Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Liên minh Nhật - Mỹ chệch hướng

Quan hệ Nhật - Mỹ có nguy cơ đối đầu, là dấu hiệu không tốt lành cho chuyến thăm chính thức sắp tới của Tổng thống (TT) Mỹ Barack Obama

Có nhiều nguyên nhân gây căng thẳng cho quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật, đột ngột bùng phát sau khi Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama thuộc phe trung tả lên cầm quyền. Ông Hatoyama muốn có một đường lối đối ngoại mới khác hẳn các chính phủ tiền nhiệm và cơ cấu lại quan hệ đồng minh với Mỹ.

Sự đối đầu hiện nay giữa hai nước tập trung ở vấn đề tái cơ cấu lực lượng Mỹ tại Okinawa mà quân Mỹ chiếm đóng từ sau thế chiến II. Theo thỏa thuận Nhật - Mỹ năm 2006, căn cứ không quân Futenma của Mỹ sẽ chuyển từ thị trấn Ginowan ở Okinawa tới một khu vực thưa dân cư ở Nago cũng thuộc tỉnh Okinawa vào năm 2014.

Mỹ hiện có khoảng 47.000 binh sĩ đóng tại Nhật Bản, trong đó hơn một nửa đóng ở đảo Okinawa. Người dân tại đây luôn phản đối sự có mặt của lính Mỹ do tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tình trạng phạm tội của quân Mỹ.


Tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã sang Tokyo thúc ép Chính phủ Nhật nhanh chóng cam kết thực hiện thỏa thuận di chuyển căn cứ không quân Futenma trước khi TT Mỹ Barack Obama thăm Nhật Bản trong hai ngày 12 và 13-11.

Vấn đề này không thể đàm phán lại và ông Gates còn dọa Mỹ sẽ không rút 8.000 lính thủy đánh bộ Mỹ từ Okinawa sang đảo Guam như hai bên đã thỏa thuận. Phản ứng về lời đe dọa này, Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada tuyên bố trên đài truyền hình: “Mỹ cần tôn trọng tiến trình dân chủ của Nhật Bản”.

Báo Sankei của Nhật Bảnbình luận: “Đúng như dự đoán, quan hệ Nhật – Mỹ đã bắt đầu chệch hướng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates gây sức ép với Tokyo và phía Nhật Bản phản biện công khai là điều chưa từng có trong suốt 30 năm qua”.

Theo hãng Kyodo, Thủ tướng Hatoyama trong buổi tiếp ông Robert Gates đã gợi ý Mỹ nên chuyển hẳn căn cứ Futenma ra khỏi tỉnh Okinawa, thậm chí ra khỏi Nhật Bản. Ông Robert Gates đáp lại: “Cần phải thực thi thỏa thuận, việc điều chỉnh sẽ làm ảnh hưởng tới các thỏa thuận an ninh lớn hơn giữa Mỹ và Nhật Bản có hiệu lực từ hơn một thập kỷ qua”.

Giới quan sát ở Nhật Bản đồng tình với sự cứng rắn của Thủ tướng Hatoyama vì ông thừa hiểu rằng nếu khuất phục trước sức ép của Mỹ thì liên minh cầm quyền hiện nay sẽ rạn nứt và tỉ lệ ủng hộ nội các sẽ giảm mạnh.

Đài BBC đã khách quan nhìn nhận vấn đề khi nhận định: “Ông Hatoyama muốn tách dần khỏi Mỹ để đóng một vai trò to lớn và uy tín hơn ở châu Á. Do đó, Tokyo phải từ bỏ vị trí “bám càng” Mỹ. Điều này đã thể hiện rõ trong đường lối đối ngoại mới của Nhật Bản”.

Washington đã lường trước hướng đi của ông Hatoyama khi ông có bài viết trên nhiều tờ báo Nhật vào tháng 8 năm nay trước khi nhậm chức thủ tướng: “Trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, Nhật Bản liên tiếp bị vùi dập bởi những cơn sóng gió của chủ nghĩa cực đoan thị trường trong một phong trào do Mỹ cầm đầu. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay cho thấy kỷ nguyên của chủ nghĩa đơn phương Mỹ có thể sẽ chấm dứt”.

Liên minh chiến lược Nhật – Mỹ đang đứng trước thử thách nghiệt ngã. Tại phiên họp toàn thể Hạ viện ngày 29-10, Thủ tướng Hatoyama tuyên bố: “Liên minh Nhật - Mỹ vẫn là nền tảng của chính sách đối ngoại Nhật Bản. Nhưng chúng ta sẽ phải xem xét lại toàn bộ quy chế của liên minh này”.

Ông Hatoyama chủ trương “liên minh Nhật – Mỹ phải chặt chẽ và bình đẳng. Bình đẳng có nghĩa là Nhật Bản có thể tích cực đề xuất vai trò và hành động cụ thể mà liên minh có thể thực hiện vì hòa bình và an ninh toàn cầu”.

Theo giới quan sát, sau “phép thử lớn đầu tiên” giữa Mỹ và Nhật Bản trong vấn đề tái cơ cấu lực lượng Mỹ tại Okinawa, Tokyo đang phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn trước chuyến thăm Nhật Bản của TT Barack Obama, bởi vì mọi quyết định sai lầm lúc này sẽ gây ra những hậu quả lâu dài trong quan hệ đồng minh chiến lược Nhật – Mỹ.

(Theo nld online)

  • Ngoại giao trang sức
  • Lên Sao Hỏa bằng phi thuyền hạt nhân
  • Giảm nghèo bằng vi tín dụng và năng lượng mặt trời
  • Giá dầu dao động ở mức 78 đô la Mỹ/thùng
  • Lời giải ở công nghệ xanh
  • Nối giáo cho giặc
  • Ngoại trưởng Mỹ đến Trung Đông: Dự định nối lại hòa đàm bất thành
  • Hai cuộc chiến