Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thảm kịch của không lực Anh tại chiến trường Triều Tiên

Trong con mắt nhiều người, Chiến tranh Triều Tiên được nhìn nhận là cuộc đấu giữa quân đội hai nước: Mỹ và Trung Quốc. Rất ít người biết về sự có mặt của không lực Anh trong cuộc chiến này. Gần đây, Bộ Quốc phòng Anh mới tiết lộ hồ sơ về việc không quân Anh tham chiến trên bán đảo Triều Tiên và thảm kịch mà nó phải hứng chịu.

 

Bắn nhầm B-29 của Mỹ

 

Những chiếc Lửa biển của Anh trong chiến tranh Triều Tiên.

Năm 1950, khi Mỹ can dự vào chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, nước Anh chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cho tình huống này. Tháng 9-1950, hai tàu sân bay của Anh: Thắng lợi và Hoàng tử A-ten đã tham gia vào chiến dịch đổ bộ lên khu vực cảng In-chơn. Sự cố đã xảy ra khiến nhiều binh lính Anh thiệt mạng. Nguy hiểm hơn là đội quân đa quốc gia dưới sự dẫn dắt của Mỹ thiếu sự chỉ huy thống nhất, nên "quân ta" đã đánh "quân mình".

 

Ngày 28-9-1950, khi tàu sân bay Thắng lợi của Anh tới gần bờ biển phía Đông của Bắc Triều Tiên, hệ thống ra-đa trên tàu bắt được tín hiệu máy bay lạ. Một tốp tiêm kích Lửa biển của Anh được lệnh bay lên đánh chặn. Cách mục tiêu khoảng 1km, các máy bay tiêm kích Anh đã nhận ngay đòn dằn mặt từ phía máy bay hộ tống của đối phương. Một trận hỗn chiến trên không đã xảy ra. Mục tiêu của không lực Anh dính đạn và bốc cháy. Phía Anh vây bắt được mấy viên phi công "địch" đang lóp ngóp dưới nước. Và rồi tất cả ngớ người ra vì những viên phi công vừa bị tóm là người Mỹ. Thì ra mục tiêu của không lực Anh là các máy bay của đại đội máy bay ném bom B-29 số 22 của không quân Mỹ.

 

Bị Mig truy đuổi

 

Đầu năm 1951, Chí nguyện quân Trung Quốc đã đẩy đội quân do Mỹ đứng đầu về phía nam vĩ tuyến 38. Do ở mặt đất, hai bên bước vào thế giằng co, nên trọng điểm của cuộc đấu được chuyển lên không trung. Lúc đó, Lầu Năm Góc phải dành lực lượng chủ chốt để đối phó với mối đe dọa của không quân Liên Xô ở Tây Âu, nên họ hy vọng các đồng minh, đặc biệt là Anh phát huy vai trò nhiều hơn nữa trong các cuộc không chiến trên bầu trời bán đảo Triều Tiên.

 

Tháng 3-1951, Không quân Hoàng gia Anh đã điều 3 trung đội: 88, 205 và 209 từ Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po (lúc này vẫn là thuộc địa của Anh) tới tham chiến ở bán đảo Triều Tiên. Nhằm tránh phải ra tuyến đầu, người Anh chỉ gửi đến đây những chiếc thủy phi cơ Sun-dơ-len cổ lỗ, chỉ có thể làm nhiệm vụ trinh sát, quét ngư lôi… trên biển.

 

Ngày 15-4-1951, một chiếc Sun-đơ-len đang làm nhiệm vụ ở bờ biển phía Tây bán đảo, đã rơi vào lưới lửa của tàu chiến Bắc Triều Tiên, viên phi công Anh phải tháo chạy. Nhưng hệ thống liên lạc bị hỏng, không có thiết bị dẫn đường, chiếc Sun-đơ-len như bay trong vô định trên biển Hoàng Hải. Phát hiện mục tiêu, không quân Trung Quốc liền điều động một chiếc Mig-15 đánh chặn. Khi phát hiện có máy bay tiêm kích của đối phương trên đầu, viên phi công Anh vội bẻ lái cho chiếc Sun-đơ-len tháo chạy, nhưng nó cũng chỉ lê được tới gần sân bay Ghim-pô thuộc địa phận của miền nam bán đảo Triều Tiên thì rơi. Mười bốn người trên máy bay chỉ còn 2 người sống sót.

 

Huyết chiến ở đồi Tam giác

 

Năm 1953, một trận quyết chiến đã diễn ra ở đồi Tam giác thuộc khu vực miền Trung bán đảo Triều Tiên giữa quân "đồng minh" và quân đội Bắc Triều Tiên. Quân Anh đã tìm mọi cách từ chối tham gia tác chiến mặt đất, nhưng đồng ý điều thêm trung đội liên lạc đường không 1913 chi viện quân Mỹ. Trung đội này gồm 6 chiếc máy bay trinh sát, chuyên phát hiện vị trí trận địa pháo, kho hậu cần của đối phương để gọi pháo binh Mỹ tấn công. Mỗi ngày, trung đội 1913 xuất kích 7 lượt chiếc. Nhưng do khả năng phòng vệ kém, nên tỉ lệ tổn thất của trung đội 1913 rất cao. 4/6 máy bay của 1913 bị bắn hạ, một chiếc đâm vào núi. Trung đội này đã gần như bị xóa sổ: phi công hy sinh gần hết, máy bay chỉ còn 1 chiếc bị thương vì dính đạn.

 

Do đó, khi hiệp định đình chiến được ký kết (năm 1953), người Anh bất chấp thái độ của Mỹ đã triệt thoái ngay lực lượng khỏi bán đảo này. 

 


(Theo Thành Nam tổng hợp/HNM)

  • Nữ điệp viên siêu hạng
  • “Quái vật” biển Cát-xpi
  • Chính trường Cư-rơ-gư-xtan:Nguy cơ bất ổn
  • Chính phủ tiếm quyền Honduras chịu thêm sức ép
  • Bí mật kế hoạch WS-125A
  • “Thủy quái” yểu mệnh
  • Tổng thống bị phế truất của Ôn-đu-rát M.Dê-lay-a: Đường về gian nan
  • Honduras tìm giải pháp cho khủng hoảng chính trị