Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hòa bình vẫn xa vời

Cuộc chiến 5 ngày giữa Nga và Georgia được châm ngòi ngày 7-8-2008 tại hai vùng lãnh thổ ly khai Nam Ossetia và Abkhazia, đã chấm dứt được một năm, nhưng triển vọng hòa bình vẫn xa vời
 
 

Trước ngày kỷ niệm chấm dứt cuộc chiến, Nga và Georgia đã liên tục tố cáo nhau công khai khiêu khích vũ trang khiến quan hệ giữa hai nước rất căng thẳng và giới quan sát sợ rằng kịch bản cuộc chiến năm 2008 rất có khả năng tái diễn.


Điều đáng quan tâm là tình hình căng thẳng hiện nay xảy ra chưa đầy một tháng sau chuyến công du Nga của Tổng thống (TT) Mỹ Barack Obama và một tuần sau chuyến thăm Georgia của Phó TT Joe Biden. Người ta có quyền đặt câu hỏi: “Mỹ có thể đóng vai trò gì trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay?”.

Dưới tựa đề “Washington muốn vẫn là bạn của Tbilisi và Moscow”, tạp chí Pháp Courrier International trích dẫn báo Nga Kommersant nêu bật sự can dự của Mỹ vào cuộc xung đột Nga – Georgia. Theo bài báo, TT Georgia M. Saakashvili rất lo ngại hậu quả của sự “xích lại gần nhau” giữa Nhà Trắng và điện Kremlin.

Vì vậy Phó TT Mỹ Joe Biden đã phải đến Tbilisi để trấn an ông Saakashvili. Ông Biden cam đoan Mỹ sẽ luôn luôn ở bên cạnh TT Georgia và hùng hồn tuyên bố “cuộc cách mạng Hoa hồng” ở đất nước thuộc Liên Xô trước đây là “sự kiện quan trọng nhất thế kỷ 21” (!). Phó TT Mỹ cũng xua tan mối lo ngại của Tbilisi với lời khẳng định Mỹ sẽ không “thí tốt” Georgia khi thúc đẩy quan hệ với Nga bị sa sút dưới thời chính quyền Bush.


Theo giới quan sát quốc tế, hiện nay Mỹ rất lúng túng trong việc cân bằng quan hệ với Nga và Georgia. Hãng AFP nhận xét: “Sau một năm quan hệ Mỹ – Nga xuống cấp do cuộc chiến Georgia, chính quyền của TT Obama “đang đi trên sợi dây” khi phải giữ thăng bằng giữa mong muốn khởi động lại quan hệ với Nga và tiếp tục ủng hộ đồng minh Georgia trong khi quan hệ giữa Moscow và Tbilisi đang căng thẳng trở lại”.


Một năm qua sau cuộc chiến không cân sức với Nga, Georgia được gì, mất gì? Giới truyền thông cho rằng ông Saakashvili đã phải trả giá đắt khi cả hai mục tiêu tái tranh cử TT của ông năm 2008 là thu hồi hai vùng lãnh thổ ly khai Nam Ossetia và Abkhazia cũng như gia nhập NATO khó trở thành hiện thực.

Trong tình hình hiện nay, NATO rất khó sớm kết nạp Georgia để chịu hậu quả trực tiếp đối kháng với Nga. Bài học mà Tbilisi rút được từ cuộc chiến với Nga sẽ không chỉ là cách ứng xử với “người láng giềng lớn” mà còn là sự quá cả tin những nước đồng minh. Không phải ngẫu nhiên mà trong chuyến thăm Tbilisi, Phó TT Mỹ Biden đã khuyên các nhà lãnh đạo Georgia chớ có sử dụng sức mạnh quân sự để thu hồi hai vùng lãnh thổ ly khai Nam Ossetia và Abkhazia.


Về phía Moscow, báo Pháp Le Figaro nhận định: Sau cuộc chiến với Georgia, Điện Kremlin đã mở rộng thêm vùng ảnh hưởng của mình. Điều quan trọng hơn cả và là mục tiêu cơ bản của Nga đã được thực hiện, đó là chấm dứt ý định của Georgia tranh thủ sự đồng tình của NATO. Cuộc chiến Georgia cũng là lời cảnh báo mà Nga muốn “đánh tiếng” với các nước láng giềng thuộc Liên Xô trước đây đang ôm ấp ý định thân phương Tây.


Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo tình hình hiện nay không khác so với tháng 8-2008 khi Georgia gây ra cuộc chiến tại Nam Ossetia khiến Nga phải can thiệp. Nhận định này có hàm ý Moscow có thể sẽ ra tay một lần nữa. Theo báo Pháp Le Point, chuyên gia Nga Pavel Felgenhauer cho rằng Nga đang chuẩn bị cơ sở cho một cuộc chiến mới vì Moscow không thể chấp nhận nguyên trạng khi thấy ảnh hưởng và vai trò của Nga tại vùng Caucasus đang mất dần. Theo hãng tin Nga RIA-Novosti, từ nay đến cuối năm Nga sẽ tăng số quân đóng tại Nam Ossetia và Abkhazia từ 1.800 hiện nay lên tới 3.000.


Chủ trương tăng quân của Nga cho thấy triển vọng hòa bình tại vùng Caucasus vẫn xa vời. Theo chuyên gia nghiên cứu chính trị Nga Stanislav Belkovski, câu hỏi được đặt ra hiện nay là Nga có thể để mất cơ hội cải thiện quan hệ Nga – Mỹ hay không? Chỉ có TT Nga D. Medvedev mới có thể trả lời câu hỏi này.

 

(Theo Đỗ Chuyên/NLĐ)

  • Đường về gian nan
  • I-rắc - Mỹ: Bước vào giai đoạn mới
  • Hài cốt nạn nhân bom nguyên tử vẫn phát phóng xạ
  • Giải pháp việc làm bắt buộc thời khủng hoảng
  • Những dấu hiệu cải thiện quan hệ Mỹ - Cu-ba
  • Thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Ðông
  • Nhật Bản kiên quyết áp dụng lệnh cấm vũ khí hạt nhân
  • Vợ của tư lệnh Taliban ở Pakistan chết vì tên lửa