Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton chỉ ở Bình Nhưỡng vỏn vẹn 20 giờ trước khi mang về nước hai nhà báo nữ của một đài truyền hình địa phương Mỹ. Nhưng bấy nhiêu thời gian cũng đủ để ông trở lại vũ đài chính trị quốc tế một cách ấn tượng
Nói chuyện tại trụ sở tổ chức Sáng kiến Toàn cầu Clinton của ông ở thành phố New York hôm 6-8, ông Clinton đã không tiết lộ thêm điều gì về chuyến đi Bình Nhưỡng của ông. Đây là lần đầu tiên ông xuất hiện trước công chúng kể từ khi chiếc máy bay chở ông và hai nhà báo nữ Mỹ hạ cánh xuống sân bay Los Angeles.
Cựu tổng thống Clinton giải thích: “Công việc của tôi là làm một chuyện hết sức vinh dự cho tôi với tư cách là một người Mỹ và một người cha. Đó là đưa những người phụ nữ trẻ ấy trở về nhà. Bất cứ chuyện gì tôi nói thêm có thể vô tình tác động đến những quyết định và tâm trạng những người ở đây hoặc ở Bắc Triều Tiên. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến thái độ của các nước đồng minh của chúng ta. Tôi không còn là một người hoạch định chính sách”.
Tổng thống Obama đã được báo cáo gì?
Ông Clinton cho biết đã báo cáo ngắn gọn chuyến đi của ông với Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton, vợ ông. Việc báo cáo chi tiết với cả hai và các quan chức cao cấp trong chính quyền sẽ được ông thực hiện sau.
Giới báo chí đã đoán già đoán non nội dung báo cáo của ông Clinton. Một trong những điều mà ông Obama rất muốn biết là tình trạng sức khỏe của Chủ tịch Kim Jong-il và ai sẽ là người kế thừa ông. Tháng 8 năm ngoái có tin ông Kim bị đột quỵ.
Chủ tịch Kim Jong-il (hàng trước bên phải) và cựu tổng thống Bill Clinton. Ảnh: REUTERS/KCNA
Nhiều tin đồn khác cho rằng ông bị ung thư tụy. Những tấm ảnh chụp ông Kim hội đàm với ông Clinton cho thấy ông gầy đi nhiều, tóc có vẻ thưa thớt hơn trước. Tuy nhiên, ông có đủ sức khỏe để đàm đạo 1 giờ 15 phút và dùng cơm khoảng 2 giờ với ông Clinton trong tâm trạng sảng khoái.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain cũng quan tâm đến vấn đề nói trên. Ông nói: “Clinton là người phương Tây đầu tiên thấy ông Kim bằng xương bằng thịt sau khi có những tin đồn xấu về sức khỏe. Tôi nghĩ rằng cựu tổng thống Clinton sẽ cung cấp những thông tin thú vị”.
Thật vậy, cùng đi với ông Clinton có bác sĩ riêng của ông là Roger Band. Ông này chắc chắn sẽ có một đánh giá đúng đắn về tình trạng sức khỏe của ông Kim. Nick Szechenyi, chuyên gia về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, cũng cho rằng chuyện ông Kim mời cơm ông Clinton là một trong những khía cạnh đáng ngạc nhiên nhất của chuyến viếng thăm chớp nhoáng của ông Clinton.
Ông phân tích: “Nó lý thú ở chỗ Bill Clinton có thể ngồi hàng giờ đối diện và đánh giá mức độ suy kém về mặt sức khỏe của ông Kim. Người ta (CHDCND Triều Tiên) đã cho phép ông Clinton làm việc đó. Chuyện này thật khó tin”.
Dĩ nhiên còn có một vấn đề khác quan trọng không kém mà ông Clinton chắc chắn sẽ báo cáo lại với Tổng thống Obama. Đó là, thông qua cuộc hội đàm riêng và trò chuyện bên bàn tiệc, lập trường của CHDCND Triều Tiên về cuộc đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa Triều Tiên đang bế tắc. Ông Clinton, với kinh nghiệm của một cựu tổng thống Mỹ từng đối phó với vấn đề này với Bình Nhưỡng, chắc chắn đã nắm được những gì mà ông Obama cần biết.
Người của lịch sử quốc tế
Tạp chí Mỹ Politico đã gọi ông Clinton như vậy sau khi ông này hoàn thành sứ mệnh “giải cứu” hai nhà báo nữ Laura Ling và Euna Lee. Tuy nhiên, theo Daniel Sneider, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương của Trường Đại học Stanford Mỹ, ông Clinton không đến Bình Nhưỡng để thương thuyết việc trả lại tự do cho hai nhà báo nữ can tội vượt biên giới CHDCND Triều Tiên trái phép “mà chỉ đến để thu hoạch kết quả của những cuộc thương thuyết (của Bộ Ngoại giao Mỹ)”. Tuy vậy, công lao của ông Clinton không vì vậy mà bị đánh giá thấp.
Nhật báo Hàn Quốc Hankyoreh viết: “Bill Clinton đã để lại một kỷ niệm khó quên với ý chí bình thường hóa quan hệ Mỹ – CHDCND Triều Tiên”. Nhật báo Mỹ The Washington Post cũng nhận định rằng thành công của sứ mạng mang hai nhà báo Mỹ về nước là nhờ các mối quan hệ chính trị và tài chính của ông Clinton và vợ ông, ngoại trưởng Mỹ.
Riêng tạp chí kinh tế châu Á Far Eastern Economic Review lưu ý rằng chuyến đi của ông Clinton cho thấy “những lợi ích của những kênh đàm phán trực tiếp”. Tờ này cũng nhấn mạnh đến “sự cần thiết của mối quan hệ đa diện”.
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com