Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Italia: Luật An ninh mới tạo nên “những đứa trẻ vô hình”

Italia là một trong những nước thành viên EU bị ảnh hưởng nhiều nhất của làn sóng nhập cư bất hợp pháp. Vì thế, ngay từ khi lên nắm quyền, chính phủ của Thủ tướng S.Berlusconi luôn ưu tiên việc chống nhập cư trái phép.

Nỗi lo của người nhập cư

Đầu tháng 7, luật mới về an ninh đã được thông qua tại Thượng viện Italia với 157 phiếu ủng hộ, 124 phiếu chống, 3 phiếu trắng. Và Luật An ninh của Italia đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15-7. Theo luật mới này, nhập cư bất hợp pháp vào Italia bị coi là phạm tội. Những người phạm tội này sẽ bị phạt khoản tiền từ 5.000 - 10.000 EUR và bị trục xuất ngay lập tức về nguyên quán.

Ngoài việc phạt và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, luật mới cũng cho phép kéo dài thời gian giam giữ những người này lên tối đa là 6 tháng. Ngoài ra, người dân địa phương cũng được phép hình thành các đội tuần tra không có vũ trang để bảo vệ an ninh trật tự ngay tại khu phố của mình.

Người nhập cư gốc Phi sống trong các khu nhà tạm ở Milan, Italia.

Tại thành phố Ferrara, miền Bắc Italia, cô dâu người Trung Quốc và chú rể người Italia cùng thân quyến, bạn bè đang chuẩn bị đăng ký kết hôn tại tòa thị chính thì một nhóm cảnh binh tiến đến ngăn lại và tuyên bố theo luật an ninh mới cô dâu không có giấy chứng nhận nhập cư chính thức nên đám cưới phải hủy bỏ.

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, nhiều đám cưới giữa những cặp trai Italia với gái Trung Quốc, châu Á đã phải bỏ dở vì  Luật An ninh này. Những người nhập cư gốc Phi cũng gặp tình cảnh tương tự.

Michael, một người Sierra Leon, đến Milan, Italia cách đây hơn 1 năm cất giọng rầu rĩ: “Tôi rất nghèo, cuộc sống thật bấp bênh vì không có giấy chứng nhận cư trú hợp pháp, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị cảnh sát xét hỏi và trục xuất khỏi Italia”.

Tình cảnh của người nhập cư tại Italia càng khó khăn hơn khi số liệu thống kê mới nhất cho thấy riêng ở Milan đã có tới gần 10 triệu người nhập cư đến từ khắp nơi trên thế giới. Trước đây, những người này hy vọng có thể đổi đời tại miền đất hứa, nhưng nay những tia hy vọng thật sự lụi tàn vì Luật An ninh mới.

Nhiều bất hợp lý gây tranh cãi

Dù luật mới được ban hành và chính thức có hiệu lực, nhưng trên thực tế vẫn có nhiều ý kiến không ủng hộ vì lý do thiếu hiệu quả, tốn kém và có thể phát sinh những bất ổn mới trong xã hội. Thành viên thuộc phe đối lập, ông Felice Belisario, cho rằng: “Đây chỉ là những biện pháp mang tính an ninh, chỉ liên quan tới một nhóm người nhập cư bất hợp pháp và sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề nhập cư bất hợp pháp. Hơn nữa, biện pháp mới này không chỉ gây tốn kém ngân sách cho lực lượng an ninh, mà còn gây ảnh hưởng tới ngành tư pháp Italia”.

Đạo luật mới này bao gồm những điều khoản nhằm chống lại hoạt động bất chính của băng đảng mafia hay của giới xã hội đen, kiểm soát an ninh trật tự… nhưng có 2 điều khoản quan trọng gây tranh cãi ngay tại Quốc hội.

Thứ nhất là quyết định biến hành động nhập cư bất hợp pháp thành tội hình sự, do đó người nhập cư bất hợp pháp có thể bị truy tố và chịu phạt 5.000-10.000 EUR. Tuy nhiên, theo Hội đồng Tối cao các thẩm phán Italia, việc truy tố tội phạm nhập cư bất hợp pháp có nghĩa là mỗi ngày sẽ có hơn 62.000 đơn truy tố trên cả nước, dẫn tới ngành tư pháp sẽ nhanh chóng bị quá tải.

Bản đồ luồng người nhập cư từ châu Phi tới Italia.

Song tác động của Luật An ninh mới tại Italia có ảnh hưởng “ghê gớm” đối với xã hội Italia, đó là trong tương lai, ở Italia sẽ có hàng loạt trẻ em “vô hình”, tức là những đứa trẻ ra đời trên đất Italia, vì cha mẹ là người nhập cư không có giấy tạm trú nên không được làm khai sinh, không được đi học, không có quyền công dân và hưởng bất cứ phúc lợi xã hội nào, kể cả các quyền lợi về y tế.

Những “đứa trẻ vô hình” này sẽ lớn lên bên lề xã hội, không có bất cứ khả năng nào để hội nhập, và do đó dễ bị lôi kéo vào giới “xã hội đen”. Vì vậy, điều khoản này bị chỉ trích là “phân biệt chủng tộc” và phủ nhận toàn bộ quyền của người nhập cư.

Điều khoản gây tranh cãi thứ 2 là việc cho phép người dân tự đứng ra tổ chức những đội “dân phòng tự vệ”, để phần nào thay thế lực lượng cảnh sát đảm bảo an ninh xã hội trong các khu phố và làng mạc.

Dư luận lo ngại điều khoản này sẽ tạo “kẽ hở” cho một số nhóm theo chủ nghĩa phát xít mới công khai hoạt động, dẫn tới những tội ác và hành động quá khích, phân biệt chủng tộc.

(Theo VIỆT ANH (Tổng hợp từ BBC, ChinaNews)// SGGP online)

  • Một năm sau cuộc chiến Nga-Gruzia
  • Một con tê giác ở châu Phi được đặt tên Obama
  • Trùm khủng bố Đông Nam Á Noordin M.Top có thể đã bị bắn
  • Bàn nhiều vấn đề của khu vực và thế giới :Cuộc chiến chống ma túy sẽ được 3 nhà lãnh đạo chú ý nhất tại hội nghị
  • Tại sao ông Clinton được chọn?
  • 20 giờ làm nên lịch sử
  • Ấn Độ bắt giữ một tàu Triều Tiên “khả nghi”
  • Quân đội Mỹ có thể phải tham gia chống biến đổi khí hậu