Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vê-nê-xu-ê-la "đóng băng" quan hệ với Cô-lôm-bi-a:Vết rạn mới

Tổng thống Cha-vết chỉ vào bản đồ đường biên giới giữa Vê-nê-xu-ê-la và Cô-lôm-bi-a trong cuộc họp tại dinh tổng thống ngày 28-7.

Quan hệ giữa hai nước láng giềng Vê-nê-xu-ê-la và Cô-lôm-bi-a vừa rơi vào tình trạng căng thẳng khi Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vết (ngày 28-7) quyết định đình chỉ các quan hệ với "người hàng xóm", rút đại sứ cùng toàn bộ các nhân viên ngoại giao về nước, sau khi Bô-gô-ta cáo buộc Ca-ra-cát có liên quan tới Lực lượng vũ trang cách mạng Cô-lôm-bi-a (FARC) - tổ chức vũ trang lớn nhất và lâu năm nhất tại Cô-lôm-bi-a.

 

Căng thẳng giữa hai nước đã bất ngờ gia tăng trong mấy tuần qua, nhất là liên quan đến tuyên bố của Cô-lôm-bi-a tán thành một thỏa thuận mới cho phép Mỹ sử dụng 3 căn cứ quân sự để tiến hành các chiến dịch chống buôn lậu thuốc phiện. Theo đó, Mỹ được phép sử dụng 3 căn cứ quân sự là Pa-lan-quê-rô, A-pi-ây và Ba-ran-qui-la để hỗ trợ các hoạt động chống ma túy tại Nam Mỹ. Thỏa thuận mới sẽ cho phép Oa-sinh-tơn đồn trú tới 800 quân nhân và 600 nhân viên hợp đồng tại Cô-lôm-bi-a.

 

Ngay sau khi Cô-lôm-bi-a tuyên bố về thỏa thuận trên (vào trung tuần tháng 7), cùng với việc hai nước sẽ tăng cường các chuyến thăm của tàu chiến Mỹ tới các hải cảng Ma-la-ga (Thái Bình Dương) và Các-ta-gê-na (Ca-ri-bê) của Cô-lôm-bi-a, Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U.Cha-vết đã lên tiếng phản đối thỏa thuận này và cho rằng, Mỹ có "kế hoạch xâm lược" Vê-nê-xu-ê-la từ Cô-lôm-bi-a; đồng thời tuyên bố sẽ xem xét lại quan hệ với Bô-gô-ta.

 

Mâu thuẫn càng dâng cao khi đầu tuần này, Bô-gô-ta thông báo đã thu giữ tại một căn cứ của FARC nhiều vũ khí do Thụy Điển sản xuất đã bán cho Vê-nê-xu-ê-la.

 

Phó Tổng thống Cô-lôm-bi-a Phran-xi-xcô Xan-tốt cho biết, đã thông báo cho Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la về vấn đề này từ hai tháng trước nhưng vẫn chưa nhận được trả lời chính thức. Phía Thụy Điển cũng xác nhận số vũ khí mà Bô-gô-ta đề cập ở trên là do một công ty nước này sản xuất, nhưng được bán cho Vê-nê-xu-ê-la từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều năm trước khi Tổng thống Cha-vết lên cầm quyền.

 

 Lâu nay, nhiều quan chức Cô-lôm-bi-a khẳng định rằng, Chính phủ của Tổng thống Cha-vết  đã trợ giúp FARC. Tuy nhiên, Tổng thống U.Cha-vết đã không ít lần tuyên bố cáo buộc của Cô-lôm-bi-a là không có căn cứ và là "một sự bóp méo sự thật trắng trợn". Theo ông U.Cha-vết, FARC có được vũ khí từ nhiều nước như Mỹ, Nga và I-xra-en... nhưng Cô-lôm-bi-a lại "chọn" Vê-nê-xu-ê-la để đổ lỗi.

 

Trên thực tế,  kể từ khi lên nắm quyền năm 2002, Tổng thống Cô-lôm-bi-a An-va-rô U-ri-bê, cựu luật sư từng tốt nghiệp Đại học Ha-vớt và Ô-xpho danh tiếng, luôn duy trì chính sách cứng rắn với FARC. Ông A.U-ri-bê  cũng thiết lập quan hệ gần gũi với Mỹ và Oa-sinh-tơn đã tài trợ cho Cô-lôm-bi-a hàng tỉ USD để đối phó với FARC. Trong khi đó, nhà lãnh đạo cánh tả U.Cha-vết đang nỗ lực hướng Mỹ La-tinh thoát khỏi ảnh hưởng của Oa-sinh-tơn. Tổng thống U.Cha-vết đang tiến hành hòa giải với FARC để giải cứu các con tin đang nằm trong tay nhóm này và đến nay sáng kiến đó đã góp phần trả tự do cho 6 con tin. Tuy nhiên, ông A.U-ri-bê lại xem đây là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Cô-lôm-bi-a, dùng hòa giải để trao cho FARC vai trò chính trị lớn hơn...

 

Dư luận Nam Mỹ quan ngại, việc Ca-ra-cát cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bô-gô-ta sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Và quan hệ giữa Cô-lôm-bi-a và Vê-nê-xu-ê-la khó có thể yên ấm chừng nào bất đồng giữa hai nước chưa được giải quyết thỏa đáng. Xem ra đây là bài toán khó giải giữa hai quốc gia láng giềng Nam Mỹ khi cuộc khủng hoảng kinh tế và chủng cúm A/H1N1 đang hung hãn càn lướt trong khu vực.

 


(Theo Thùy Dương/HNM)

  • Bom xe tại bắc Tây Ban Nha
  • Nữ điệp viên siêu hạng
  • Thảm kịch của không lực Anh tại chiến trường Triều Tiên
  • “Quái vật” biển Cát-xpi
  • Chính trường Cư-rơ-gư-xtan:Nguy cơ bất ổn
  • Chính phủ tiếm quyền Honduras chịu thêm sức ép
  • Bí mật kế hoạch WS-125A
  • “Thủy quái” yểu mệnh