Giải Nô-ben Hòa bình năm 2009 được các nhà bình chọn nhất trí trao cho Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma ngày 9-10 đã gây bất ngờ không chỉ với thế giới mà với chính chủ nhân của giải thưởng.
![]() |
Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma |
Dễ dàng nhận thấy, từ khi lên nắm quyền vào tháng 1-2009, Tổng thống B.Ô-ba-ma đã bước đầu cải thiện hình ảnh nước Mỹ bị cô lập sau 8 năm dưới thời cựu Tổng thống G.Bu-sơ. Người đứng đầu Nhà Trắng đã thực hiện một loạt hành động mang tính đột phá của nước Mỹ trên trường quốc tế. Đó là rút quân đội Mỹ khỏi các thành phố lớn của I-rắc; liên tiếp công du tới các châu lục trong đó đáng chú ý là chuyến công du Ai Cập với bài phát biểu đầy hy vọng nhằm hàn gắn quan hệ với thế giới Hồi giáo; cam kết đóng cửa nhà tù ở Vịnh Goan-ta-na-mô; thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông; khởi động lại quan hệ với Nga trên cơ sở tạo dựng niềm tin; thúc đẩy một tiến trình mới giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của I-ran và CHDCND Triều Tiên và cam kết hợp tác nhiều hơn với khu vực châu Phi...
Mặc dù nhiều mục tiêu nêu trên mới chỉ dừng lại ở những cam kết nhưng cách tiếp cận vấn đề của Tổng thống B.Ô-ba-ma đã bước đầu tạo ra niềm hy vọng về một thời kỳ hòa hoãn mới trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, sự kiện Tổng thống B.Ô-ba-ma dừng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) của Mỹ tại CH Séc và Ba Lan đã khiến cả châu Âu nhẹ nhõm. Các nhà trao giải Nô-ben Hòa bình 2009 đã mở ra một tiền lệ cho giải thưởng này khi muốn người được trao giải tiếp tục theo đuổi những thành tựu vẫn còn đang ở phía trước. Đây là một khác biệt lớn khi các giải Nô-ben Hòa bình trong suốt lịch sử của nó chỉ được trao cho những thành quả đã được thừa nhận. Như một trùng hợp ngẫu nhiên, đúng vào dịp Nô-ben Hòa bình 2009 được công bố, phái đoàn của Ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn đang tới châu Âu và Nga để thực thi sứ mệnh hòa bình. Trong đó chương trình hạt nhân của I-ran và CHDCND Triều Tiên, kiểm soát vũ khí… sẽ được đặc biệt chú ý. Trước đó, lần đầu tiên một trợ lý ngoại trưởng Mỹ cũng đã đến Cu-ba sau nhiều năm hai nước lâm vào thù địch; đồng thời chấp nhận cuộc gặp song phương với CHDCND Triều Tiên vốn bị từ chối dưới triều đại G.Bu-sơ... Như một ngoại lệ, Nô-ben Hòa bình 2009 đã đặt Tổng thống Mỹ vào quy chế của một "Người vì hòa bình"; đồng thời nó không thể không tác động lên những quyết định tương lai của người đứng đầu nước Mỹ với các vấn đề thế giới.
Một thách thức mới nhất đã ở ngay phía trước nhà quán quân Hòa bình ngay khi chưa nhận giải (vào ngày 10-12-2009) tại Ô-xlô (Na Uy). Ngày 12-10 vừa qua, CHDCND Triều Tiên đã phóng liên tiếp 5 tên lửa tầm ngắn ở bờ biển phía Đông nước này; đồng thời tuyên bố cấm tàu đánh cá đi vào vùng biển phía Đông Triều Tiên trong thời gian từ ngày 10 đến 20-11. Vụ phóng thử tên lửa diễn ra khi các nỗ lực quốc tế đang được triển khai nhằm nối lại các vòng đàm phán sáu bên cũng như cuộc gặp song phương Mỹ - Triều đầu tiên. Hiện chưa rõ vụ phóng tên lửa này có nằm trong khuôn khổ một cuộc tập trận của Triều Tiên hay không nhưng sự kiện này đúng vào thời điểm Mỹ đang lên kế hoạch để tàu sân bay USS G. Oa-sinh-tơn hướng tới cảng Bu-san của Hàn Quốc (ngày 13-10) đã đòi hỏi Tổng thống B.Ô-ba-ma một quyết định khó khăn.
Thêm vào đó, dù đã tăng thêm 34.000 quân tới Áp-ga-ni-xtan kể từ khi nhậm chức, Mỹ vẫn bị sa lầy tại quốc gia Nam Á này. Cuộc chiến của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan đang là "canh bạc" mạo hiểm với người vừa đoạt giải Nô-ben Hòa bình.
(Theo Thùy Dương // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com