Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tắt bảng chữ điện tử tuyên truyền chống Cu-ba được đặt ở trước trụ sở Văn phòng phụ trách các lợi ích của Mỹ tại La Habana. Ðáp lại, Cu-ba cũng đã hạ những tấm bảng lớn có nội dung phản đối Mỹ đặt gần văn phòng này.
Bảng chữ điện tử vừa được tháo gỡ được treo ở mặt trước của tầng 5 văn phòng đại diện của Mỹ cao bảy tầng ở khu vực bến cảng tại Thủ đô La Habana từ ba năm trước, chuyển tải các nội dung chỉ trích chính sách kinh tế và nhân quyền của Cu-ba. Chính quyền sở tại đã đối phó bằng cách dựng lên một cột cao với bảng hiệu bên trên che khuất bảng điện tử này. Việc Cu-ba và Mỹ cùng ngừng biện pháp tuyên truyền chống nhau được xem như dấu hiệu mới nhất cho thấy quan hệ giữa hai nước đang chuyển biến theo chiều hướng giảm bớt căng thẳng, đối đầu.
Trước đó, một động thái được cho là làm dịu bớt căng thẳng quan hệ giữa Mỹ và Cu-ba, đó là ngày 15-7, Tổng thống Mỹ B.Obama đã thông báo cho QH nước này sẽ hoãn thực hiện trong vòng sáu tháng (kể từ ngày 1-8) Ðiều III Luật Helms-Burton trừng phạt các công ty nước ngoài giao thương với Cu-ba. Trong bức điện gửi các nghị sĩ QH Mỹ, ngày 14-7, Tổng thống Obama nêu rõ quyết định này vì lợi ích quốc gia của Mỹ và thúc đẩy quá trình chuyển đổi dân chủ tại Cu-ba. Luật Helms-Burton chống Cu-ba được thông qua năm 1996 nhằm tăng cường các biện pháp cấm vận đơn phương của Mỹ chống La Habana và cản trở các công ty nước ngoài, các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Cu-ba. Theo luật này, giám đốc các công ty làm ăn với Cu-ba sẽ không được phép vào lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, từ năm 2001, Chính phủ Mỹ đã cho phép các doanh nghiệp nước này bán thực phẩm và thuốc chữa bệnh sang Cu-ba.
Quyết định nêu trên của Tổng thống Obama đưa ra đúng ngày Mỹ và Cu-ba nối lại cuộc đàm phán về vấn đề di cư tại trụ sở LHQ ở Niu Oóc bị gián đoạn từ năm 2003. Sau cuộc đàm phán, hai bên ra tuyên bố khẳng định cam kết của mỗi nước thúc đẩy "di cư an toàn, trật tự và hợp pháp". Những cuộc đàm phán như thế này là phương thức để đạt được những kết quả thực tế và tích cực, góp phần thúc đẩy việc thực thi những thỏa thuận trong lĩnh vực di cư giữa hai nước. Cu-ba đề xuất tiến hành vòng đàm phán tiếp theo tại La Habana vào tháng 12 tới, đồng thời khẳng định thiện chí tiếp tục trao đổi ý kiến với Mỹ nhằm tìm ra giải pháp cho những vấn đề tồn đọng và tăng cường hợp tác về di cư. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hyllary Clinton đánh giá cao việc hai nước nối lại đàm phán về vấn đề di cư và cho rằng, nó là đáp ứng lợi ích của cả hai bên và góp phần củng cố an ninh của mỗi nước.
Kể từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước, chính quyền của Tổng thống Mỹ B.Obama bước đầu đã có những thay đổi trong chính sách đối ngoại, trong đó có quan hệ với Mỹ la-tinh nói chung và Cu-ba nói riêng. Phát biểu ý kiến trong phiên khai mạc Hội nghị cấp cao Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) lần thứ V tại Trinidad và Tobago ngày 17-4, Tổng thống Obama bày tỏ mong muốn cùng các nước Mỹ la-tinh bắt đầu "trang mới" trong quan hệ Mỹ - Mỹ la-tinh dựa trên cơ sở "đối tác bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, có cùng lợi ích và giá trị chung" và chính sách này sẽ được thực thi trong suốt thời gian ông cầm quyền. Trong quan hệ với Cu-ba do sức ép mạnh mẽ của các nước Mỹ la-tinh đòi Washington bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại, kinh tế chống Cu-ba, Tổng thống Obama đã bày tỏ thái độ sẵn sàng đối thoại với La Habana. Tổng thống Mỹ cho biết, đã nhìn thấy những dấu hiệu tích cực tiềm năng trong việc cải thiện quan hệ với Cu-ba và Mỹ đang nghiên cứu, xem xét để có thể thúc đẩy cải thiện các mối quan hệ này tốt hơn.
Ông Obama thừa nhận chính sách cấm vận của Mỹ đối với Cu-ba trong gần 50 năm qua đã thất bại và không đạt được mục tiêu mà Oa-sinh-tơn mong muốn. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh chính sách của Mỹ đối với Cu-ba không thể thay đổi "một sớm một chiều". Ðộng thái này cùng với việc trước đó ngày 13-4, chính quyền Mỹ quyết định nới lỏng một số biện pháp cấm vận chống Cu-ba: Cho phép người Mỹ gốc Cu-ba được tự do về thăm quê hương và không hạn chế chuyển tiền về nước; các công ty Mỹ được đấu thầu kinh doanh dịch vụ điện thoại, truyền hình, tạo thuận lợi cho người dân Cu-ba kết nối thông tin, liên lạc với bên ngoài. Báo chí Mỹ đánh giá đó là một bước đi tích cực trong chính sách của Mỹ đối với Cu-ba, hứa hẹn một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Washington với La Habana.
Dư luận quốc tế, nhất là các nước Mỹ la-tinh và nhiều giới ở Mỹ ghi nhận những chuyển biến trong việc cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Cu-ba, nhưng đều yêu cầu Washington chấm dứt ngay chính sách cấm vận phi lý chống Cu-ba. Một số giới chức Mỹ cho rằng, chính sách bao vây cấm vận của Washington đơn phương áp đặt chống La Habana không phục vụ lợi ích chính trị cũng như an ninh của Mỹ và cuộc bao vây, cấm vận kinh tế chống Cu-ba đã gây nên một làn sóng ngoại giao phản đối chính sách đối ngoại của Mỹ. Quan hệ giữa Mỹ và các nước Mỹ la-tinh phụ thuộc vào việc thay đổi chính sách của Washington đối với Cu-ba.
(Theo Bình Nguyên // Báo Nhân dân điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com