Cách đây 1 năm, vào ngày 8-8-2008, Nga và Gruzia đã xảy ra chiến tranh. Quan hệ giữa hai nước này tới nay vẫn nóng bỏng. Suốt hai tuần qua, cả Nga và Gruzia đã cáo buộc lẫn nhau về các vụ khiêu khích tại khu vực ranh giới giữa Gruzia và khu vực ly khai Nam Ossetia, nơi mà Nga đã công nhận là quốc gia độc lập (cùng với Abkhazia).
Cũng chính vì các cuộc tấn công khiêu khích của Gruzia vào Nam Ossetia nên xảy ra cuộc chiến hồi năm ngoái. Thế nhưng, theo các nhà phân tích, trong bối cảnh hiện nay ít có nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tương tự, xét trên nhiều khía cạnh.
Về phía Gruzia, theo đánh giá của các tướng lĩnh quân đội Nga thì hiện Gruzia “quá yếu”. Sau cuộc chiến năm ngoái, quân đội nước này bị thiệt hại nặng, cơ sở hạ tầng cũng suy giảm. Trong khi đó, Nga đặt nhiệm vụ chính là ngăn chặn không để xảy ra một cuộc chiến mới. Còn phía Nga, theo nhìn nhận của cố vấn an ninh quốc gia Gruzia thì nguy cơ tái diễn cuộc chiến rất thấp là do “chính sách ngoại giao phòng ngừa” của Gruzia trên cơ sở đánh giá Nga không muốn một cuộc chiến mới sẽ gây tổn hại tới ảnh hưởng của mình với các nước láng giềng và quan hệ với phương Tây.
Chính sách ngoại giao phòng ngừa của Gruzia là gì? Theo các quan chức Gruzia, họ thường xuyên tiếp xúc với Mỹ và EU để tạo thế cân bằng trong quan hệ với Nga, kềm chế nước này không đưa tình hình căng thẳng lên tới mức có thể gây chiến.
Về lâu dài, khó có thể dự báo điều gì sẽ xảy ra ở Gruzia khi Chính phủ Mỹ của ông Obama tiếp tục chính sách của Tổng thống tiền nhiệm George W. Bush. Tức là ủng hộ mạnh mẽ chính phủ Tbilisi hiện nay nhằm giảm ảnh hưởng của Nga tại khu vực Kavkaz. Mỹ và EU đang theo chiến lược ủng hộ lâu dài với Gruzia, nhưng cũng không muốn Gruzia có các hành động bộc phát nhất thời có thể đẩy Nga vào thế phản ứng mạnh mẽ.
Trong chuyến thăm Gruzia hồi tháng rồi, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định sẽ không cung cấp cho Gruzia các loại vũ khí hạng nặng mà Nga đã lên tiếng phản đối như hệ thống súng chống tăng, chống máy bay (những loại vũ khí mà Gruzia rất muốn có) và cho rằng quan hệ giữa Mỹ với Gruzia không làm ảnh hưởng tới quan hệ của Washington với Nga. Thế nhưng, ông Biden cũng như nhiều quan chức EU đang tập trung xây dựng các tiêu chuẩn để Gruzia có thể gia nhập NATO. Lúc đó, EU và Mỹ có thể sẽ mạnh dạn ủng hộ Gruzia hơn hiện nay. Hiện tại, Mỹ và EU đang thiên về ủng hộ tài chính hơn, còn quân sự chỉ dừng ở mức giúp đào tạo và huấn luyện cho quân đội Gruzia.
Vấn đề là liệu Mỹ và EU có tiếp tục duy trì một chính phủ thân họ tại Gruzia hay không. Những hành động trấn áp người biểu tình không một tấc sắt trong tay, hệ thống tư pháp nhiều vấn đề cũng như các nỗ lực hạn chế truyền thông và nhất là nền kinh tế èo uột đã làm suy giảm trầm trọng uy tín của ông Saakashvili trong dân chúng. Các cuộc biểu tình triền miên của lực lượng đối lập cũng không nằm ngoài mục tiêu đòi Tổng thống Saakashvili từ chức. Chính do uy tín sút giảm mà ông Saakashvili đã chủ trương tấn công quân sự vào Nam Ossetia gây ra cuộc chiến với Nga cách đây 1 năm.
Trong bài viết trên tờ New York Times số ra ngày 5-8, hai nhà phân tích Mark Lenzi và Lincoln Mitchell cho rằng, thay vì phát triển kinh tế và xây dựng nền dân chủ vững mạnh để thuyết phục hai khu vực ly khai Nam Ossetia và Abkhazia tự nguyện trở về với Gruzia thì giới lãnh đạo Gruzia lại muốn dùng quân sự, điều đó càng trở nên sai lầm hơn và đẩy hai khu vực ly khai gần hơn với Nga.
(Theo Vũ Minh // SGGP online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com