủ động kéo dài cuộc thảo luận thêm 1 giờ rưỡi để “thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với Thủ tướng Vladimir Putin”.


Trong khi đó, nhật báo The Washington Times viết: “Tám năm trước, Tổng thống Bush đã “nhìn thấy tâm hồn ông Putin khi nhìn vào mắt ông ấy”. Người kế nhiệm ông Bush không nhìn sâu vào mắt ông Putin và có ý kiến khác. Ông Obama nhận định rằng thủ tướng Nga là  một người bảo vệ (quan điểm) mạnh mẽ, thực dụng và ít chịu ảnh hưởng tình cảm của đất nước ông”. Cũng theo tờ báo Mỹ này, quan hệ giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Putin có thể là “phức tạp nhất trong nhiệm kỳ của ông Obama”.

(Theo NGUYỄN CAO // Nguoilaodong Online)

  • Con trai bin Laden tố cáo tội ác của cha
  • Tổng thống lâm thời Honduras sẽ từ chức
  • Đại sứ Mỹ tại Iraq bị ám sát hụt
  • Tượng sáp của ông Obama bị chê
  • Tổng thống Nga yêu cầu tập trận thường xuyên
  • Bộ trưởng Thương mại Mỹ: Dự án gia nhập WTO của Nga không khả thi
  • 'Minh oan' cho ông Obama
  • Cựu Thủ tướng Ba Lan được bầu làm Chủ tịch EP