Sau khi ngăn chặn bất thành vụ bán đấu giá gây tranh cãi 2 bức tượng đầu thỏ và đầu chuột có nguồn gốc từ Cung điện Mùa hè tại Bắc Kinh của nhà đấu giá Christie’s (Anh) hôm 25-2, nhà chức trách Trung Quốc vừa thông báo sẽ cử một nhóm chuyên gia sang các nước để tìm kiếm tung tích về các cổ vật có nguồn gốc từ cung điện nổi tiếng trên.
![]() |
Hai đầu thú nằm trong bộ điêu khắc 12 con giáp bị đưa ra bán đấu giá hôm 25-2 |
Nhóm chuyên gia này sẽ tới các viện bảo tàng, thư viện và các nhà sưu tầm cổ vật tại Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản… trong năm tới để tìm kiếm những bức ảnh, tài liệu về những di chỉ có nguồn gốc từ Cung điện Mùa hè của Hoàng đế Càn Long.
Chen Mingjie, Giám đốc Khu tham quan Cung điện Mùa hè, nói: “Chúng tôi mong muốn hoàn chỉnh kho dữ liệu về những di chỉ khảo cổ bị mất của Cung điện Mùa hè để qua đó có một cái nhìn rõ ràng hơn về lịch sử vườn thượng uyển này”.
Sử sách Trung Quốc ghi nhận Cung điện Mùa hè là “vườn đẹp nhất trong các khu vườn” nhưng sau đó bị tàn phá khi Anh, Pháp bắt đầu sang xâm lược năm 1860. Những cổ vật được trưng bày tại một trong những “thiên hạ đệ nhất kỳ quan” này sau đó cũng bị đánh cắp.
Theo giám đốc Chen, hiện Trung Quốc không biết chính xác số lượng cổ vật bị đánh cắp nhưng theo ước tính “khoảng 1,5 triệu cổ vật hiện đang nằm tại hơn 2.000 viện bảo tàng của 47 quốc gia trên thế giới. Một trong số đó hiện đang được trưng bày tại Viện Bảo tàng Anh và Viện Bảo tàng nghệ thuật Fontainebleau của Pháp”.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Di chỉ văn hóa Trung Quốc, khoảng hơn 10 triệu di chỉ văn hóa đã bị đưa ra khỏi Trung Quốc trong giai đoạn 1840-1949. Đa phần những di chỉ này được lưu giữ trong các viện bảo tàng ở châu Âu và Mỹ. Trong suốt một thập kỷ qua, chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực, sử dụng mọi cách có thể để đưa các cổ vật trở về cố hương, từ tham dự các buổi bán đấu giá quốc tế; tặng phẩm từ các nhà sưu tập cổ vật, Hoa kiều đến thông qua con đường ngoại giao dựa trên những hiệp ước quốc tế về cổ vật. Mặc dù vậy, số cổ vật thu về chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với “những kho báu di chỉ văn hóa vô giá đã bị thất lạc”.
Chuyến xuất ngoại tìm kiếm của đoàn chuyên gia Trung Quốc lần này được “đầu tư” khá kỹ lưỡng với sự “hộ tống” của một đoàn quay phim của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc. Hành trình truy tìm cổ vật của đoàn chuyên gia sẽ được các nhà quay phim ghi lại chi tiết.
Giám đốc Chen cho biết “rất khó khăn trong việc thuyết phục các viện bảo tàng trên thế giới trả lại những cổ vật mà họ đang nắm giữ”. Điển hình là vụ bán đấu giá 2 bức tượng đầu chuột và đầu thỏ tại nhà đấu giá Christie’s hồi tháng 2 vừa qua.
Mặc dù lãnh đạo của Ủy ban Di sản văn hóa Trung Quốc (SACH) đã viết thư cho Christie’s, 2 chiếc đầu thú nằm trong bộ điêu khắc 12 con giáp, tượng trưng cho cung hoàng đạo, đồ vật trang trí trong một ngôi chùa thuộc Cung điện Mùa hè, chúng vẫn bị bán với giá 17,9 triệu USD.
Mục đích cuộc tìm kiếm lần này, theo giám đốc Chen, “không đặt nặng vấn đề đưa các cổ vật về nước mà tập trung vào thu thập tư liệu về các cổ vật bị thất lạc”. Đoàn chuyên gia của Trung Quốc hy vọng với việc một số viện bảo tàng, thư viện lớn trên thế giới chấp thuận hợp tác, các nhà khảo cổ học Trung Quốc sẽ tìm thấy những di chỉ văn hóa quý giá mà trước đây họ không hề biết tới.
(Theo ANH VĂN/China Daily/SGGP)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com