Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Scotland liệu có tuyên bố độc lập khỏi Liên hiệp Anh?

Giấc mơ độc lập của Thủ tướng Salmond liệu có trở thành hiện thực?

Trong năm 2010 này, Chính phủ Scotland nhiều khả năng sẽ chính thức đưa vấn đề độc lập của mình ra bàn bạc, cho dù ngày tháng của cuộc trưng cầu dân ý vẫn chưa được tuyên bố. Nhưng theo các nhà quan sát, cuộc trưng cầu dân ý về tương lai chính trị của Scotland rất có thể được tổ chức vào mùa xuân này, đúng vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội tại khắp nước Anh. Giấc mơ độc lập của giới lãnh đạo Scotland liệu có trở thành hiện thực?...

 Scotland luôn có một vị trí đặc biệt trên bản đồ chính trị của Anh. Xứ sở này được coi là một "hậu phương vững chắc" của Công đảng, khi phe này luôn giành được ưu thế tuyệt đối trong các cuộc bầu cử. Ngay cả những chính trị gia nổi tiếng của đảng Bảo thủ như Winston Churchill hay Margaret Thatcher cũng từng thất bại tại đây. Hai Thủ tướng Anh thuộc phe Công đảng gần đây nhất - Tony Blair và Gordon Brown - cũng là người Scotland.

Nhưng một bước ngoặt đáng chú ý tại Scotland đã diễn ra vào năm 2007, khi đảng Dân tộc Scotland (SNP) bất ngờ giành chiến thắng sít sao trước Công đảng trong cuộc bầu cử Quốc hội (31% so với 29%, đảng Bảo thủ chỉ nhận được 14% số phiếu). Kết quả này đồng nghĩa với việc thủ lĩnh Alex Salmond của SNP trở thành Thủ tướng Scotland - người trong chiến dịch tranh cử đã từng tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập cho Scotland vào năm 2010.

Ngay trong năm 2009, Salmond đã không ít lần nhắc tới kế hoạch trên. "Tôi mong muốn Scotland có được tất cả những trách nhiệm và khả năng như các quốc gia tương tự khác - Phát biểu của Thủ tướng Alex Salmond vào ngày 3/9/2009 - Cho tới bây giờ, chúng tôi vẫn không thể sở hữu được tất cả những đòn bẩy về kinh tế và tài chính như các chính phủ khác trên thế giới, khiến Scotland luôn phải trong tình thế bất lợi".

Ngày 30/11/2009, chính phủ của Salmond cho công bố một cuốn sách trắng, trong đó trình bày chi tiết các điều kiện liên quan đến việc trưng cầu dân ý. Cụ thể trong đó có đưa ra 3 phương án cho tương lai của Scotland: vẫn duy trì mức độ tự trị hạn chế như hiện nay (độc lập với London trong việc giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực y tế, giáo dục và tư pháp), mở rộng hơn nữa quyền tự trị hay là độc lập hoàn toàn.

Bản thân Salmond cho thấy sự chọn lựa của mình nghiêng về phương án cuối cùng. "Đã đến lúc người dân phải đưa ra tiếng nói của mình về tương lai Scotland" - người đứng đầu chính phủ tuyên bố. Cũng theo lời ông này, Scotland cần phải hoàn toàn được độc lập để có thể huy động được toàn bộ tiềm năng kinh tế của mình - trước tiên là tiền thu được từ khai thác dầu và du lịch phải được giữ lại hoàn toàn trong ngân sách quốc gia. 

Vấn đề công luận quan tâm hiện nay là: Liệu Thủ tướng Scotland có thể biến giấc mơ của mình trở thành hiện thực, ngay cả khi một cuộc trưng cầu dân ý thực sự diễn ra? Đây quả thực là một câu hỏi khó nếu biết rằng, bản thân công luận Scotland cũng đang có những chia rẽ sâu sắc về vấn đề trên, trong bối cảnh cán cân vẫn chưa thể khẳng định sẽ nghiêng về phía nào. Có thể thấy rõ điều này qua kết quả những cuộc thăm dò dư luận vài năm gần đây.

Vào năm 2007, có tới 45% người Scotland mong muốn tách khỏi Anh vô điều kiện, chưa kể thêm 18% ủng hộ ý tưởng trên với một vài điều kiện khác. Đến cuối năm 2009, bức tranh toàn cảnh đã hoàn toàn khác hẳn - chỉ có 30% mong muốn "đoạn tuyệt" với London, tương tự như chỉ số hồi những năm đầu thế kỷ XXI.

Theo đánh giá, nguyên nhân của bước chuyển hướng đột ngột trong quan điểm của người dân có thể bắt nguồn từ những phát biểu của ông Gordon Brown (là người Scotland) ngay khi vừa lên nắm cương vị Thủ tướng Anh vào năm 2007: "Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép những phần tử dân tộc chủ nghĩa làm quẫn trí mọi người bằng những âm mưu chia cắt nước Anh". Dù thế nào trong con mắt người dân Scotland, Gordon Brown vẫn là người đồng hương, và uy tín của ông tại quê nhà vẫn giữ được tỉ lệ cao.

Còn một lý giải hoàn toàn hợp lý khác: sự gia tăng tinh thần dân tộc chủ nghĩa tại Scotland một phần là từ phản ứng của người dân đối với cuộc chiến vô nghĩa tại Iraq. Nhưng giờ đây, khi Anh đang rút quân đội của mình ra khỏi đây, vấn đề này đang mất dần tính cấp thiết.

Ngoài ra cử tri cũng hiểu rằng, phe dân tộc chủ nghĩa chỉ đang nắm được hơn 1/3 số ghế tại Nghị viện địa phương, đồng nghĩa với việc một quyết định độc lập sẽ khó có thể được thông qua tại cơ quan lập pháp này.

Xét về khía cạnh khác thì công bằng mà nói, Scotland đang hội tụ đủ những điều kiện của một quốc gia độc lập hơn bất kỳ một vùng lãnh thổ đang có xu hướng ly khai nào tại châu Âu. Họ có đồng bảng riêng song hành với đồng bảng Anh, được chấp nhận chi trả tại nhiều khu vực khác nhau của Vương quốc Anh. Về thể thao, họ có một đội tuyển bóng đá, một Liên đoàn bóng đá riêng là thành viên của cả FIFA và UEFA.

Về kinh tế, Scotland cũng được xếp vào hàng ngũ "khá giả". Thềm lục địa của họ đang là một công trường khai thác dầu khí cỡ lớn của Anh. Bên cạnh đó, Scotland còn có nhiều lĩnh vực kinh tế phát triển khác như công nghiệp điện tử, sản xuất rượu wishky, đánh bắt thủy sản v.v... Những chiếc hồ nổi tiếng tuyệt đẹp cùng những bộ váy dành cho đàn ông đặc sắc của Scotland vẫn đang thu hút rất nhiều khách du lịch tới đây từ khắp nơi trên thế giới, kèm theo đó là những khoản doanh thu rất lớn.

Vào thời điểm hiện nay, những người ủng hộ cũng như chống đối tiến trình độc lập của Scotland đều có những luận điểm có tính thuyết phục riêng của mình. Trong bối cảnh cán cân lực lượng của giữa hai bên ủng hộ và chống đối vẫn chưa thể rõ ràng, cuộc trưng cầu dân ý do Chính phủ Scotland chuẩn bị tổ chức trong năm nay sẽ đóng vai trò quyết định.

Ước mơ của chính phủ Alex Salmond liệu có trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào kết quả cuộc trưng cầu dân ý này, cũng như động thái phản ứng từ phía chính quyền trung ương

(Theo Đinh Linh // Báo Công an nhân dân Online)

  • Obama với tham vọng "thay đổi toàn cầu"
  • Bê bối xung quanh chuyện phu nhân Thủ tướng Nétanyahu
  • Đối đầu ngoại giao Thụy Sĩ - Libya bị quốc tế hóa
  • Thống đốc bang New York: Chiếc ghế bị nguyền rủa
  • Nhật Bản: Số phận căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Okinawa
  • Bí mật “hậu trường” của hoàng gia Thái Lan
  • Cuộc “báo thù” chính trị của Sarah Palin
  • Anh: Vì sao Công đảng mạnh tay “xử” 3 cựu Bộ trưởng?