Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 24-9 đã chủ trì cuộc họp thượng đỉnh chưa từng có của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) nhằm tập hợp sự ủng hộ của thế giới trong vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân và tiến tới giải trừ hạt nhân. Trong lịch sử 64 năm của LHQ, đây là phiên họp đầu tiên của HĐBA ở cấp nguyên thủ quốc gia bàn riêng vấn đề không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân.

Giải trừ vũ khí hạt nhân: một chương mới

Hội nghị thượng đỉnh của HĐBA LHQ ngày 24-9 là một cuộc họp lịch sử về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân. Đây là lần thứ 5 HĐBA tiến hành cuộc họp ở cấp nguyên thủ quốc gia và là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ chủ trì cuộc họp của ủy ban gồm 15 nước thành viên này. Tại hội nghị lần này, 15 nhà lãnh đạo cao nhất của HĐBA đã nhất trí thông qua nghị quyết do Mỹ soạn thảo nhan đề “Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân”.

Tại hội nghị này Nga đã gây chú ý khi đề nghị giảm chưa từng thấy kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga và Mỹ. Nga khẳng định tiếp tục giảm vũ khí hạt nhân của mình trước hạn định và tất cả vũ khí hạt nhân của Nga đều được bảo vệ an toàn đáng tin cậy trên lãnh thổ Nga.

Phát biểu tại HĐBA LHQ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định Việt Nam hoàn toàn ủng hộ các mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc cũng cho rằng loại trừ mối đe dọa vũ khí hạt nhân có tầm quan trọng sống còn và thực sự cần thiết để tiến tới một thế giới an toàn. Trung Quốc ủng hộ các biện pháp như từ bỏ chính sách răn đe hạt nhân trên cơ sở tấn công phủ đầu và thực hiện các bước để giảm mối đe dọa hạt nhân.

Tuy nhiên, Ấn Độ đã có phản ứng đầu tiên đối với hội nghị khi tuyên bố không ký Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT). Ấn Độ cho rằng các tiêu chuẩn của hiệp ước trái với lợi ích quốc gia và vi phạm chủ quyền của Ấn Độ. Đại diện thường trực của Ấn Độ tại LHQ Hardeep Singh Puri tuyên bố Ấn Độ không chấp nhận những yêu cầu về sự ứng dụng rộng rãi của hiệp ước này.

Trong khi đó, Iran đã gây ra một sự chỉ trích mới khi công bố sở hữu nhà máy làm giàu urani thứ hai của nước này nằm gần thành phố thiêng Qom, cách thủ đô Tehran khoảng 160km về phía Tây Nam bao gồm 3.000 máy ly tâm có thể sẽ hoạt động từ năm tới.

Brazil cũng gây sửng sốt khi Phó Tổng thống Jose Alencar tuyên bố Brazil cần phát triển vũ khí hạt nhân để bảo vệ đường biên giới trên bộ và vùng lãnh hải của nước này.

Động thái thông qua nghị quyết kêu gọi Israel tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và cho phép Cơ quan Năng lượng nguyên tử LHQ (IAEA) giám sát toàn bộ chương trình hạt nhân của nước này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của các quan chức Israel. Đại biểu David Daniel của Israel cho rằng “nghị quyết này chỉ làm tăng thêm sự thù địch và càng gây thêm sự chia rẽ ở khu vực Trung Đông”.

Tham vọng hạt nhân

Vũ khí hạt nhân đã đi được một chặng đường 64 năm từ khi Mỹ chế tạo thành công 3 quả bom nguyên tử đầu tiên mang tên “Đồ chơi”, “Bé trai” và “Thằng béo” năm 1945 với chi phí hơn 2 tỷ USD. Cùng thời gian, lần đầu tiên thế giới chứng kiến sự hủy diệt khủng khiếp của vũ khí hạt nhân khi 2 quả bom “Bé trai” và “Thằng béo” thả xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.

Trong số 245.000 người Hiroshima có tới 200.000 người chết và bị thương, các công trình xây dựng của thành phố đều bị sụp đổ hoặc thiêu rụi. 150.000 trong tổng số 230.000 dân thành phố Nagasaki chết, bị thương và mất tích, mức độ hủy diệt của thành phố lên tới 60% - 70%. Hai quả bom hủy diệt sức sống của 2 thành phố và là nỗi đau, ám ảnh cho nhân loại cho đến tận bây giờ.

Một cuộc chạy đua hạt nhân bắt đầu bất chấp sức hủy diệt của nó. Liên Xô năm 1949, Anh 1952, Pháp 1960, Trung Quốc 1964, tiếp bước Mỹ sản xuất bom hạt nhân. Israel trở thành quốc gia thứ 6 có vũ khí hạt nhân.

Tháng 5-1998, 5 vụ thử hạt nhân được Ấn Độ thực hiện ở Pokharan; sau đó ba tuần là 6 vụ nổ hạt nhân do Pakistan thử ở vùng Tây Nam Chaghai. Vũ khí hạt nhân Pakistan ra đời với một mục tiêu duy nhất là bảo vệ đất nước này khỏi mối đe dọa Ấn Độ. Thủ tướng Pakistan Zulfikar Ali Bhutto đã nói “dù người Pakistan phải ăn cỏ và lá cây hoặc nhịn đói” nhưng Pakistan phải có bom nguyên tử.
Iran, CHDCND Triều Tiên cũng đã ghi tên vào danh sách những nước có vũ khí hạt nhân….

Cho đến nay đã có tất cả 44 nước có vũ khí hoặc có công nghệ vũ khí hạt nhân.  

Những bất hợp lý

Có những điều được cho là bất hợp lý và không công bằng trong chính sách “đối đãi” của các cường quốc hạt nhân truyền thống với những nước đang có kế hoạch phát triển hạt nhân.

Mỹ và các nước phương Tây trong khi lên án mạnh mẽ, đồng thời kêu gọi những biện phápï trừng phạt đối với các nước như CHDCND Triều Tiên, Iran (cho dù Iran một mực khẳng định họ phát triển hạt nhân vì mục đích nhân đạo), thì Mỹ lại có sự hợp tác hạt nhân với Ấn Độ, ngầm ủng hộ hoặc không có bất cứ phản ứng gì đối với Israel mặc dù cho đến nay Ấn Độ và Israel là 2 nước chưa hề ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Trong khi Israel phẫn nộ và gạt phắt Nghị quyết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân thì họ lại không ngừng đe dọa dùng sức mạnh quân sự éùp buộc Iran ngừng chương trình phát triển hạt nhân.

Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện ra đời năm 1966 nhưng các cường quốc hạt nhân vẫn quyết định giữ lại kho vũ khí hạt nhân cho nước mình.

Có khá nhiều nước vin vào “mục đích hòa bình” không tiếc tiền của để phát triển hạt nhân. Trong khi đó, hàng tỷ người nghèo đói trên thế giới, hiểm họa môi trường hành tinh ngày càng xuống cấp, sự biến đổi khí hậu và dịch bệnh đang là những vấn đề cần được ưu tiên hơn là việc chạy đua “sản xuất và sở hữu” vũ khí hạt nhân.

Giải trừ vũ khí hạt nhân là con đường duy nhất, không hành động nào tốt hơn để loại trừ nguy cơ sử dụng là loại trừ chính vũ khí đó để thế giới an toàn hơn.

(Theo HƯƠNG TÂM // SGGP online)

  • Công nghệ mới phát hiện vũ khí hóa học trong vài giây
  • Trực thăng siêu nhẹ
  • Những hậu quả tai hại của biến đổi khí hậu
  • Các vùng châu thổ trên thế giới đang chìm dần
  • Thế giới đa cực
  • Phản ứng trước vụ Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn
  • Báo chí Mỹ: Một giải thưởng 'quá sớm' cho ông Obama
  • Tegucigalpa không yên tĩnh