Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Obama với tham vọng "thay đổi toàn cầu"

Tổng thống Mỹ B.Obama

Hiếm có nguyên thủ quốc gia nào như ông Obama. Trở thành "nhân vật của năm 2008” do tạp chí Time bình chọn, đoạt giải Nobel Hòa bình ngay từ năm thứ nhất ở chức vụ Tổng thống Mỹ mặc dù đang là Tư lệnh quân đội của quốc gia đang tiến hành hai cuộc chiến tranh mất lòng dân ở nước ngoài. Có lẽ thật không quá khi cho rằng Barack Obama là hiện thân của khát vọng và những mâu thuẫn của nước Mỹ.

 BaraCk Obama lên cầm quyền vào thời điểm mà hình ảnh, vị thế và vai trò của nước Mỹ đối với thế giới đã bị hoen ố và suy giảm đáng kể sau 8 năm cầm quyền của người tiền nhiệm G.W.Bush. Trong bối cảnh nước Mỹ và thế giới lâm vào thời kỳ "đầy giông bão", sau khi trúng cử, Tổng thống Mỹ Obama đã có hàng loạt bài phát biểu kèm theo những hứa hẹn về sự thay đổi đường lối đối nội và đối ngoại, đồng thời khẳng định nước Mỹ "lại một lần nữa nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo thế giới".

Sau một năm chính thức cầm quyền của ông Obama, chính sách đối ngoại mới của nước Mỹ  đã rõ nét.

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, Mỹ thực hiện các chiến lược đối ngoại có tính toàn cầu. Chiến lược đối ngoại của Mỹ luôn gắn với chiến lược quân sự và an ninh quốc gia. Hầu hết các đời tổng thống Mỹ đều xây dựng và triển khai chiến lược của "triều đại" mình. Tổng thống Bill Clinton có chiến lược "can dự và mở rộng" và sau đó là "chiến lược an ninh quốc gia cho thế kỷ mới". Người tiền nhiệm của B.Obama là G.W.Bush với chiến lược "đánh đòn phủ đầu" nổi tiếng và cũng mang tai tiếng với các cuộc chiến tại  Afghanistan và Iraq mà đến nay nước Mỹ đang bị sa lầy.

Còn chiến lược đối ngoại của chính quyền Obama được gọi là gì?

Trong khi "chủ tướng" của Obama trên mặt trận ngoại giao, nữ Ngoại trưởng Hillary Clinton gọi chiến lược ngoại giao mới của Mỹ là chiến lược "Quyền lực khôn ngoan" (Smart Power) thì ông chủ mới của Nhà Trắng chưa một lần công khai nói đến thuật ngữ "Quyền lực khôn ngoan". Tại nhiều diễn đàn quan trọng, khi phát biểu về đường lối đối ngoại của Mỹ trong thời kỳ mới, Obama đã dần dần bộc lộ khái niệm chủ yếu của chiến lược đó là "đối thoại và can dự".

Phải chăng đã có sự mâu thuẫn giữa Obama và Hillary Clinton?

Hoàn toàn không. Đó chỉ là hai cách thể hiện của một chiến lược. Bà Clinton áp dụng một học thuyết cùng tên "Quyền lực khôn ngoan" của một nhóm học giả vốn là các chính khách hoạch định chiến lược an ninh - quốc phòng Mỹ đưa ra. Còn tân Tổng thống Mỹ dường như muốn có một cái tên từ ý tưởng của riêng mình mà không muốn bị coi là "giáo điều" như các chính khách phe bảo thủ Mỹ (phần lớn là từ đảng Cộng hòa đối lập) khuyến cáo. Nhưng về nội hàm và bản chất của chính sách đối ngoại Mỹ mà Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton nói đến cũng chỉ gần giống nhau.

Ê kíp lãnh đạo Đối ngoại - An ninh Mỹ thời Obama.

Học thuyết "Quyền lực khôn ngoan" được Trung tâm  Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies - CSIS) của Mỹ đề xướng. Tác giả chính của học thuyết này là hai nhà nghiên cứu và cũng là cựu quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ trước đây. Đó là Richard L. Armitage, Chủ tịch Tổ chức nghiên cứu quốc tế mang tên ông ta. Armitage là cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách về chính sách an ninh quốc tế từ năm 1983 đến 1989. Đồng tác giả của chiến lược "Quyền lực khôn ngoan" là  Joseph S. Nye, Jr, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách an ninh quốc tế thời Tổng thống Bill Clinton, hiện là Giáo sư Đại học Harvard.

Nye cũng được coi là cha đẻ của học thuyết "quyền lực mềm" khá nổi tiếng, được các chính khách nghiên cứu. Theo J.S. Nye, "quyền lực khôn ngoan" là bao gồm cả "quyền lực cứng" và "quyền lực mềm" và là sự kết hợp một cách hoàn hảo cả hai. “Quyền lực khôn ngoan”  là sự phát triển của chiến lược tổng hợp, các nguồn lực cơ bản và các công cụ để đạt được những mục tiêu của Mỹ. Nó là một cách tiếp cận mới, trong đó nhấn mạnh đến sự cần thiết của nền quân sự mạnh, nhưng cũng đầu tư nhiều vào các liên minh, quan hệ đối tác và các tổ chức nhằm mở rộng ảnh hưởng của Mỹ và thiết lập cơ sở pháp lý cho các hành động của Mỹ

Theo chiến lược này, đặc biệt, Mỹ cần tập trung 5 lĩnh vực quan trọng:

- Các đồng minh, các quan hệ đối tác và các tổ chức: Mỹ cần phải lấy lại sinh khí mới với các đồng minh, các quan hệ đối tác và các tổ chức để phục vụ lợi ích và giúp đỡ Mỹ trong việc đối mặt với những thách thức của thế kỷ XXI;

- Phát triển toàn cầu: Nâng cao vai trò của sự phát triển trong chính sách của Mỹ đáp ứng những lợi ích của Mỹ và nhân dân trên toàn thế giới.

- Ngoại giao công chúng: Tăng cường ngoại giao công chúng, xây dựng quan hệ lâu dài giữa người và người, đặc biệt là giới trẻ. 

- Hội nhập kinh tế: Tiếp tục cam kết với nền kinh tế toàn cầu là cần thiết cho sự phát triển và thịnh vượng, nhưng lợi ích của tự do thương mại phải được mở rộng, bao gồm trong nước và ở nước ngoài.

- Công nghệ và sự đổi mới: An ninh năng lượng và sự biến đổi khí hậu đòi hỏi lãnh đạo Mỹ phải thiết lập được sự đồng thuận toàn cầu và các giải pháp đổi mới.

Nhìn nhận một cách khách quan thì, vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ đã có một sự khởi đầu khá ấn tượng và có những tuyên bố hoặc quyết định thay đổi ngoạn mục về chính sách ngoại giao trong giai đoạn một của chính sách đối ngoại. Barack Obama đã tạo ra được những "dấu ấn" ban đầu trong lĩnh vực đối ngoại như:

- Đặt năm 2011 là thời hạn chót chấm dứt sự can dự của Mỹ trong cuộc chiến ở Iraq; cam kết rút quân Mỹ từ tháng 7/2011 sau khi quyết định tăng quân; ra lệnh trong vòng 12 tháng đóng cửa nhà tù Guantanamo (Cuba), phản đối các hình thức tra tấn, thẩm vấn vô nhân đạo với tù nhân bị giam giữ ở đây.

- Thúc đẩy hòa bình Trung Đông theo hướng cân bằng, thành lập hai nhà nước Israel và Palestine, mở rộng quan hệ với cả Syria, Lybia.

- Thừa nhận cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay bắt đầu từ nước Mỹ và muốn tăng cường hợp tác với nhiều nước nhằm giải cứu nền kinh tế của Mỹ và toàn cầu khỏi cuộc khủng hoảng. Tích cực tham gia G-20 và có những thỏa hiệp cần thiết nhằm tạo được không khí hợp tác với các nước mới nổi lên và các nước phát triển trên thế giới;

- Tôn trọng châu Âu và quyết định "trở lại châu Á" sau gần một thập niên sao nhãng thời G.W. Bush;  “cài đặt” lại quan hệ với Nga,  hướng tới thay đổi chính sách hạt nhân mới; tỏ ra sẵn sàng đối thoại với Iran về vấn đề hạt nhân và thay đổi mối quan hệ trắc trở từ hơn 20 năm nay giữa hai nước; chấp nhận đàm phán trực tiếp với CHDCND Triều Tiên về vấn đề hạt nhân tuy vẫn nói là hướng tới nối lại cuộc đàm phán 6 bên; thừa nhận sự thất bại trong chính sách đối với khu vực Mỹ Latinh của chính quyền Bush, bắt tay và tỏ ra thân thiện với các chính quyền cánh tả nhằm tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trước sự gia tăng quan hệ của Nga, Trung Quốc... ở vùng này.

- Bắt tay với thế giới Hồi giáo, nhiều lần tuyên bố nước Mỹ không phải không mắc sai lầm và không phải là kẻ thù của họ sẵn sàng đối thoại với một số chính thể Hồi giáo có quan điểm chống Mỹ, kể cả với lực lượng cực đoan Taliban.

- Có sự chuyển hướng quan trọng mang tính bước ngoặt trong chính sách môi trường khi coi trọng nghiên cứu và sử dụng năng lượng tái tạo để giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Dường như "học thuyết" của Obama đang hình thành trong quá trình triển khai chiến lược đối ngoại mới. Tính chất thực dụng của đường lối đối ngoại mới của Mỹ đã được thể hiện. Sự tự tin vào sức mạnh Mỹ và quyết tâm thay đổi đường lối đối ngoại gây rắc rối, hiếu chiến của chính quyền Bush, thay vào đó là tăng cường đối thoại với thế giới trên nhiều bình diện, nhân tố "can dự" nổi lên khá rõ nét trong học thuyết của Obama đang cố xây dựng. Obama cũng đã tạo ra phong cách và sự tiếp cận mới trên lĩnh vực đối ngoại, có vẻ mềm dẻo hơn, chịu lắng nghe đối tác hơn, không áp đặt thô bạo trong quan hệ với các nước. Không như G.W. Bush, Obama là một người theo chủ nghĩa đa phương trong quan hệ quốc tế.

Nhưng kết quả thực tế của chính sách đối ngoại mới của chính quyền Obama cũng còn khiêm tốn và còn không ít vấn đề. Những kết quả mà Obama đạt được trong một năm qua chưa thể minh chứng cho "thành tích" của ông trên các mặt trận.

Sau hơn 8 năm tiến hành cuộc chiến tranh ở Afghanistan và 6 năm chiếm đóng ở Iraq, Mỹ đã không tiêu diệt được lực lượng Taliban và đang sa lầy tại cả hai chiến trường này. Những khuất tất trong cuộc bầu cử tổng thống ở Afghanistan trong tháng 8/2009 ảnh hưởng xấu tới chiến lược của Mỹ. Washington đang đứng trước những bài toán nan giải và phải tăng cường lực lượng, kể cả CIA vào chiến trường này. Mặc dù thực hiện nhiều động tác thúc đẩy hòa bình Trung Đông, nhưng đến nay Mỹ chưa đạt được những kết quả cụ thể nào.

Thế giới Hồi giáo đang bị vỡ mộng. Mỹ còn lúng túng trong vấn đề tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Chủ trương đối thoại với Iran vẫn chưa tạo được sự tin tưởng cho Tehran. Sự thay đổi chiến lược trong quan hệ Mỹ - Trung vẫn nhạt nhòa và Washington không còn ở thế mạnh. Những động thái can thiệp sâu hơn ở các nước thuộc Liên Xô trước đây như Gruzia, Ukraina làm cho Nga càng cảnh giác hơn. Việc đóng cửa nhà tù Guantanamo không được thực hiện như Obama đã hứa. Washington vẫn còn một bộ phận bảo thủ và lạc điệu trong vấn đề "dân chủ, nhân quyền" và "chống khủng bố"...

Những điều chỉnh, thay đổi phương cách hay là sự tiếp cận mới của Obama và ê kíp đối ngoại mới của Mỹ tạo ra được phong cách mới và mang lại nhiều thay đổi màu sắc của chính sách đối ngoại Mỹ. Tuy nhiên, sự bất nhất giữa lời nói và việc làm hoặc là sự bất lực của chính quyền Obama trong nhiều vấn đề quốc tế làm cho thế giới có quyền nghi ngờ về sự thay đổi thực chất trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Mặt khác, có thể nhận thấy rằng, nước Mỹ thời Obama có sự thay đổi nhất định nhưng không thay đổi mục tiêu của một "siêu cường" đang muốn tìm lại vị thế đã bị suy yếu. Chính quyền Obama đang bước vào giai đoạn phức tạp hơn, có những thách thức lớn hơn trên bình diện đối ngoại.

Trên thực tế, việc thực hiện những mục tiêu toàn cầu của Mỹ là không dễ dàng, dù Obama đã cố tỏ ra có thiện chí và uyển chuyển trong ứng xử. Chính Obama đã thừa nhận thực tế buồn bã: "Thế giới thực này không quá dựa vào lý trí theo lý thuyết"

(Theo Nguyễn Khắc Đức // Báo Công an nhân dân Online)

  • Scotland liệu có tuyên bố độc lập khỏi Liên hiệp Anh?
  • Bê bối xung quanh chuyện phu nhân Thủ tướng Nétanyahu
  • Đối đầu ngoại giao Thụy Sĩ - Libya bị quốc tế hóa
  • Thống đốc bang New York: Chiếc ghế bị nguyền rủa
  • Nhật Bản: Số phận căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Okinawa
  • Bí mật “hậu trường” của hoàng gia Thái Lan
  • Cuộc “báo thù” chính trị của Sarah Palin
  • Anh: Vì sao Công đảng mạnh tay “xử” 3 cựu Bộ trưởng?