Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những hậu quả tai hại của biến đổi khí hậu

Vừa qua, tại New York (Mỹ), diễn ra Hội nghị cấp cao bàn về biến đổi khí hậu toàn cầu, với sự tham gia của hơn 120 nhà lãnh đạo các nước để chuẩn bị cho Hội nghị quốc tế về khí hậu vào tháng 12 tới tại Copenhagen (Ðan Mạch). Ðã có nhiều báo cáo về những hậu quả tai hại do sự biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra.

Dưới sự bảo trợ của LHQ, Nhóm làm việc về ảnh hưởng của khí hậu đối với kinh tế đã được thành lập nhằm đánh giá những thiệt hại của biến đổi khí hậu và đề xuất các biện pháp hạn chế thiệt hại. Nhóm này gồm các chuyên gia về khí hậu của LHQ, Công ty bảo hiểm Re của Thụy Sĩ, Công ty tư vấn quản lý McKinsey, Ủy ban châu Âu, Quỹ Rockefeller... Nhóm làm việc này đã nghiên cứu tại tám khu vực (gồm cả khu vực phát triển, giàu có và khu vực chậm phát triển, nghèo nàn trên thế giới) được coi là có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi hạn hán, bão, lụt và mực nước biển dâng cao, mà nguyên nhân chính là do sự biến đổi khí hậu gây ra. Ngày 14-9 vừa qua, Nhóm làm việc nói trên đã công bố bản báo cáo dài 147 trang nhan đề "Ðịnh hướng sự phát triển để thích ứng với khí hậu" cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước có nguy cơ cao bị thiên tai  do khí hậu biến đổi có thể giảm tới 20% vào năm 2030 nếu các chính phủ không có những biện pháp đối phó khẩn cấp. Báo cáo cho biết, tình trạng bão lụt ngày một tăng do biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại tới 33 tỷ USD/năm cho bang Florida (Mỹ) vào năm 2030 và nạn hạn hán nghiêm trọng, vốn xảy ra theo chu kỳ 25 năm/lần ở bang Maharashtra (Ấn Ðộ) nay có thể diễn ra tám năm một lần, gây thiệt hại lên tới hàng tỷ USD. Trước đó, một nghiên cứu của các chuyên gia cũng cảnh báo rằng sự biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại lớn gấp nhiều lần so với mức dự đoán của LHQ từ trước tới nay, với thiệt hại có thể từ 40 đến 170 tỷ USD. Báo cáo nêu rõ rằng, có nhiều biện pháp có thể dễ dàng thực hiện để hạn chế thiệt hại về kinh tế do tác động của sự biến đổi khí hậu, như cải tạo hệ thống thoát nước, đê chắn biển và đổi mới các quy định về xây dựng. Trong lời giới thiệu bản báo cáo, Ni-cô-la Xtơn, nhà kinh tế người Anh, một trong những tác giả của báo cáo, cho rằng, có quá ít biện pháp đã được thực hiện để ngăn chặn biến đổi khí hậu và hạn chế khí thải carbon, nguyên nhân chính dẫn đến sự biến đổi xấu của khí hậu.

 

Tổ chức nhân đạo Oxfam đã công bố báo cáo cảnh báo rằng, sự biến đổi của khí hậu Trái đất có thể cướp đi sinh mạng của ít nhất 4,5 triệu trẻ em trên thế giới nếu các nước công nghiệp phát triển không tăng thêm viện trợ giúp các nước nghèo trong cuộc chiến chống tình trạng ấm dần lên toàn cầu. Báo cáo cho rằng, Hội nghị tại Ðan Mạch sẽ không thành công, nếu các nước công nghiệp không thực hiện những cam kết hỗ trợ tài chính giúp các nước nghèo phát triển nền kinh tế thân thiện với môi trường và thích ứng với những thay đổi khắc nghiệt của khí hậu.

 

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 15-9 cho biết, các nước đang phát triển sẽ phải chịu từ 75 đến 80% thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra và các nước giàu có, những nước thải khí CO2 lớn nhất, phải có nghĩa vụ "đạo đức" đối với những thiệt hại này. Báo cáo kêu gọi các nước giàu có cần thực hiện ngay việc cắt giảm khí thải nhà kính để giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu gây nên đối với các nước đang phát triển. Theo báo cáo này, GDP của các nước ở châu Phi và Ðông Á sẽ thiệt hại từ 4 đến 5% nếu nhiệt độ Trái đất tăng 2 độ C. Ông R.Bi-ơ-bum, một trong những tác giả của bản báo cáo nêu rõ rằng, biến đổi khí hậu sẽ phá vỡ những mục tiêu làm giảm một nửa số người nghèo, đói vào năm 2015 vì nó ảnh hưởng xấu đối với nông nghiệp và giá lương thực. Báo cáo của WB dự tính, đến năm 2050 toàn thế giới cần nuôi sống hơn ba tỷ người vào lúc mà các nước phải đương đầu tình trạng khí hậu khắc nghiệt hơn, với nhiều cơn bão, nạn hạn hán và lũ lụt hơn. Các biện pháp làm giảm khí thải ở các nước đang phát triển tốn kém khoảng 400 tỷ USD/năm vào năm 2030. Hiện tại, số tiền làm giảm khí thải trung bình hằng năm là khoảng tám tỷ USD. WB cho rằng, không thể vin vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay để làm chậm trễ hành động giải quyết sự biến đổi khí hậu vì cuộc khủng hoảng khí hậu sắp tới sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới ngày càng lớn hơn.

 

Giáo sư G.Xách thuộc trường Ðại học Columbia (Mỹ), cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, đã kêu gọi các chính phủ trên thế giới thực hiện những biện pháp kiềm chế tốc độ gia tăng dân số và hợp tác chống biến đổi khí hậu nhằm ngăn chặn nguy cơ nhân loại rơi vào thảm họa. Ông nhấn mạnh, vấn đề biến đổi khí hậu không phải là vấn đề thương lượng buôn bán mà là vấn đề kinh tế - xã hội và khoa học mà nhân loại đang phải đối mặt.

 

IEA đề xuất các biện pháp giảm thải CO2

 

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đầu tháng 10  đã đưa ra báo cáo cho rằng, trong hai thập kỷ tới, thế giới cần đầu tư tới 10 nghìn tỷ USD để ứng phó tình trạng  biến đổi khí hậu toàn cầu. Số tiền khổng lồ này, nhiều hơn 37% so với ước tính của IEA cách đây một năm, chủ yếu đầu tư vào phát triển năng lượng sạch như năng lượng Mặt Trời, xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới và các nguồn năng lượng tái sinh khác để giảm sự nóng lên của Trái đất. IEA là cơ quan tư vấn năng lượng của những nước giàu nhất thế giới và các số liệu dự báo của IEA thường được coi là định hướng quan trọng cho ngành năng lượng thế giới.

 

IEA kêu gọi những nước giàu nhất thế giới và các nước thải nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính như Trung Quốc hành động quyết liệt hơn nữa để giảm lượng khí thải. Các chuyên gia của IEA nhấn mạnh, số tiền đầu tư tăng cao có thể lấy từ người tiêu dùng năng lượng ở các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Ðức... là những nước đang phải chi nhiều tiền hơn để đổ nhiên liệu cho các phương tiện giao thông của họ và đáp ứng nhu cầu thắp sáng. IEA kêu gọi thế giới giảm số lượng phương tiện vận tải sử dụng động cơ nhiên liệu hóa thạch từ mức 95% hiện nay xuống 40% vào năm 2030. Các phương tiện chạy bằng điện và phương tiện hy-brít (vừa chạy bằng điện vừa chạy bằng xăng, dầu) cần chiếm đa số trong các phương tiện mới sản xuất trong 20 năm tới.

(Theo QUỐC CƯỜNG // Báo Nhân dân điện tử)

  • Các vùng châu thổ trên thế giới đang chìm dần
  • Thế giới đa cực
  • Phản ứng trước vụ Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn
  • Báo chí Mỹ: Một giải thưởng 'quá sớm' cho ông Obama
  • Tegucigalpa không yên tĩnh
  • Tại sao quốc tế ủng hộ Zelaya?
  • Biến đổi khí hậu đánh mạnh vào nước nghèo
  • Các nước châu Á – Thái Bình Dương: Chung tay đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu