Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ấn Độ không cho phép mình câm điếc giữa Mỹ và Trung Quốc

Dù một loạt các vấn đề kinh tế và xuyên quốc gia khiến họ ngày càng xích lại gần nhau, nhưng một loạt các vấn đề bất ổn nội bộ (Tây Tạng và Kashmir), tranh chấp lãnh thổ, tranh giành tài nguyên (dầu, khí và nước), các thị trường và căn cứ ở nước ngoài, phạm vi ảnh hưởng bên ngoài chồng lấn nhau, các quan hệ đồng minh đối địch, và các khung trời địa chính trị rộng mở... đã ngăn chặn các cơ hội cho một sự thích nghi thực sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
 

 

Trong hai thập kỷ qua, Ấn Độ đã tìm cách tăng cường các quan hệ kinh tế và an ninh với các quốc gia và vùng lãnh thổ tại Đông Bắc và Đông Nam Á (Mông Cổ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Indonesia và Australia) - vốn lo lắng về Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ nước lớn nào. Vì sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc gây ra sự khó chịu trong khu vực, vai trò đối trọng của Ấn Độ được ASEAN hoan nghênh nhằm buộc Trung Quốc hành xử theo hướng hợp tác hơn.

Trong khi giới lãnh đạo Đông Nam Á tìm cách ngăn chặn Trung Quốc tối ưu hóa sức mạnh ngày càng tăng của mình với mục đích cưỡng ép nước khác và duy trì sự cai trị của mình trong khu vực, các chuyên gia chiến lược của Ấn Độ ủng hộ sự hiện diện của hải quân Ấn tại biển Đông và Thái Bình Dương nhằm đối trọng với sự hiện diện của hải quân Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Về an ninh biển, các nước Đông Nam Á dường như sẵn lòng hợp tác với Ấn Độ hơn là với Trung Quốc, đặc biệt tại Eo biển Malacca.

Một yếu tố then chốt của sự vượt trội ở Thái Bình Dương là các cuộc tập trận hải quân thường kỳ, các cuộc viếng thăm cảng, các cuộc đối thoại an ninh, và hơn một chục thỏa thuận hợp tác quốc phòng. Việc ký kết các thỏa thuận thương mại tự do với Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản và ASEAN, cộng với việc New Delhi tham gia các diễn đàn đa phương như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và các hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN +8, cũng đã tăng cường các quan hệ chiến lược.

Việc Ấn Độ quyết tâm củng cố quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản và Việt Nam, cam kết theo đuổi cùng khai thác dầu với Hà Nội tại biển Đông bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, và nhấn mạnh đến tự do hàng hải, là những dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đang vận động để được xem là một đối trọng với sức mạnh của Trung Quốc tại Đông Á. New Delhi cũng tăng cường các quan hệ quốc phòng với Tokyo, Seoul và Canberra.

Quan hệ đối tác Mỹ - Ấn nổi lên như một yếu tố quan trọng trong chiến lược của Ấn Độ nhằm cân bằng sức mạnh của Trung Quốc. Ấn Độ tìm kiếm sự hỗ trợ về kinh tế và công nghệ của Mỹ. Quan hệ này còn được thúc đẩy vì những lo ngại về an ninh từ lâu của Ấn Độ - Trung Quốc và Pakistan - cũng là những lo ngại chiến lược lâu dài và hiện tại của Mỹ. Cả chính quyền Bush và Obama đều khuyến khích Ấn Độ can dự vào một hệ thống an ninh rộng hơn của châu Á để cân bằng một Trung Quốc đang nổi lên và một Nhật Bản đang suy yếu. Bề ngoài, sự suy yếu của Mỹ - thực sự hay chỉ là cảm nhận - khiến Trung Quốc tỏ ra xác quyết. Vì Mỹ không muốn thấy châu Á bị chế ngự bởi một nước duy nhất hay một liên minh nào, nên sự nổi lên về kinh tế của Ấn Độ được xem là phục vụ cho lợi ích lâu dài của Washington bằng cách đảm bảo rằng sẽ có các lực lượng đối trọng nhau tại châu Á - Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, với Mỹ tiếp tục hành động như một "người cân bằng sức mạnh từ bên ngoài".

"Nhân tố Ấn Độ" ngày càng được nói tới nhiều trong cuộc tranh cãi chính trị ở Mỹ về Trung Quốc. Châu Á - Thái Bình Dương hiện là Ấn Độ - Thái Bình Dương, một cụm từ nhấn mạnh tới vai trò trung tâm của Ấn Độ trong những toan tính mới được trở thành cường quốc khu vực. Tạp chí quốc phòng 4 năm/lần năm 2010 của Mỹ đã nói về vai trò tích cực của Ấn Độ là "một nhà cung cấp an ninh cho Ấn Độ Dương và xa hơn thế".

Chính sách "hướng Đông" của Ấn Độ, hướng tới cam kết cấp cao hơn với các quốc gia và vùng lãnh thổ "lo ngại Trung Quốc" (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Australia) trùng khớp với chính sách của Mỹ nhằm thiết lập các quan hệ mật thiết hơn với các nước không nằm trong số các đối tác hiệp ước truyền thống của Washington để duy trì vai trò bá chủ của Mỹ. Thỏa thuận chiến lược Mỹ - Ấn, cộng với các năng lực hải quân và hạt nhân ngày càng mở rộng và tiềm năng kinh tế lớn của Ấn Độ, đã khiến nước này tỏa bóng lớn hơn trên màn hình radar của Trung Quốc.

Một bài xã luận trên một nhật báo của Thượng Hải tháng 11/2011 đã viết về thực tế này rằng: "Ấn Độ sẽ không cho phép mình câm điếc giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ muốn chơi tay ba với hai nước này, và sẽ làm mọi cách có thể để tối ưu hóa lợi ích của mình nhờ quan hệ tay ba đó. Vì vậy, Trung Quốc sẽ khó có thể mua chuộc được Ấn Độ". Người Trung Quốc lo ngại rằng hợp tác Mỹ - Ấn về quốc phòng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, hạt nhân, không gian, và biển đảo sẽ giúp duy trì vai trò bá chủ của Mỹ và ngăn cản việc thiết lập một trật tự khu vực châu Á lấy Trung Quốc là tâm, sau thời Mỹ là tâm. Quan hệ được thắt chặt này, và khả năng cái mà hiện nay chỉ là sự nghiêng về Ấn Độ có thể chuyển thành một sự liên kết chính thức, là lý do chính dẫn tới sự xuống cấp gần đây trong quan hệ Trung - Ấn.

Dù các quan hệ này vẫn bất ổn và đầy cạnh tranh, cả hai nước vẫn tìm cách giảm căng thẳng. Bất chấp các tranh chấp lãnh thổ, sự từ chối tiếp cận thị trường, và những lời lẽ gay gắt chống lại Đạtlai Lạtma, các lãnh đạo hai nước vẫn hiểu rõ những nguy hiểm của các vấn đề này đối với quan hệ song phương.

Các quan hệ kinh tế đang đâm chồi này lộc giữa hai nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới đã trở thành khía cạnh nổi bật nhất trong quan hệ giữa họ. Các dòng thương mại đã phát triển nhanh chóng, từ chỗ 350 triệu USD năm 1993 lên 70 tỷ USD năm 2012, và có thể vượt qua mức 100 tỷ USD vào năm 2015. Một số công ty liên doanh trong lĩnh vực phát điện, hàng tiêu dùng, thép, hóa chất, khoáng sản, khai mỏ, vận tải, hạ tầng, công nghệ thông tin, và viễn thông đang vận hành tốt. Việc tăng cường thương mại, và du lịch có thể giúp tăng lợi ích cho Trung Quốc trong quan hệ với Ấn Độ. Một cách tích cực, cả hai nước cùng có lợi ích chung khi duy trì sự ổn định khu vực (chẳng hạn cuộc chiến chống các phần tử Hồi giáo cực đoan), khai thác các cơ hội kinh tế và duy trì khả năng tiếp cận với các nguồn năng lượng, vốn và thị trường.

Tuy nhiên, dù tỷ trọng thương mại luôn tăng nhưng vẫn chưa có sự tương đồng chiến lược nào giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Như trong quan hệ giữa Mỹ - Trung và Nhật - Trung, các xu hướng cạnh tranh trong quan hệ Trung - Ấn, bắt rễ từ địa chính trị và chủ nghĩa dân tộc, ít khả năng được khỏa lấp bởi các mối liên hệ về kinh tế và thương mại ngày một chắc dần.

Trên thực tế, quan hệ kinh tế giữa hai nước này đang ngày một lệch. Ấn Độ chủ yếu xuất sang Trung Quốc sắt quặng và các nguyên liệu đầu vào khác, trong khi Ấn Độ nhập khẩu hầu hết hàng hóa chế biến từ Trung Quốc - một ví dụ kinh điển cho thấy mô hình phụ thuộc. New Delhi đã tiến hành nhiều vụ kiện chống bán phá giá nhất chống lại Bắc Kinh lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ấn Độ quyết tâm theo đuổi sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á thông qua phát triển thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng ngày càng nhiều, và giúp thúc đẩy các quan hệ kinh tế và chính trị xuyên Á nhằm đối trọng với sức mạnh Trung Quốc.

Dù một loạt các vấn đề kinh tế và xuyên quốc gia khiến họ ngày càng xích lại gần nhau, nhưng một loạt các vấn đề bất ổn nội bộ (Tây Tạng và Kashmir), tranh chấp lãnh thổ, tranh giành tài nguyên (dầu, khí và nước), các thị trường và căn cứ ở nước ngoài, phạm vi ảnh hưởng bên ngoài chồng lấn nhau, các quan hệ đồng minh đối địch, và các khung trời địa chính trị rộng mở... đã ngăn chặn các cơ hội cho một sự thích nghi thực sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Bất chấp một loạt các thái độ và cách nhận thức tiêu cực của mỗi nước đối với nước kia, rõ ràng Ấn Độ và Trung Quốc có thể duy trì cho quan hệ ngoại giao bền vững. Việc tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu đang trở nên ngày càng khó đoán vì mỗi nước ngày càng hoạt động tích cực hơn tại nơi từng được xem là "sân sau" của mình và đều theo đuổi các mánh lới chiến lược nhằm đánh bại nước kia.

Giống như Trung Quốc từng trở nên xác quyết hơn đối với Mỹ, chính sách của Ấn Độ đối với Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn. Sự can dự của Ấn Độ vào chiến lược của châu Á phản ánh mong muốn có một vòng cung đối tác với các nước láng giềng của Trung Quốc - tại Đông Nam Á và các nước xa hơn về phía Đông dọc bờ châu Á - Thái Bình Dương - và Mỹ sẽ giúp trung hòa sự hỗ trợ quân sự và các hoạt động liên tục của Trung Quốc xung quanh lãnh thổ của mình và phát triển đối trọng với Trung Quốc để buộc Bắc Kinh phải đúng mực.

Hiện nay, hai "võ sĩ hạng nặng" này đang bao vây lẫn nhau, với ý thức rõ ràng rằng những đòn nghi binh và những cú đánh bất thình lình có thể biến thành một trận chiến nóng trong tương lai./.

 

 Tác giả: Châu Giang theo worldaffairsjournal
Theo Tuần Việt Nam

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Ván bài năng lượng của Putin
  • Trung - Ấn: 'Bệnh tưởng Malacca' và 'thế tiến thoái lưỡng nan Hormuz'
  • Trung - Ấn: Ngoại giao - tranh cãi, quân sự - sẵn sàng
  • Brics: Những người hùng đang yếu dần
  • Cuộc khủng hoảng tiếp theo của nước Mỹ: Thế hệ baby - boomers "ăn bám"
  • Căn cơ và sáng tạo: Mô hình vượt khủng hoảng của các quốc gia
  • Trung Quốc có phải là nước giàu?
  • TS. Alan Phan: Tài sản mềm của nước Mỹ