Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kỳ 4: Thờ sông khinh nước

Nước là một yếu tố văn hoá phức tạp ở Ấn Độ. Nhiều dòng sông lớn ở nước này được xem là linh thiêng. Thực tế, chúng được xem là những nữ thần và người Ấn tin rằng nguồn nước của các dòng sông này có quyền năng tẩy trần và cứu rỗi. Sông Hằng chảy qua thành phố Varanasi và sông Yamuna chảy qua Delhi được cho là những dòng sông linh thiêng nhất nước Ấn. Nhưng chúng cũng nằm trong số những dòng sông ô nhiễm nhất thế giới. Ở nhiều đoạn, nước sông đen xì hoặc nâu quánh.

 
Các nhân viên của một tổ chức phi chính phủ ở Varanasi đến từng gia đình đo lường mức độ vệ sinh của nước uống. Nhiều người dân Ấn không hề nhận thức được hàng ngày họ đang sử dụng những nguồn nước nguy hiểm.Ảnh: TL

Thế mà cả hai sông này đều thu hút hàng triệu khách hành hương, những ai tin rằng chỉ cần nhúng mình xuống nước là những dòng sông thần nữ này có thể rửa sạch cả cuộc đời tội lỗi. Làm sao có thể tôn thờ một dòng sông mà mình đối xử như là ống cống lộ thiên? Đối với người Ấn, điều này chẳng hề mâu thuẫn.

Nước là vấn đề văn hoá

Praveen Aggrawal là tổng giám đốc công vụ và phát triển bền vững của Coca-Cola ở khu vực Ấn Độ và Nam Á. Những chỉ trích về chuyện hãng này sử dụng các nguồn cấp nước địa phương ở Ấn Độ đã khơi mào cho ý thức nguồn nước bền vững và nỗ lực bảo tồn nước của Coca-Cola toàn cầu. Hãng này tất nhiên cần có nước để sản xuất nước ngọt Coca-Cola và Aggrawal là thành viên của một nhóm công ty đang cố thay đổi cách thức các doanh nghiệp Ấn tiếp cận những vấn đề nước.

“Với chúng tôi”, Aggrawal nói, “nước là quà tặng của thần thánh. Anh không thể biến nó thành hàng hoá. Đây là một vấn đề tâm linh và tôn giáo của dân chúng. Với đa số, nước là thiêng liêng. Trong nhiều nhà ở nông thôn, có một nơi dành riêng để chứa nước và anh phải đi chân không như một hình thức tôn kính”.

Thế tại sao điều đó không dẫn đến những dòng sông sạch nhất thế giới, thay vì độc hại nhất?

Aggrawal nói: “Trong nhà của mọi người Ấn đều rất sạch sẽ. Họ bỏ hết bùn đất bên ngoài. Chúng tôi có thành ngữ “ỉa công cộng, ăn riêng tư” có nghĩa là về cơ bản nhà tôi ở phải sạch. Bên ngoài là trách nhiệm của người khác. Làm sao một giám đốc nhà máy vốn coi sông Yamuna là linh thiêng lại có thể xả chất thải độc hại thẳng xuống dòng sông ấy? À, nước rời khỏi nhà máy với axit và chất độc sẽ đi tới thần linh. Thần linh sẽ chịu trách nhiệm chuyện này. Không có gì phải băn khoăn!”

Với người Ấn, ngay cái việc những dòng sông là những nữ thần có nghĩa là có gây ô nhiễm cũng… không sao. Quyền năng của nữ thần Yamuna và Hằng Hà lớn lao hơn những gì các ống xả chất thải của nhà máy có thể làm! Chính vì thế, Ashok Jaitly, giám đốc viện Tài nguyên và năng lượng Ấn Độ (TERI), cho rằng không thể giải quyết vấn đề nước ở Ấn Độ mà không xét đến tầm quan trọng văn hoá của nước.

Jaitly nói: “Đây là một xã hội nơi mà dân chúng tin rằng chỉ cần nhúng mình xuống sông Mẹ Hằng Hà thì khi chết họ sẽ lên thẳng thiên đường. Tất nhiên, chuyện đó phi lý. Nhưng con người vốn phi lý mà!”

Hội chứng trầm kha

Sự phi lý ấy cứ chồng chất qua cách người Ấn sử dụng nước cũng như cư xử với nước. Do cả nước lẫn điện để bơm nước vào đồng ruộng về cơ bản là miễn phí, nông dân chẳng hề có ý thức khi dùng nước. Lượng nước thuỷ lợi thực tế giúp phát triển mùa màng có hiệu quả chỉ vào khoảng 25 – 35%. Nông dân ở Ấn Độ tiêu thụ 80% lượng nước quốc gia. Như vậy có khoảng 56% lượng nước có thể sử dụng đã bị phung phí.

Các thành phố lớn – nơi hội tụ năng lực kinh doanh và tăng trưởng của quốc gia – lại không cung cấp nước cho dân chúng trong khi mỗi năm lại có nhiều triệu dân cư mới đổ về các khu đô thị này. Người Ấn nói về việc Delhi cạn nước nghiêm túc hơn là việc thủ đô của họ được cung cấp nước 24/24!

Hàng triệu người Ấn trong những thôn làng có dân số từ 1.000 đến 2.000 – nơi cư ngụ của 70% dân số Ấn – lại phụ thuộc vào những hệ thống gom tích nước thô sơ so với tiêu chuẩn của những nước phát triển vào 100 năm trước chứ đừng nói đến tiêu chuẩn thế kỷ 21. Thế nhưng việc đưa nước về làng trông vậy chứ còn khó khăn hơn nữa, bởi vì ngay cả những giải pháp quy mô nhỏ – chẳng hạn, hệ thống lọc nước nhỏ gọn, chạy bằng năng lượng mặt trời – cũng cần có sự hỗ trợ liên tục của ai đó có khả năng kỹ thuật. Điều đó không thể duy trì trong thực tế.

Cuối cùng, thái độ nhiều khi rất mâu thuẫn đối với nước của chính người Ấn càng làm hội chứng thiếu nước thêm trầm kha. Ở Ấn Độ, nơi kiêu hãnh với những thành tựu công nghệ và kinh tế, lại không hề có sự hỗ trợ chính trị cho ý tưởng cung cấp nước sinh hoạt 24/24 cho mọi người. Một quan chức cao cấp của công ty cấp nước Delhi đã từng viết: “Thực tế là khi có ai nói đến chuyện cung cấp nước sạch liên tục hàng ngày, chúng tôi lại cười nhạo như là một chuyện tào lao không đáng quan tâm”.

( Theo CHARLES FISHMAN - TRẦN NGỌC ĐĂNG (DỊCH) // Báo Sài gòn tiếp thị Online )

  • Kỳ 3: Phát triển mọi thứ trừ nước – Charles Fishman
  • Kỳ 2: Thiếu nước? Chuyện nhỏ!
  • Đĩa bay vô hiệu hóa tên lửa Mỹ?
  • 10 thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử vì xô đẩy
  • Chuyên cơ chở các nguyên thủ đến hội nghị G20 như thế nào?
  • Vịt 3 chân siêu hạng: dự báo được động đất!
  • Vấn đề pháp lý và đạo đức
  • Nạn nhân là dân thường