Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Ðông

Trong những ngày vừa qua, ba quan chức Mỹ: Ðặc phái viên Mỹ về Trung Ðông G. Mitchell, Bộ trưởng Quốc phòng R.Gates và Cố vấn an ninh quốc gia James Jones đã lần lượt tới một loạt nước ở khu vực Trung Ðông nhằm mục đích thúc đẩy tiến trình hòa bình ở khu vực này.

Không phải ngẫu nhiên mà trong "chiến dịch ngoại giao" nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Ðông lần này, Tổng thống B.Obama lại cử Ðặc phái viên của Mỹ về Trung Ðông G.Mitchell chọn Syria là chặng dừng chân đầu tiên. Ðây là lần thứ hai ông Mitchell tới Syria trong vòng một tháng qua và cũng là chuyến thăm cấp cao nhất của chính quyền Mỹ kể từ năm 2005 tới quốc gia từng bị Washington coi là nước tài trợ khủng bố.

Từ khi lên cầm quyền, chính quyền Obama xác định, Syria đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình Trung Ðông, vì cho rằng Damascus ủng hộ Phong trào Hamas đang kiểm soát dải Gaza, hậu thuẫn Phong trào Hezbollah ở Lebanon và Syria tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Israel. Tác động của Syria đối với Phong trào Hamas trong các cuộc đàm phán hòa giải dân tộc với Phong trào Fatah của Tổng thống Palestine M.Abbas, đang kiểm soát khu Bờ Tây,  Phong trào Hezbollah ở Lebanon và các cuộc đàm phán hòa bình giữa Syria và Israel là những mắt xích trong toàn bộ tiến trình hòa bình toàn diện ở khu vực Trung Ðông. Trong nhiều năm qua, việc Syria ủng hộ Hamas đã góp phần làm căng thẳng quan hệ giữa Damascus và Washington. Từ khi vào Nhà trắng, Tổng thống Obama coi hòa bình Trung Ðông là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Mặc dù Syria vẫn bị Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhưng gần đây quan hệ giữa hai nước đã dần được cải thiện. Tổng thống Obama đã quyết định cử Ðại sứ Mỹ trở lại Syria, trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Ðông và tìm kiếm sự ủng hộ của Syria. Phát biểu ý kiến sau cuộc gặp Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Damascus, Ðặc phái viên Mỹ về Trung Ðông Mitchell cho biết ông đã có cuộc thảo luận "thẳng thắn và tích cực" với nhà lãnh đạo Syria về triển vọng hòa bình Trung Ðông cũng như các quan hệ song phương. Theo đặc phái viên Mỹ, Washington muốn đạt được "một nền hòa bình toàn diện" ở Trung Ðông, trong đó có việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước A-rập. Mỹ coi việc tái khởi động các cuộc đàm phán giữa Israel và Syria là một "mục tiêu gần" đối với Washington. Tại cuộc gặp, Syria đã nhận được cam kết của Mỹ về việc "sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ với Damascus theo cách thức hoàn toàn khác so với trước đây, dựa trên lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau vì mục tiêu thiết lập an ninh và hòa bình trong khu vực". Nhân chuyến thăm của ông Mitchell, Mỹ đã quyết định dỡ bỏ một phần các lệnh cấm vận đối với Syria nhằm xuất khẩu máy bay và các trang, thiết bị khác sang nước này.

Trong chuyến thăm khu Bờ Tây ngày 27-7, Ðặc phái viên Mitchell đã hối thúc Israel, Palestine và các nước A-rập nhân nhượng nhau và không né tránh các vấn đề khó khăn hoặc tranh cãi để tiến tới một nền hòa bình cho khu vực Trung Ðông. Sau cuộc gặp Tổng thống Palestine M.Abbas, ông Mitchell cho biết Washington cam kết "sẽ làm tất cả những gì có thể đạt được hòa bình toàn diện" cho khu vực Trung Ðông, bao gồm hòa bình giữa Israel và Palestine, giữa Israel và Syria, giữa Israel và Lebanon. Trước đó, ông Mitchell đã có chuyến thăm không báo trước đến Ai Cập, nước đang làm trung gian hòa giải giữa hai nhóm Hamas và Fatah của Palestine cũng như giải quyết vấn đề tù nhân giữa Hamas với Israel. Trọng tâm chuyến công du Trung Ðông lần này của Ðặc phái viên Mitchell là thảo luận với Thủ tướng Israel Netanyahu về việc chấm dứt xây dựng các khu định cư Do Thái ở các vùng đất chiếm đóng tại khu Bờ Tây, một trong những vấn đề được coi là "gai góc" nhất của tiến trình hòa bình Trung Ðông. Chính quyền Obama đã nhiều lần yêu cầu Israel chấm dứt việc xây dựng các khu định cư Do Thái ở khu Bờ Tây, nhưng Tel Aviv lý giải là việc xây dựng các khu định cư nhằm "đáp ứng nhu cầu tăng dân số tự nhiên" của nước này. Bất đồng giữa Mỹ và Israel đang làm cho quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Lần này hai bên không đạt được nhất trí về việc chấm dứt xây dựng các khu định cư Do Thái. Sau hai giờ đàm phán với Thủ tướng Netanyahu, ông Mitchell đã thông báo với Tổng thống Palestine M.Abbas rằng "vẫn còn khoảng cách giữa Washington và Tel Aviv về vấn đề các khu định cư Do Thái". Trước đó, trong cuộc gặp ông Mitchell ở khu Bờ Tây, Tổng thống M.Abbas nêu rõ rằng các cuộc đàm phán hòa bình với Israel, bị đình chỉ sáu tháng nay, sẽ không được nối lại trừ khi Israel ngừng hoàn toàn việc xây dựng các khu định cư Do Thái ở khu Bờ Tây và Ðông Jerusalem. Trong khi đó, lực lượng cánh hữu Israel đã tổ chức biểu tình trước nhà riêng của Thủ tướng Netanyahu ở Jerusalem hô khẩu hiệu "Nói không với yêu cầu ngừng xây dựng các khu định cư và chia đôi thành phố" và mang theo biểu ngữ: "Israel độc lập, nói không với đòi hỏi của Mỹ".

Nhằm hỗ trợ những nỗ lực ngoại giao nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Ðông của Ðặc phái viên Mitchell, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.Gates cũng đã tới Israel và Jordan. Tại Israel, ông Gates đã hội đàm với Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng E.Barak, nội dung tập trung vào vấn đề hạt nhân của Iran và các vấn đề liên quan nỗ lực tái khởi động tiến trình đàm phán hòa bình Trung Ðông. Cố vấn an ninh quốc gia James Jones cũng dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Israel và khu Bờ Tây ba ngày để thảo luận về tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.

Các chuyến thăm nói trên cho thấy những nỗ lực ngoại giao của chính quyền Tổng thống B.Obama nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Ðông. Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong các chuyến thăm này chỉ là những cam kết. Những rào cản tiến trình hòa bình Trung Ðông vẫn chưa được dỡ bỏ. Ðiều đó cho thấy việc thúc đẩy tiến tới một nền hòa bình toàn diện và bền vững ở khu vực Trung Ðông là đầy khó khăn, đòi hỏi nỗ lực và thiện chí của tất cả các bên liên quan tiến trình hòa bình Trung Ðông.

(Theo VĂN LỤC // Báo Nhân dân điện tử)

  • Những dấu hiệu cải thiện quan hệ Mỹ - Cu-ba
  • Nhật Bản kiên quyết áp dụng lệnh cấm vũ khí hạt nhân
  • Vợ của tư lệnh Taliban ở Pakistan chết vì tên lửa
  • Trung Quốc: Nhiều người trốn khỏi thị trấn có dịch hạch
  • Khủng hoảng hạt nhân tại I-ran: Khúc quanh khó lường
  • Rút quân khỏi IRAQ: Hồi kết đơn độc
  • Chính trường Philippines: Xin hòa giải
  • Khôi phục truyền thống