“Tôi sinh ra và lớn lên ở thung lũng Panjshir, một nơi cách con lộ gần nhất khoảng ba giờ đi bộ. Ở đó không có bê tông hay sắt thép, những thứ nhân tạo. Đó là một nơi hoàn toàn tự nhiên.
Tôi lớn lên ở đó và khi tôi đến Đức theo đuổi bằng cử nhân ngành chính sách công, tôi thấy ở đâu cũng toàn là bê tông cốt thép, kính, nhựa đường và nhiều thứ nhân tạo khác. Thật chán ngắt và buồn tẻ! Tôi đã nằm mơ thấy bụi, thấy khung cảnh thiên nhiên của quê nhà, thấy núi non. Trở về quê không lâu nhưng thật là thú vị. Hai năm xa nhà là hai năm nặng trĩu lòng.
Nếu tôi còn trẻ thì việc hòa nhập vào xã hội Đức trở nên quá dễ. Đằng này, với cái tuổi 34, tôi cảm thấy khó khăn khi phải xa nhà. Tôi sẽ không bao giờ rời bỏ Afghanistan. Tôi đã trải qua những năm tháng đen tối nhất ở đất nước tôi, nơi đang có chiến tranh và bất ổn. Khi lên bốn, lên năm, tôi phải rời khỏi làng mạc sơ tán vào hang núi để tránh bom đạn. Tôi cũng từng trải qua thời của Taliban, cái thời tôi không thể đến Kabul, mặc dù ở ngay trong nước mình. Chẳng khác nào ở tù.
Thời đó đã qua. Giờ đây, tôi hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Và nếu tôi rời bỏ đất nước này, nếu những người khác cũng làm giống như tôi thì Afghanistan sẽ ra sao? Taliban sẽ trở lại cầm quyền sao? Chính vì vậy, tôi muốn trở về dù chỉ làm việc quét đường ở Kabul.
Làm một nhà báo chưa ăn thua. Nó không giải quyết được các vấn đề của Afghanistan. Tôi muốn làm việc trong ngành giáo dục bởi vì đa số đồng bào tôi mù chữ. Đó là vấn đề chủ yếu của rất nhiều người Afghanistan. Tôi nhất quyết sẽ trở về phục vụ đất nước”.
Một cái chết gây tranh cãi
Trên đây là một phần nội dung viết trong blog của Munadi. Giấc mơ trở thành nhà giáo dục của Munadi đã đột ngột chấm dứt hôm 9-9. Một loạt đạn chưa biết của ai đã cướp mạng sống anh trong cuộc biệt kích Anh giải cứu nhà báo Anh Stephen Farrell. Farrell sống sót và được đưa về Kabul bằng trực thăng còn xác của Munadi bị bỏ lại. thi thể của Munadi sau đó được an táng trong một nghĩa trang khô cằn ở mạn Bắc Kabul.
Cái chết của Munadi đã làm các nhà báo Afghanistan căm phẫn. Thứ năm vừa qua, hàng chục nhà báo Afghanistan đã quây quần bên nấm mộ của Munadi,
ca ngợi anh là một trong những tài năng can trường nhất của thế hệ nhà báo Afghanistan hình thành từ 8 năm nay sau khi chế độ Taliban sụp đổ.
Farad Paikar, người thay mặt câu lạc bộ báo chí Afghanistan đọc điếu văn, bức xúc: “Việc lực lượng nước ngoài giải cứu người của họ và chỉ thu xác của lính Anh, bỏ mặc xác của Sultan Munadi là không thể biện minh”. Hóa ra, mạng sống của người phương Tây quý hơn mạng sống của người Afghanistan!
Dân làng xem ảnh Sultan Munadi trong buổi lễ an táng anh ở ngoại ô Kabul
Said T. Jawad, đại sứ Afghanistan tại Washington, cũng bày tỏ sự bực tức trên tờ The Washington Times: “Nhà báo Afghanistan phải được tôn trọng như các nhà báo nước ngoài”. Ông cho biết các nhà báo Afghanistan thường đối diện với hiểm nguy nhiều hơn các nhà báo nước ngoài vì Taliban biết rõ họ là ai và trả thù thẳng tay.
Sultan Munadi là nhà báo Afghanistan thứ năm hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trong vài năm qua. Ngày 10-9, Hamid Elmi, người phát ngôn của tổng thống, đã có mặt trong buổi lễ truy điệu và tuyên bố sẽ mở một cuộc điều tra cấp chính phủ về cái chết đau đớn của anh.
Tai mắt của nhà báo nước ngoài
Sultan Manudi từng làm việc 4 năm cho The New York Times (NYT) trước khi đi học ở Đức. Dù lớn tuổi, học tiếng Đức rất vất vả song anh luôn đạt điểm cao. Thời gian rảnh rỗi, anh tham gia mạng xã hội của những người yêu sách và “chat” với độc giả ở tận Paraguay. Trong câu chuyện giải cứu nhà báo Farrell, Munadi được mô tả là thông dịch viên của Farrell.
Nhưng theo Barry Bearak, nguyên trưởng văn phòng phụ trách Nam Á của NYT, cũng giống như nhiều “thông dịch viên” làm việc cho NYT ở Afghanistan, Munadi là một nhà báo lành nghề. Bearak nhận xét: “Từ thông dịch viên dễ làm cho độc giả hiểu lầm. Họ là những người vĩ đại đối với chúng tôi”. Trên thực tế, các “thông dịch viên” Afghanistan kiêm rất nhiều việc.
Họ biết tất cả các nhân vật trọng yếu của Afghanistan. Đối với các phóng viên nước ngoài, họ là sử gia, hướng dẫn viên, anh nuôi, chuyên viên hậu cần. Họ chia sẻ hiểm nguy như phóng viên nước ngoài nhưng không được lãnh lương hay vinh danh như phóng viên nước ngoài.
Nữ nhà báo Jane Scott Long từng làm việc chung với Munadi năm 2002 tại văn phòng của NYT ở Kabul nhớ lại: “Anh ấy là tai mắt của tôi ở cái mảnh đất không thân thiện này sau khi chế độ Taliban sụp đổ”. Chị nhớ rất rõ Munadi đã giúp chị và nhiều nhà báo nước ngoài khác rất tận tình khi đi mua những đồ dùng cần thiết hằng ngày.
Năm 1996, khi Taliban tràn qua đất nước Afghanistan, tiến về thủ đô Kabul, Munadi đang học khoa báo chí Trường Đại học Kabul đồng thời dạy tiếng Anh cho sinh viên. Anh phải bỏ dở việc học nửa chừng. Anh làm việc cho Ủy ban Quốc tế của tổ chức Hồng thập tự (ICRC) ở thành phố Gulbahar, tỉnh Parwan. Gulbahar nằm gần chiến tuyến Liên minh phương Bắc (NA) chống Taliban. Nhiệm vụ của anh là làm liên lạc viên cho NA. Khi Taliban bị đánh bật khỏi Kabul, Munadi trở lại giảng đường đại học đồng thời cộng tác với tờ NYT.
(Theo NGUYỄN CAO // Người lao động online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com