Việc ông Vladimir Putin muốn ra tranh cử tổng thống gắn liền với kỷ lục của ông là người hùng từng đưa nước Nga thoát khỏi tình trạng thời hậu Liên Xô và hậu Yeltsin để bước vào thời kỳ trật tự kinh tế và thịnh vượng.
Khi tìm cách trở lại chiếc ghế tổng thống - lần này phải đương đầu với phe đối lập mạnh chưa từng thấy - ông sẽ chắc chắn phải dùng quân bài ổn định kinh tế ngay khi có thể. Nhưng khó có thể nói việc đắc cử của ông là chìa khóa giữ nước Nga đi trên một con đường tăng trưởng.
Để hiểu tại sao, hãy cùng nhìn lại con đường gập ghềnh của nền kinh tế Nga trong hai thập kỷ qua. Trong những năm cuối cùng trước khi Liên Xô tan rã, nền kinh tế của Liên bang Xô viết là một sự pha trộn kỳ lạ của Thế giới thứ nhất và Thế giới thứ ba: một siêu cường quân sự, đứng đầu về khoa học, đối lập hoàn toàn với một nền kinh tế công nghiệp lạc hậu bị lũng đoạn bởi tham nhũng và sự thiếu hiệu quả. Vấn đề là nền kinh tế của Liên bang Nga ngày nay vẫn ít nhiều đúng với mô tả này.
Thành thực mà nói, một số thứ đã thay đổi. Trong các thành phố lớn, các cửa hiệu đã đầy hàng tiêu dùng. Và, các ngả đường ở thủ đô Moscow đã nêm chặt những xe hơi tư nhân, đến mức thành phố này giờ cũng phải đau đầu với nạn tắc đường tệ như ở London. Nhưng nền kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào việc bán nguyên liệu đầu vào và vũ khí để tiếp tục trụ vững.
Trong những năm 1990, sau khi Liên Xô tan rã, GDP sụt giảm hơn 1/3 và chỉ lấy lại mức năm 1990 vào năm 2004. Trong khi đó, nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn của quốc gia đã bị bán với giá rẻ cho một tầng lớp đầu sỏ mới có liên quan đến chính trị.
Nền tảng công nghiệp kém hiệu quả này đã bị gạt bỏ, một phần được tân trang lại với sự hỗ trợ của công nghệ và cách thức quản lý của nước ngoài. Và chủ nghĩa tư bản "cowboy" thiếu thiện chí của thập kỷ chuyển giao sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 đã mở đường cho một dạng chủ nghĩa tư bản được chế ngự bởi độc quyền trong nước Nga thời Putin. Tăng trưởng đạt 7%/năm từ năm 1999-2008. Chính quyền đã thu được thuế, và các dịch vụ công ở mức khiêm tốn nhất đã được cung cấp trở lại.
Nhưng chìa khóa cho thành công của nền kinh tế Nga trong thập kỷ vừa qua chính là sự bùng nổ hàng hóa toàn cầu. Là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới và nhà sản xuất khí tự nhiên lớn thứ nhì thế giới, Nga đã hưởng lợi triệt để từ sự leo thang của giá dầu. Thực vậy, nhờ sự gia tăng mạnh thu nhập từ dầu mỏ, Moscow đã có đủ lực để tung ra gói cứu trợ trị giá 200 tỷ USD cho các ngân hàng của mình sau khi nền kinh tế bị đóng sập cửa do suy thoái toàn cầu năm 2008.
Nếu bạn chỉ nhìn bề ngoài, nền kinh tế Nga hiện nay có vẻ đang tiến triển khá tốt. Thu nhập bình quân đầu người, dựa trên sức mua, đạt gần 20.000 USD - bằng gần một nửa của Mỹ (47.000 USD), bằng 2/3 của Đức (37.000 USD), nhưng không kém Bồ Đào Nha là mấy (26.000 USD), và gần gấp đôi thời kỳ ngay sau khi Liên Xô tan rã. Ngân sách đã đạt thặng dư, và tài sản tài chính của chính phủ đã lớn hơn nợ. Lĩnh vực đào tạo nhân tài trong các ngành khoa học - một trong rất ít thành quả thực sự của Liên Xô - vẫn tốt. Trong khi đó, nền công nghiệp phần mềm đã mang đẳng cấp thế giới.
Nhưng nếu nhìn cận cảnh, bạn sẽ thấy bức tranh này ít gọn gàng hơn. Trước tiên là vấn đề không hề nhỏ liên quan đến bất bình đẳng. Tiêu chuẩn thu nhập bình quân đầu người/tháng của hộ gia đình (GINI) của Nga ở mức trung bình so với các nước khác có mức thu nhập tương đương. Nhưng tác động của nghèo đói được thấy rất rõ trong các thống kê về sức khỏe. Tuổi thọ trung bình của người Nga thấp hơn 8 năm so với người Trung Quốc. Tỷ lệ trẻ em tử vong cao gấp ba lần Tây Ban Nha. Tỷ lệ sinh chỉ đạt 1,4 - mức cực thấp.
Nhưng ít nhất các nền tảng kinh tế vĩ mô cũng khá tốt, phải vậy không? Vừa đúng vừa sai. Như đã nói ở trên, ngân sách chính phủ đạt thặng dư, nhưng đó là nhờ sự gia tăng thu nhập từ dầu và khí đốt. Nếu không có nguồn thu từ năng lượng, ngân sách Moscow sẽ bị thâm hụt ở mức 10-11% GDP!
Mặt khác, trong khi nền kinh tế có thể sụp đổ nếu thiếu thu nhập từ năng lượng, nó cũng có thể sụp đổ vì chính mình. Các tổ hợp công nghiệp kếch xù, sừng sững như những nhà thờ lớn để cầu nguyện thời Stalin, hầu như không hoạt động. Nhưng vấn đề sản lượng không ảnh hưởng lớn bởi nước Nga không cọ sát nhiều với cạnh tranh ở bên ngoài các thị trường nội địa của mình.
Giờ đây, các chuyên gia kinh tế hài lòng giải thích rằng cạnh tranh quốc tế chủ yếu có chức năng tỷ giá hối đoái: nếu giá trị đồng rúp thấp so với USD hay euro, chi phí sản xuất tại các xưởng sản xuất ở Nga sẽ đủ thấp để hàng hóa Nga cạnh tranh được trên thị trường toàn cầu.
Nơi mà dầu mỏ của Nga được xuất khẩu tới có thể trở thành món nợ. Tiền bán hàng ra nước ngoài giúp đồng rúp không bị phá giá, giúp xe hơi và máy nông nghiệp của Nga có thể cạnh tranh với các sản phẩm tương tự được sản xuất ở Hàn Quốc và Mỹ. Kết quả là gần 4/5 thu nhập từ xuất khẩu của Nga xuất phát từ dầu, khí và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Đa phần còn lại đến từ việc bán vũ khí sản xuất trong các xưởng do nhà nước quản lý với mức giá mà chỉ ông Putin được biết.
Ngày nay, dầu xuất khẩu của Nga đã trở nên "khó nhằn" gấp bội. Thời kỳ duy nhất Điện Kremlin hậu Liên Xô buộc phải lắng nghe lời kêu gọi tự do hóa kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng là khi chính phủ cần các khoản vay của nước ngoài để kiềm chế lạm phát và giữ cho hệ thống tài chính không bị nợ đọng. Vì vậy, xuất khẩu dầu với giá cao đã giúp ông Putin tránh khỏi sức ép phải thả lỏng thị trường gây bất lợi cho các đồng minh tài phiệt và cỗ máy chính quyền quan liêu.
Các nền kinh tế khác (như Ấn Độ) đã phục hồi trên tàn tích của nền kinh tế kế hoạch tập trung và sự cô lập lâu dài với các thị trường toàn cầu. Nhưng tình trạng "bệnh lý" của nền kinh tế Nga vẫn rất nặng.
Tham nhũng ở mức nghiêm trọng. Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp Nga ở vị trí 154/176 quốc gia trong bảng xếp hạng về tham nhũng, trên Yemen và Cộng hòa Trung Phi. Và tình trạng quan liêu cũng vậy: Nga bị xếp thứ 120 trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) về mức độ thoái mái trong kinh doanh. Trung bình phải mất 281 ngày để được nối điện và 423 ngày để có một giấy phép xây dựng.
Một số nhà đầu tư nước ngoài đã cố gắng vượt qua không khí kinh doanh không hề dễ thở ở Nga. Nhưng hầu hết đều là những nhà đầu cơ hy vọng kiếm lời trước sự bùng nổ tiếp theo của bong bóng trên thị trường chứng khoán Nga, và khoản "tiền nóng" như vậy chỉ càng khiến cho nền kinh tế thêm bất ổn. Hầu hết còn lại là các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào mỏ và khoáng sản nặng; họ chỉ sẵn làng đối mặt với những nguy cơ lớn khi kinh doanh ở Nga hòng mong khả năng kiếm lời lớn. Còn các dạng nhà đầu tư mà Nga cần nhất - những nhà đầu tư lâu dài vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ, đem theo công nghệ tiến bộ cùng với các kỹ năng quản lý và marketing - thì lại đang đổ xô tới Trung Quốc và Brazil.
Đáng tiếc là Nga lại thiếu nghiêm trọng những doanh nghiệp "cây nhà lá vườn" có thể giúp lấp đầy khoảng cách này. Có thể đây là một phản ứng trước các hàng rào tạo ra bởi các quan chức tham nhũng, cách quản lý tồi, các thị trường vốn không hiệu quả và tình trạng tội phạm có tổ chức. Cũng có thể đó là hậu quả của chế độ độc đoán kéo dài, làm thui chột những sáng kiến mới. Có thể đó còn là vì những ông chủ giỏi nhất của Nga đã di cư sang Mỹ, châu Âu và Israel. Và có thể là vì tất cả những điều trên.
Không rõ bằng cách nào nước Nga có thể tự làm sạch mình khỏi "di sản" kinh tế độc hại này. Chỉ một điều rõ ràng: ông Putin là một phần của vấn đề ngày nay, và không có lý gì để không hy vọng rằng ông sẽ là một phần của giải pháp trong tương lai.
-------------------------------------
Tác giả: Châu Giang lược dịch từ foreignpolicy // Nguồn: Tuần Việt Nam
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com