Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hành động vì môi trường sống trong sạch

Tình trạng biến đổi khí hậu và mất đi các hệ sinh thái trên trái đất gần như đang diễn ra trước sự vô cảm. Tại Mỹ, có ý kiến cho rằng, chuyện biến đổi khí hậu không bức thiết bằng tình trạng thất nghiệp trước mắt. Một khảo sát xã hội về 20 vấn đề mà người dân Mỹ quan tâm cho thấy, vấn đề Trái đất nóng lên được xếp cuối cùng.

Cựu phó Tổng thống Mỹ Al Gore làm một thực nghiệm thú vị cho hình ảnh “vô minh” trước thảm họa khí hậu. Ông cho 2 con ếch vào 2 hồ nước bằng thủy tinh. Đổ nước nóng thật nhanh vào hồ thứ nhất, ngay lập tức con ếch phóng ra ngoài.

Ngược lại, ở hồ thứ hai, ông cho nước nóng vào từ từ thì con ếch đã không tìm cách thoát thân vì không cảm nhận được điều nguy hiểm đang đến. Hiện tượng Trái đất nóng dần lên tác động đến con người giống như trong tình trạng cái hồ chứa con ếch thứ hai.

Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012, thế nhưng người ta không thể hy vọng trong tương lai gần các nước có thể đồng thuận về một giải pháp chống biến đổi khí hậu. Trong khi những năm gần đây, thời tiết liên tiếp xảy ra các cơn bão mạnh, mưa đá, hạn hán, nhiệt độ nóng kéo dài… Hiện tượng biến đổi khí hậu đang thật sự là vấn đề lo ngại của nhân loại. Nghị định thư Kyoto cũng đã chỉ đích danh thủ phạm gây ra tiến trình biến đổi khí hậu trên trái đất, đó là lượng khí thải CO2 ở các nước công nghiệp và mới công nghiệp.

Ngày nay ai cũng biết nhân loại cùng có chung số phận trong mái nhà Trái đất. Một nguồn nước sạch, cánh rừng, dòng sông, một vùng khí quyển bị xâm hại, không có nghĩa chỉ đời sống động thực vật nơi đó bị tai họa mà những hệ lụy của nó sẽ ảnh hưởng khắp thế giới. Vì vậy, những tranh cãi xuất phát từ quyền lợi riêng trong vấn đề trái đất nóng lên ở các bàn hội nghị là những tranh cãi vô ích.

Bảo vệ môi trường sống, vì vậy ngoài những ràng buộc về pháp lý còn thuộc phạm trù đạo đức. Vấn đề này rất cần được mọi quốc gia, mọi công ty, cá nhân tiếp nhận bằng lương tâm, nghĩa vụ, hiểu biết sâu sắc về tính cấp bách và nhân văn của nó.

Cần làm một điều gì đó dù là rất nhỏ cho môi trường sống trong sạch. Mahatma Gandhi nói: “Hãy tạo ra những thay đổi mà bạn muốn thấy trong thế giới chúng ta”. Như nhà vật lý người Mỹ Hashem Akbari ra sức vận động mọi người làm mái nhà màu trắng vì 10m² mái nhà trắng có thể làm giảm 1 tấn CO2; như “Giờ Trái đất” của Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên với khẩu hiệu hành động nhỏ thay đổi lớn... Các sáng kiến đó vừa góp phần trực tiếp, vừa lay động lương tri đạo đức những cá nhân còn lạnh nhạt, thờ ơ với việc cải thiện môi trường tồi tệ hiện nay. 


(Theo PHẠM NGỌC ĐẢNH/SGGP)

  • Thay đổi chiến thuật
  • Khủng hoảng lòng tin
  • Âm thầm, hiệu quả
  • Trí thức trẻ Trung Quốc dạt về quê
  • 40% diễn viên Hàn Quốc nghĩ đến việc tự vẫn
  • Campuchia bỏ lệnh cấm kết hôn với người Hàn Quốc
  • Xu hướng quên dùng bút ở giới trẻ Trung Quốc
  • Malaysia gấp rút giáo dục giới tính học đường