Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Không thực tiễn?

Vào ngày 7-9, khi quá trình kiểm phiếu cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan sắp kết thúc, Đại sứ Mỹ tại Kabul, ông Karl W. Eikenbery đã thông báo tóm tắt tình hình cho Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Trong cùng ngày, viên đại sứ này đã khuyên nhủ ứng viên dẫn đầu, đương kim Tổng thống Hamid Karzai “Đừng vội tuyên bố chiến thắng”.

Dù cho ủng hộ ông Karzai như thế nào đi nữa, Chính phủ Mỹ của Tổng thống Obama cũng không thể nào im lặng bỏ qua vô số lời ta thán gian lận bầu cử. Sự việc đến mức Ủy ban khiếu nại bầu cử (ECC) do LHQ bảo trợ gồm đa số các quan sát viên phương Tây đã phải ra lệnh kiểm lại phiếu ở nhiều khu vực bị cáo buộc có gian lận.

Với hơn 92% số phiếu đã kiểm xong, Tổng thống Karzai dẫn đầu với 54,1% và cựu Ngoại trưởng Abdullah Abdullah về nhì với 28,3%. Nếu kết quả này được giữ nguyên đến cuối cùng và nếu các cuộc kiểm phiếu lại không thay đổi, ông Karzai sẽ tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ hai. Tuy nhiên, viễn cảnh là có hơn 600 địa điểm bỏ phiếu sẽ phải kiểm phiếu lại và 720 lời cáo buộc gian lận có thể làm thay đổi kết quả trên.

Chính phủ Mỹ đang muốn duy trì một chính sách cân bằng, vừa muốn rốt ráo điều tra các cáo buộc gian lận phiếu bầu nhưng cũng không muốn tạo cảm giác bỏ rơi đối với đồng minh Karzai. Chính vì thế cả Ngoại trưởng Mỹ và Đại sứ Mỹ tại Afghanistan đều không muốn ông Karzai bỏ qua việc điều tra các cáo buộc gian lận bầu cử. Hơn thế nữa, vấn đề có tính chất 2 mặt: càng nhiều cáo buộc gian lận nhắm vào ông Karzai thì uy tín của ông càng sút giảm nếu ông tiếp tục cầm quyền trong 5 năm tới.

Mỹ luôn muốn thể hiện quan điểm rằng bất kỳ ai làm Tổng thống Afghanistan đều phải được số đông dân chúng và cộng đồng quốc tế ủng hộ. Cũng vì thế, dư luận cho rằng có thể Mỹ sẽ chấp nhận một chính sách dung hòa là để ứng viên về nhì, ông Abdullah cùng tham gia chính phủ của ông Karzai. Điều này cũng đồng nghĩa là tránh tạo nhiều xáo trộn tại Aghanistan sau bầu cử trong lúc Taliban đang ngày càng hoạt động mạnh.

Theo những lời tuyên bố của Mỹ, Anh, giống như cuộc bầu cử cách đây 5 năm, cuộc bầu cử lần này do chính người Afghanistan tổ chức và đó là dấu hiệu tiến bộ của một xã hội dân sự sau chiến tranh. Thế nhưng, thử nhìn vào ECC, với 5 thành viên thì đã có 3 người nước ngoài (1 người Mỹ, 1 người Canada và 1 người Hà Lan do LHQ chỉ định).

Chính tiếng nói của họ mới là quyết định. Nhà phân tích người Afghanistan, ông Waheed Mujhda nói: “Người dân Afghanistan giận dữ vì đây là nước có chủ quyền nhưng những người nước ngoài lại đi rao giảng cho chúng tôi những điều cần làm trong cuộc bầu cử”. Dư luận đặt câu hỏi rằng tại sao với một lực lượng quan sát viên quốc tế hùng hậu như vậy mà vẫn xảy ra nhiều cáo buộc gian lận và phải chăng mô hình bầu cử dân chủ mà Mỹ đang muốn áp đặt tại Afghanistan không thực tiễn?

(Theo SGGP online)

  • Một công đôi chục việc
  • Hình ảnh giải cứu 100 hành khách trong vụ không tặc
  • Bình luận: Bước chuyển có tính đột phá
  • Kẻ khủng bố nguy hiểm nhất Đông Nam Á
  • Tội ác dưới thời độc tài Pi-nô-chê
  • Ngày tàn của trùm khủng bố Noordin top: Cuộc chiến vẫn tiếp diễn
  • Hé lộ bí mật nhà tù CIA
  • Hé lộ cuộc đời Công nương Diana trước khi về nhà chồng