Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cúm A/H1N1 đe dọa toàn cầu

Đại dịch cúm A/H1N1 dường như đã "vượt đỉnh" sau khi cướp đi sinh mạng của hơn 800 người và lan tới 160 quốc gia trên toàn thế giới, kể từ khi bùng phát tại Mê-hi-cô cách đây hơn 4 tháng. Đến cuối ngày hôm qua, thế giới đã có khoảng 125.000 ca mắc cúm A/H1N1 được xác nhận qua phòng thí nghiệm. Con số thực tế có thể còn cao hơn.

 Điều tồi tệ mà thế giới đang phải đối mặt trong cuộc chiến vô hình là dịch cúm A/H1N1 hiện không thể ngăn chặn được và có thể trở thành đại dịch lớn chưa từng có. Chỉ hơn 48 giờ qua, số người nhiễm mới đã liên tục được phát hiện tại một loạt quốc gia trên thế giới. Bộ Y tế Ma-lai-xi-a vừa cho hay, đã phát hiện thêm hơn 40 trường hợp mới nhiễm cúm A/H1N1, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại nước này lên 921 trường hợp. Còn tại Hồng Công, trong 24 giờ qua đã xác nhận thêm hàng trăm người mới nhiễm cúm A/H1N1, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại đây lên hơn 2.000 trường hợp. Trong khi đó, Hung-ga-ri và Lào là hai quốc gia mới nhất đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên vì đại dịch này...

 Trong lúc đại dịch cúm A/H1N1 lây lan nhanh ở tất cả các khu vực trên thế giới, cuộc chạy đua với thời gian để tìm kiếm vắc-xin phòng dịch mới, an toàn và hiệu quả nhất cũng đặt ra cho các chính phủ và giới khoa học trên toàn thế giới không ít khó khăn. Ô-xtrây-li-a là nước đầu tiên trên thế giới thử nghiệm vắc-xin phòng cúm A/H1N1 ở người ngày 22-7 vừa qua. Cùng với Ô-xtrây-li-a, Mỹ đang huy động người tình nguyện để thử nghiệm 2 loại vắc-xin mới, do Công ty Sinh dược toàn cầu CSL Biotherapies và Tập đoàn Dược phẩm Sanofi Pasteur của Pháp sản xuất. Công ty Kỹ thuật sinh học Hoa Lam (Trung Quốc) cũng đã hoàn tất việc sản xuất vắc-xin phòng cúm A/H1N1 từ tháng trước và sẽ thử nghiệm vắc-xin này trên hơn 2.000 người tình nguyện ở thành phố Thái Châu thuộc tỉnh Giang Tô... Giới y học quốc tế cho rằng, với những nghiên cứu "nước rút" như hiện nay thì sớm nhất cũng phải đến tháng 9-2009 mới có vắc-xin cung cấp cho thị trường và mỗi cơ sở trên cũng chỉ mới có thể sản xuất khoảng 500.000 liều/ngày. Như vậy, trong hơn 1 tháng nữa, thế giới gần như bất lực trước sự tấn công của vi-rút cúm A/H1N1 và cách duy nhất vẫn chỉ là đề phòng mà thôi.

 Giữa lúc cuộc chiến chống đại dịch cúm A/H1N1 cũng như cuộc đua trong việc sản xuất vắc-xin phòng dịch đang bề bộn, LHQ lại vừa cảnh báo nguy cơ cúm A/H1N1 có thể ảnh hưởng mạnh nhất đến những nước vốn đói nghèo nhất. Thực trạng này sẽ làm khó khăn gấp bội trong việc chống dịch, khi quỹ cho các dự án cứu trợ nhân đạo của LHQ trong năm 2009 đã thiếu hụt tới gần 5 tỷ USD. Điều này gióng lên hồi chuông báo động nghiệt ngã với những nước nghèo nhất, khi cùng lúc họ phải chịu hai cuộc chiến: khủng hoảng kinh tế và đại dịch toàn cầu. Còn những nước giàu và đang phát triển cũng chẳng lạc quan hơn là bao. Rõ ràng, khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới chưa chấm dứt, sự bùng phát của đại dịch cúm A/H1N1 có thể khiến thế giới bị nhấn chìm trong một cuộc khủng hoảng kép. Đây là điều làm cho dư luận thế giới đặc biệt lo ngại. Tuy chưa nước nào thống kê đầy đủ được thiệt hại chính thức do cúm A/H1N1 gây ra, song chắc chắn trong thời gian tới một loạt ngành kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Viện Nghiên cứu kinh tế Anh cho rằng, sự lây lan của cúm A/H1N1 có thể khiến GDP của thế giới giảm 3,5%, tương đương khoảng 2.500 tỷ USD, nhiều hơn gấp 2,5 lần so với thiệt hại do khủng hoảng kinh tế toàn cầu mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo cho năm 2009 này.

 Vi-rút cúm thường phải mất hơn 6 tháng để lây lan, nhưng vi-rút cúm A/H1N1 chỉ cần chưa đầy 6 tuần. Điều đó càng cho thấy cuộc chiến chống hiểm họa toàn cầu này đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

(Theo Đình Hiệp // Hanoimoi Online)

  • Diễn đàn khu vực Asean : Nóng vấn đề Triều Tiên
  • Bí mật chưa được giải mã
  • Vũ khí cực độc
  • “Quái vật” dưới biển
  • Hai tỷ người có thể nhiễm cúm A/H1N1
  • Indonesia: Cựu Tổng thống Megawati phản đối kết quả bầu cử
  • Hỏa hoạn ở miền nam Châu Âu
  • Triều Tiên không từ chối đàm phán với Mỹ