Họ là những người bất mãn với xã hội, đặc biệt xã hội Mỹ, những kẻ nổi loạn cô độc, thất nghiệp triền miên. Đối với họ, thánh chiến trở thành một thực tế ảo cho phép họ khỏa lấp khoảng trống cuộc sống tẻ nhạt hằng ngày.
Trong một hoàn cảnh nào đó, giương cao ngọn cờ chiến binh Hồi giáo là mốt thời thượng. Những kẻ học đòi thánh chiến này thường “bảo hoàng hơn vua”, Hồi giáo hơn những người Hồi giáo. Omar Hammami là một ví dụ điển hình.
Al-Amriki (trích video clip Al-Shabaab). Ảnh: NYPOST
Bỏ đạo nhà
Một tuần sau sự kiện 11-9-2001, một sinh viên Hồi giáo Trường Đại học Nam Alabama viết trên tờ báo nội bộ của trường: “Thật khó mà tin rằng một người Hồi giáo làm chuyện ấy”.
Thế nhưng 8 năm sau, cũng chàng thanh niên Hồi giáo đó hô hào thánh chiến chống lại nước Mỹ và kêu gọi những người khác tham gia thánh chiến.
Đó là Omar Hammami, bí danh Abu Mansour Al-Amriki, thủ lĩnh của Al-Shabaab, một tổ chức Hồi giáo cực đoan Somalia có quan hệ mật thiết với Al-Qaeda, theo tình báo Mỹ. Al-Amriki có nghĩa là “người Mỹ”.
Al-Shabaab đã bị chính phủ Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Bản thân Al-Amriki cũng bị FBI (Cảnh sát liên bang Mỹ) và CIA (Trung ương Tình báo Mỹ) truy nã từ nhiều năm qua. Tại thành phố Mobile, bang Alabama, một tòa án địa phương cách đây mấy năm đã khởi tố Omar Hammami về tội phát tán tài liệu ủng hộ khủng bố.
Mặc dù mang họ cha là một người Syria, Omar, cũng như mẹ, là một người Mỹ hoàn toàn. Sinh ra tại Daphne, một thành phố vệ tinh của Mobile tháng 5-1984, trong một gia đình theo đạo Tin lành Báp-tít, Omar thích sinh hoạt trong cộng đồng tôn giáo này và hát thánh ca Giáng sinh. Lớn lên một chút, cậu Omar từ từ thay đổi sở thích và tín ngưỡng.
Từ yêu thích đại kịch tác gia Anh Shakespeare, Omar chuyển qua hâm mộ ca sĩ thần tượng Kurt Cobain. Cậu cũng từ bỏ bóng bầu dục để say mê trò chơi điện tử. Và quan trọng hơn cả, Hammami bỏ đạo Tin lành, theo đạo Hồi từ lúc còn mài đũng quần trên ghế Trường Trung học Daphne.
Shellie Brook, một bạn học nữ của Omar ở Trường Trung học Daphne, nói với đài truyền hình Fox News rằng nhà trường không có nhiều học sinh Hồi giáo cho nên hành vi của Omar thật lạ lẫm. Cậu ta thường bỏ lớp ra ngoài quỳ xuống đất đọc kinh rất chăm chỉ.
Drey Gunter, bạn thân của Omar từ nhỏ, mô tả: “Đó là một cậu bé lì lợm, nổi loạn, thích châm chọc, thích làm lãnh tụ”.
Biểu tượng thánh chiến
Nhận xét của Gunter hoàn toàn chính xác. Omar sống ở một nơi xa Alabama hơn 13.000 km, trong một nước có tên là Somalia ở vùng Sừng châu Phi. Y trở thành thủ lĩnh của Al-Shabaab, một tổ chức Hồi giáo cực đoan tàn bạo nhất thế giới, theo nhận định của nhật báo Mỹ The New York Times.
Được Al-Qaeda hậu thuẫn, Somalia trở thành “điểm đến” thu hút các chiến binh thánh chiến khắp thế giới. Trong số thành viên của Al-Shabaab, có hơn 20 người đến từ nước Mỹ. Đa số là con em người Somalia nhập cư sinh sống trong các khu phố tồi tàn của thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ.
Tháng 10-2008, Shirwa Ahmed, sinh viên 27 tuổi ở Minneapolis, là “người Mỹ đầu tiên trở thành kẻ đánh bom liều chết” ở Somalia, giết chết hàng chục người, theo FBI. Sau đó, đã có thêm ít nhất 4 thanh niên khác gốc Minneapolis chết trận ở Somalia. Tất cả đều là đệ tử của Al-Amriki.
Omar Hammami đến Somalia cách đây 3 năm. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, Omar thăng chức nhanh như diều gặp gió trong hệ thống chỉ huy Al-Shabaab. Do đó, Omar đã lọt vào danh sách đen của các cơ quan tình báo Mỹ. Và trong số những người Mỹ có tên trong danh sách đặc biệt này, Omar nổi trội hơn hết.
Là tư lệnh chiến trường, Omar chuẩn bị rất bài bản những cuộc tấn công và vạch ra chiến lược quân sự được đánh giá cao trong giới lãnh đạo Al-Shabaab. Y cũng trở thành một biểu tượng của thánh chiến thường xuất hiện trong các chiến dịch tuyển quân thu hút hàng trăm người nước ngoài.
Một quan chức Mỹ nhận xét: “Chúng tôi chưa từng thấy một người Mỹ nào có địa vị cao trong một tổ chức khủng bố như Omar Hammami”.
Cách đây không lâu, các chuyên gia chống khủng bố tin rằng những người Hồi giáo ở Mỹ thăng tiến tốt trong xã hội Mỹ, càng ngày càng hòa nhập tốt do đó ít chịu ảnh hưởng của Hồi giáo cực đoan.
Họ đưa ra bằng chứng, kể từ sau sự kiện 11-9-2001, trên đất Mỹ chưa xảy ra vụ khủng bố nghiêm trọng nào. Trong khi đó, tại châu Âu liên tiếp xảy ra nhiều vụ tấn công khủng bố của các tổ chức Hồi giáo cực đoan do các tay khủng bố nội địa tổ chức ở London và Madrid.
Tuy nhiên, sự hiện diện của quân đội Mỹ và các nước phương Tây ở Iraq và Afghanistan đã làm thay đổi tất cả.
Người hùng
Tháng 10-2007, đài truyền hình vệ tinh Ả Rập Al-Jazeera phát một bài phóng sự nói lên “điểm chung” của Al-Qaeda và các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Somalia. Lần đầu tiên, Al-Amriki được mô tả là một “chiến binh” và “huấn luyện viên quân sự”. Trong thiên phóng sự này, Omar che mặt bằng khăn trùm.
Tháng 3 năm ngoái, lần đầu tiên, Al-Amriki để lộ khuôn mặt trần với bộ râu quai nón trong một video clip dài 31 phút trên nền nhạc rap chống Mỹ và hình ảnh Osama Bin Laden. Video clip này do Al-Shabaab phát hành ca ngợi Al-Amriki như một người hùng.
Ống kính quay chậm cảnh Al-Amriki vừa chạy vừa hô xung phong, chỉ huy một nhóm lính Al-Shabaab phục kích các lực lượng thân chính phủ ở Somalia, đọc kinh cầu nguyện hoặc dạy tiếng Anh.
Phát biểu về một chiến binh chết trận, Al-Amriki nói: “Chúng tôi cần nhiều hơn những người như vậy. Nếu các bạn khuyến khích con bạn, con những người hàng xóm hoặc bất cứ ai xung quanh bạn tham gia thánh chiến thì đó là một tài sản rất quý báu đối với chúng tôi”.