Các vòng đàm phán nói trên, có thể phỏng đoán là rất khó khăn như thường lệ, chỉ hé lộ dấu hiệu khả quan hôm 24-7 vừa qua. Trong một cuộc họp báo hiếm hoi, Sin Sun-ho, Đại sứ CHDCND Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc, bất ngờ tuyên bố rằng nếu có những cuộc đàm phán trực tiếp với chính quyền ông Obama về “những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm” thì Bình Nhưỡng sẵn lòng. Ba ngày sau, hãng tin KCNA của CHDCND Triều Tiên loan báo Bình Nhưỡng có thể đối thoại trực tiếp với Mỹ.
Sứ giả Bill Clinton được tiếp đón trọng thị tại Bình Nhưỡng. Ảnh: AP
Lúc đó, ít ai biết rằng đằng sau tuyên bố của ông Sun-ho và bản tin của KCNA, cuộc đàm phán về số phận hai nữ phóng viên của đài truyền hình Mỹ Current TV do cựu phó tổng thống Al Gore sáng lập đã đi đến một ngã rẽ quan trọng.
Yêu cầu cử sứ giả
Trong lúc đó, tại Bình Nhưỡng, hai nhà báo Laura Ling, 36 tuổi và Euna Lee, 32 tuổi, bị giam giữ trong một căn hộ mặc dù chính thức mà nói hai chị bị kết án “12 năm lao động khổ sai”. Vì không có quan hệ ngoại giao với CHDCND Triều Tiên, Mỹ cậy nhờ đại sứ Thụy Điển tại Bình Nhưỡng là Mats Foyer giữ liên lạc với hai nhà báo nữ, chuyển thuốc men và thư từ. Chi tiết này chỉ mới được giới chức Mỹ tiết lộ sau khi hai nhà báo về tới Mỹ hôm 6-8.
Ngoài liên lạc bằng thư từ, Ling và Lee được phép gọi điện thoại về nhà theo định kỳ. Qua những cuộc điện đàm này, hai chị thông báo luôn những thông tin mà Bình Nhưỡng muốn báo cho phía Mỹ biết. Và gia đình hai chị đã thông báo lại những thông tin đó cho chính quyền.
Giữa tháng 7, hai nhà báo nữ thông báo tin quan trọng : Bình Nhưỡng sẽ xem xét việc ân xá và tha bổng cho họ nếu Mỹ cử một sứ giả cao cấp đến Bình Nhưỡng để thương lượng. Thông tin này trước hết được chuyển đến ông Al Gore, sau đó đến Nhà Trắng. Nắm được thông tin này, Ngoại trưởng Hillary Clinton, phu nhân của ông Clinton, một mặt nghiên cứu tính khả thi và hiệu quả của sứ mệnh giải cứu hai nhà báo Ling và Lee, mặt khác đề xuất một số người trong đó có cựu phó tổng thống Al Gore làm sứ giả.
Danh sách cuối cùng gửi đến Bình Nhưỡng gồm có 5 người tình nguyện là John Kerry, Chủ nhiệm Ủy ban Ngoại vụ Thượng viện; Bill Richardson, Thống đốc bang New Mexico; Donald Gregg, cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc; cựu phó tổng thống Al Gore và cựu tổng thống Bill Clinton.
Chỉ tiếp ông Clinton
Câu trả lời của Bình Nhưỡng khá nhanh: Họ muốn ông Bill Clinton. Lập tức, ông Gore gọi điện yêu cầu ông Clinton đi sứ ở Bình Nhưỡng. Gia đình của hai nhà báo cũng nói họ đặt hết niềm tin vào ông Clinton. Ông Clinton gật đầu với điều kiện chính quyền không cản trở chuyến đi của ông và phải bảo đảm rằng ông mang về nước hai nữ nhà báo Mỹ.
Phía chính quyền cũng đồng ý cử ông Clinton sau khi biết chắc rằng hai nhà báo Mỹ sẽ được thả. Một quan chức Nhà Trắng sau này kể lại: “Chúng tôi đã trực tiếp liên hệ nhiều lần với Bình Nhưỡng để xem thử có đúng như thông tin mà chúng tôi nhận được từ hai nhà báo Ling và Lee. Cuối cùng, chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận, theo đó chuyến thăm của ông Clinton là một bảo đảm cho việc ân xá hai nhà báo Mỹ”.
Ngày 24-7, Jim Jones, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, chính thức đặt vấn đề với ông Clinton. Thế là ông Clinton hoàn toàn yên tâm chuẩn bị sứ mệnh bí mật của mình.
Ngày 1-8, theo hãng tin Bloomberg, ông Clinton gặp các quan chức Nhà Trắng lần cuối cùng tại nhà riêng ở thủ đô Washington. Danh sách những người tháp tùng ông Clinton được gút lại. Washington thông báo đến các nước đồng minh trong khu vực, trong đó có Nga và Trung Quốc, rằng sắp có một sứ giả Mỹ đến thăm đột xuất Bình Nhưỡng. Phía Mỹ nhấn mạnh rằng chuyến đi của ông Clinton hoàn toàn riêng tư chỉ nhằm thực hiện một sứ mệnh nhân đạo chứ không dính dáng gì đến các vấn đề khác, chẳng hạn như chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
10 giờ 48 phút ngày 4-8, chiếc máy bay chở ông Clinton hạ cánh xuống sân bay Bình Nhưỡng. Hai giờ sau, hãng tin KCNA chính thức đưa tin cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đến CHDCND Triều Tiên và sẽ gặp chủ tịch Kim Jong-il. Cả thế giới sửng sốt hồi hộp theo dõi: Chuyện gì đang xảy ra?
Tại Bình Nhưỡng, hai nhà báo Mỹ cũng bất ngờ không kém. Laura Ling kể lại: “Chúng tôi được thông báo đến dự một cuộc họp. Khi đến, chúng tôi thấy ông Bill Clinton. Chúng tôi bị sốc thật sự. Nhưng chúng tôi hiểu ngay rằng 140 ngày buồn tủi của chúng tôi sắp chấm dứt”.
(Theo Văn Anh/NLĐ)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com