Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lời giải ở công nghệ xanh

Theo ban Dân số của Liên hiệp quốc, trong giai đoạn 2000 – 2005, 2,9 tỉ người trong tổng số 6,5 tỉ dân của thế giới đang sống ở các nước có tỷ lệ sinh sản bằng hay thấp hơn mức thay thế. Trên lý thuyết, mức thay thế là số trẻ em mà một phụ nữ bình thường trong tuổi sinh sản (15 – 49 tuổi) có thể sinh ra để thay thế vừa đủ số người chết đi.

Cũng theo ban Dân số Liên hiệp quốc, đầu thập niên kế tiếp, số dân sống trong vùng có tỷ lệ sinh sản ở mức thay thế sẽ là 3,4 tỉ người trong khi dân số thế giới là 7 tỉ, và sẽ đạt mức 50% dân số thế giới vào giữa thập niên 2010. Các nước có tỷ lệ sinh sản giảm không chỉ có Nga, Nhật Bản mà còn có Brazil, Indonesia, Trung Quốc và vùng Nam Ấn Độ. Đến khoảng năm 2020, lần đầu tiên trong lịch sử, tỷ lệ sinh sản toàn cầu sẽ xuống thấp dưới mức thay thế.

Sinh giảm, dân vẫn tăng?

Vào thập niên 1970, chỉ có 24 nước có tỷ lệ sinh sản 2,1 hay ít hơn và tất cả đều là nước giàu. Nay thì có hơn 70 nước như vậy. Vào giữa những năm 1950 – 2000, tỷ lệ sinh sản trung bình ở các nước đang phát triển giảm một nửa, từ 6 xuống còn 3 con hay ít hơn. Sự sụt giảm ở các nước đang phát triển hiện nay đang gần với mức của châu Âu trong giai đoạn công nghiệp hoá từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Nhưng những gì đã xảy ra ở Anh trong hơn 130 năm (1800 – 1930) đã xảy ra ở Hàn Quốc chỉ trong 20 năm (1965 – 1985). Ngày nay tốc độ này còn nhanh hơn. Tỷ lệ sinh sản giảm nhanh hơn ở các nước Đông Nam Á (trừ Philippines). Ở Bangladesh tỷ lệ này giảm từ 6 xuống 3 chỉ trong 20 năm (1980 – 2000). Ở Mauritius sự sụt giảm này chỉ diễn ra trong 10 năm (1963 – 1973). Mạnh nhất là ở Iran, nơi tỷ lệ sinh sản vào năm 1984 là 7 giảm còn 1,9 vào năm 2006. Thậm chí chỉ còn 1,5 ở thủ đô Tehran.

Mặc dù tỷ lệ sinh sản đang giảm ở nhiều khu vực, dân số thế giới vẫn có thể tăng trong 40 năm tới. Nguyên nhân là do tỷ lệ sinh sản cao trong các thế hệ trước dẫn đến việc số lượng phụ nữ trong tuổi sinh sản nhiều nên vẫn có nhiều trẻ em sinh ra dù các bà mẹ đẻ ít hơn. Liên hiệp quốc dự đoán dân số thế giới vẫn sẽ tăng từ 6,8 tỉ lên đến 9,2 tỉ vào năm 2050.

Vì sao phụ nữ giảm sinh con?

Trong xã hội nông nghiệp, tỷ lệ sinh sản cao vì cần nhân lực cho công việc đồng áng. Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp, mức sống và trình độ học vấn cũng được nâng lên, đặc biêt là trình độ học vấn của phụ nữ cũng tăng lên đáng kể, các gia đình trẻ không muốn sinh nhiều con như thế hệ trước.

Nghiên cứu kinh tế vĩ mô xác nhận sinh sản bắt đầu giảm khi thu nhập hàng năm của mỗi người đạt mức 1.000 – 2.000 USD, và giảm đến tỷ lệ thay thế khi thu nhập bình quân đầu người đạt mức 4.000 – 10.000 USD/năm. Điều này diễn ra ở các nước, thậm chí trong từng vùng. Ở bang Bihar nghèo nhất Ấn Độ, tỷ lệ sinh sản là 4, nhưng ở vùng khá hơn như Tamil Nadu và Kerala thì tỷ lệ này là dưới 2. Thượng Hải có tỷ lệ sinh sản thấp hơn 1,7 từ năm 1975, nhưng ở tỉnh Quý Châu nghèo nhất Trung Quốc tỷ lệ này là 2,2.

Tuy nhiên, cũng phải kể đến trường hợp phụ nữ ở một số nước nghèo cũng muốn có ít con hơn nhưng không giảm được số con. Một khảo sát khác cho thấy ở châu Phi chỉ khoảng 18 triệu phụ nữ được tiếp cận các biện pháp tránh thai, trong khi có đến 25 triệu phụ nữ không có điều kiện tiếp cận các biện pháp này. Điều này cho thấy một nguyên nhân lớn khác khiến tỷ lệ sinh giảm là do phụ nữ ngày càng được nâng cao về học thức.

Các nước có tỷ lệ sinh giảm mạnh đều có các chương trình xoá mù chữ hiệu quả. Ví dụ, ở Mauritius, nơi chỉ mất 10 năm để tỷ lệ sinh sản giảm xuống đến mức thay thế trong giai đoạn 1963 – 1973, tỷ lệ phụ nữ biết đọc biết viết là 80% vào năm 1962. Tương tự tại Iran, trong khi tỷ lệ sinh sản giảm từ 7 xuống còn 1,9 trong giai đoạn 1984 – 2006, tỷ lệ phụ nữ nông thôn trong tuổi 10 – 24 biết chữ tăng từ 10% vào năm 1976 lên đến mức hiện nay là 91%. Iran không chỉ là một trong những nước có trình độ dân trí cao nhất khu vực Trung Đông mà còn là nước có cơ hội học tập giữa nam và nữ ngang bằng nhau.

Những tác động

Vào những năm 1980, dân số được cho là không đóng vai trò quan trọng lắm đối với nền kinh tế. Trong một hội thảo do Liên hiệp quốc tổ chức vào năm 1984, phái đoàn Mỹ từng báo cáo rằng “tăng dân số bản thân nó cũng chẳng có lợi hay có hại, đó là một hiện tượng trung tính”.

Nhưng các nghiên cứu mới đây lại cho thấy giảm tỷ lệ sinh sản từ 6 xuống 2 có thể mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Tỷ lệ sinh sản giảm giúp phụ nữ có cơ hội đi làm thuận lợi hơn, nên lực lượng lao động tăng lên. Vì có ít trẻ em và người già phụ thuộc vào, các hộ gia đình có nhiều tiền hơn để tiết kiệm, có thể dùng để đầu tư. Thực tế ở Trung Quốc cho thấy, tiền tiết kiệm của các gia đình (dĩ nhiên còn do nhiều yếu tố khác chứ không chỉ từ nhân khẩu học) chiếm đến gần 25% GDP của nước này trong năm 2008. Những khoản tiền này đầu tư và mang lại 40% GDP khác, đóng góp vào sự tăng tưởng GDP của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay.

Với hầu hết các nước, vấn đề hiện nay là có lợi ích gì khi đạt tỷ lệ dân số ở mức thay thế? Thay vì nỗi lo trước nạn đất chật, người đông, điều quan trọng không phải là kiểm soát gia tăng dân số mà là phát triển dựa trên mô hình tiết kiệm tài nguyên, hạn chế ô nhiễm.

( Theo Mai Hương (Economist) // SGTT Online)

  • Nối giáo cho giặc
  • Ngoại trưởng Mỹ đến Trung Đông: Dự định nối lại hòa đàm bất thành
  • Hai cuộc chiến
  • Xoay hướng
  • Chưa tích cực đối phó biến đổi khí hậu vì… hiểu nhầm
  • Pháp: sẽ cấm điện thoại di động trong trường học
  • Anh: hướng nghiệp cho học sinh qua internet
  • Tại sao Nam cực?