Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mỹ dùng chính sách "chiếc gậy" và "củ cà-rốt" đối với Sudan?

Ngay sau khi công bố chiến lược mới đối với Sudan, ngày 28-10, Tổng thống Mỹ B.Obama đã chính thức gia hạn cấm vận quốc gia miền đông châu Phi này thêm một năm với lý do nhằm đối phó những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ. Theo chiến lược mới của Mỹ, các biện pháp vừa khích lệ vừa gây sức ép sẽ được áp dụng để buộc Chính phủ Sudan chấm dứt xung đột và "nạn diệt chủng" ở Ða-phơ và miền nam nước này.
 
Tổng thống Mỹ B.Obama tuyên bố, Washington sẽ áp dụng các biện pháp khích lệ nếu Chính phủ Sudan hành động quyết liệt nhằm cải thiện tình hình, tiến tới xây dựng một nền hòa bình ở đất nước vốn nhiều năm rơi vào nội chiến này. Theo ông Obama, chính quyền Sudan phải có trách nhiệm thực hiện các bước đi cụ thể theo một hướng mới. Ngược lại, Khartoum sẽ phải đối mặt sức ép gia tăng từ Washington và cộng đồng quốc tế. Người đứng đầu Nhà trắng cũng cảnh báo, Sudan có nguy cơ lún sâu hơn vào tình trạng hỗn loạn nếu không nhanh chóng hành động và Washington có thể sớm bổ sung các biện pháp trừng phạt Khartoum. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clinton nêu rõ, việc Washington lựa chọn biện pháp nào hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của Khartoum, dựa trên những thay đổi "có thể kiểm chứng được" của chính quyền nước này nhằm chấm dứt bạo lực tại Ða-phơ và ổn định tình hình ở miền nam Sudan. Chính sách của Mỹ là nhằm chấm dứt xung đột, tội ác chiến tranh và "nạn diệt chủng" tại Ða-phơ cũng như bảo đảm thực hiện đầy đủ Hiệp định hòa bình toàn diện được ký năm 2005 và Sudan không bị biến thành sào huyệt của khủng bố.

 Cuộc xung đột ở Ða-phơ, miền tây Sudan bùng nổ vào tháng 2-2003 khi những tộc người thiểu số nổi dậy chống chính phủ của người A-rập. Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ được triển khai ở khu vực này song chưa đủ khả năng kiểm soát tình hình. Các quan chức LHQ cho biết, cuộc xung đột này đã khiến ít nhất 300 nghìn người chết, khoảng 2,5 triệu người mất nhà ở vào thời kỳ đỉnh điểm giai đoạn 2003-2005. Ðây được coi là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Tổng thống Sudan Ô. An Ba-sia đã bị Tòa án hình sự quốc tế (ICC) cáo buộc phạm "tội ác chống lại loài người" và "các tội ác chiến tranh". Chính quyền Mỹ cáo buộc Chính phủ Sudan đã tiến hành "nạn diệt chủng" ở Ða-phơ. Quan hệ giữa Mỹ và Sudan căng thẳng trong mấy thập kỷ qua kể từ khi nổ ra cuộc nội chiến giữa hai miền nam và bắc ở Sudan từ năm 1983. Dưới thời cựu Tổng thống B.Clinton, Mỹ lần đầu áp đặt cấm vận Sudan vào năm 1997 vì cáo buộc Khartoum tài trợ khủng bố. Các biện pháp trừng phạt tiếp tục được bổ sung dưới thời cựu Tổng thống G.Bush vào năm 2006. Theo đó, phong tỏa tất cả tài sản và lợi ích của các quan chức Chính phủ Sudan. Các công ty Mỹ bị cấm hoạt động khai thác tại các giếng dầu của quốc gia có nhiều tiềm năng dầu mỏ, khiến phần lớn xuất khẩu dầu mỏ của Sudan chuyển hướng sang Trung Quốc. Sudan xuất khẩu khoảng 400 nghìn thùng dầu/ngày sang thị trường châu Á, trong đó hơn một nửa sang Trung Quốc. Washington đã liệt Sudan vào danh sách các nước tài trợ khủng bố để bổ sung cấm vận, trong đó ngăn cản các khoản cho vay của các tổ chức tài chính quốc tế đối với nước này. Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm ngoái, Tổng thống Obama đã kêu gọi áp đặt những biện pháp cứng rắn hơn với Khartoum nhằm ngăn chặn quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn ở châu Phi này rơi vào tình trạng bất ổn kéo dài.

 Chính phủ Sudan tỏ ra thận trọng sau khi Mỹ công bố chiến lược mới đối với nước này. Cố vấn của Tổng thống Sudan, ông G.Salah al-Din cho rằng, chiến lược này có những điểm tích cực, thể hiện sự thay đổi trong chính sách và cách tiếp cận của Mỹ đối với Sudan. Ông Salah al-Din  cho biết, Sudan nhận thấy trong chiến lược mới của Mỹ không còn những ý tưởng cực đoan thường thấy như can thiệp quân sự hoặc áp đặt lệnh cấm bay ở Ða-phơ. Ðây là một chiến lược ràng buộc, chứ không phải "cô lập" Khartoum như trước đây. Tuy nhiên, Sudan chỉ trích việc chính quyền Mỹ tiếp tục sử dụng cụm từ "diệt chủng" đối với tình hình ở Ða-phơ.

 Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clinton đã không chỉ rõ Mỹ sẽ đưa ra "chiếc gậy" hay "củ cà-rốt" đối với Chính phủ Sudan trong nỗ lực chấm dứt xung đột trước lo ngại quốc gia rộng lớn nhất châu Phi này trở thành căn cứ của các nhóm khủng bố. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Mỹ sẽ sử dụng các công cụ tùy ý, trong đó có thể đưa Sudan ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố nếu các quan chức nước này hợp tác tốt, hoặc áp đặt bổ sung các biện pháp cấm vận nếu Khartoum phớt lờ những khuyến cáo của Washington.

 

(Theo nhan dan)

  • Bước tiến mới trong hợp tác và phát triển của ALBA
  • Người ăn gạch
  • Trở về đúng ngày tổ chức đám tang của chính mình
  • 120 ngân hàng Mỹ lâm nạn từ đầu năm
  • Những cảnh báo cay đắng
  • Tổng thống Obama nhún nhường với chủ nợ
  • Thủ phủ chia buồn!
  • Venezuela vướng nhiều “ải” vào Mercosur