Thời điểm càng gần đến Hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu thế giới ở Copenhagen, Đan Mạch (từ 7 đến 18-12-2009), tính cấp bách của việc cắt giảm khí thải CO2 làm tăng nhiệt độ Trái Đất càng tăng lên. Nói như Thủ tướng Anh Gordon Brown tại Hội nghị gần đây của nhóm 10 nước có lượng khí thải lớn nhất thế giới: “Nếu không hành động lần này, sau này có hối tiếc cũng không kịp”.
Một nghị định thư mới thay thế Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải CO2 dự kiến sẽ được thông qua ở hội nghị tại Copenhagen. Nếu không có những nỗ lực vượt bậc từ tất cả các nước, sẽ có nguy cơ nghị định thư mới không được thông qua.
Theo giới chuyên gia, vấn đề cấp bách hiện nay là kìm chế, không để cho nhiệt độ trên trái đất tăng quá 2 độ C trong giai đoạn 2010 – 2030. Để đạt mục tiêu này, thế giới phải đầu tư khoảng 10.000 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng. Các nước phát triển được yêu cầu là từ nay đến 2050 sẽ giảm thải từ 80% - 95% lượng khí CO2 so với mức của năm 1990. Ngoài những nỗ lực đầu tư trong nước, các nước giàu còn phải tài trợ cho các nước nghèo phát triển các dự án “sạch”.
Theo thẩm định của Ủy ban châu Âu, từ nay đến 2020, các nước nghèo nhất cần khoảng 100 tỷ USD, để có thể tiến hành cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu ngay từ nay tới năm 2010. Các nước công nghiệp phát triển như EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản,... sẽ phải tài trợ từ 22 - 50 tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng, trong cuộc họp ngày 20-10 tại Luxembourg, các bộ trưởng tài chính của EU chỉ nêu ra con số từ 2 -15 tỷ USD, tức là rất thấp so với mức yêu cầu 35 tỷ.
Trong lúc này, nhiều nước trên thế giới đang xúc tiến các kế hoạch riêng của mình với mong muốn cứu hành tinh khỏi nhiều thảm họa thiên nhiên do chính con người gây ra. Trên tinh thần đó, Trung Quốc và Ấn Độ vừa ký kết thỏa thuận tại New Delhi, thống nhất lập trường về cắt giảm khí thải CO2. Đây là hai nước có lượng khí thải cao nhất trong số các nước đang phát triển. Theo thỏa thuận này, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng tái sinh, phát triển công nghệ “than đá sạch” và nâng cao các kỹ thuật trồng cây gây rừng. Thế nhưng, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều cực lực bác bỏ việc đề ra mục tiêu cụ thể để cắt giảm khí thải khi cho rằng nhu cầu phát triển kinh tế của họ không phù hợp với cách làm như vậy. Thay vào đó, họ chỉ cam kết cắt giảm “đáng kể” lượng năng lượng chi cho một đơn vị sản phẩm.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nhấn mạnh lập trường của Ấn Độ là các nước đang phát triển phải giữ mức khí thải của mình trong mức độ phát triển kinh tế vững bền và hợp lý. Thủ tướng Ấn Độ cho rằng cần thành lập một trung tâm mang tính toàn cầu điều phối các nghiên cứu về công nghệ năng lượng sạch và chuyển giao công nghệ từ các nước giàu sang các nước nghèo.
Theo Trưởng ban khí hậu của LHQ, ông Yvo de Boer, bất kỳ một thỏa thuận mới nào ở Copenhagen cũng phải bao gồm các nội dung gồm: mục tiêu cắt giảm khí thải của các nước phát triển, hạn chế sự gia tăng của khí thải tại các nước đang phát triển và ủng hộ tài chính cần thiết để giúp các nước nghèo theo đuổi mục tiêu cắt giảm khí thải. Thời gian còn lại quá ngắn ngủi từ nay đến tháng 12 để có thể giải quyết các mục tiêu quá lớn này. Nếu không, thế giới sẽ lại chứng kiến mỗi nước hành động riêng lẻ mà không có một nghị định chung có tính bắt buộc.
(Theo SGGP Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com