Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

BRICS chuẩn bị làm “đảo chính” tài chính-tiền tệ?

Nhóm BRICS đang làm thay đổi các quy tắc cuộc chơi trong Quĩ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và trong thương mại thế giới nói chung.

 

 
Quan điểm này được phản ánh trong Tuyên bố Delhi, đã thông qua ngày 29/3, sau Hội nghị thượng đỉnh BRICS bao gồm các nhà lãnh đạo Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi tại thủ đô New Delhi.

Lãnh đạo năm nước BRICS không hài lòng với tốc độ chậm chạp trong cải cách hạn ngạch của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), yêu cầu ngay trong năm nay phải cho BRICS nhiều cổ phần hơn trong quỹ. Tuyên bố Delhi nói rằng khả năng tín dụng của IMF phụ thuộc vào việc liệu có dành quyền bình đẳng cho tất cả các thành viên hay không. Theo chuyên gia Maxim Bratersky, các quốc gia thành viên BRICS không có ý định chấp nhận thực tế rằng phương Tây phớt lờ thỏa thuận về việc phân phối lại cổ phiếu của các nước có thị trường đang phát triển nhanh chóng.Trong khi đó, thị phần của họ trong nền kinh tế toàn cầu đang gia tăng một cách nhanh chóng và vững chắc.

Chuyên gia Maxim Bratersky nhận định: “Vấn đề này đã xuất hiện không phải hôm nay hay ngày hôm qua. Hai ba  năm trước đây, các nước BRICS đã nêu vấn đề tại G20... Quan điểm ủng hộ phân phối lại hạn ngạch đã khá nhất quán và mạnh mẽ, bắt đầu tiến triển để quyết định thêm cổ phiếu của Trung Quốc và Ấn Độ. Về cơ bản Nga không giành được quyền lợi gì từ điều này. Quá trình diễn ra rất chậm chạp. Có lẽ sẽ là công bằng nếu các nước BRICS nhận được phân bổ hạn ngạch tích cực hơn.”

Các nhà lãnh đạo BRICS đang quan ngại trước tốc độ chậm chạp trong cải cách Ngân hàng Thế giới (WB). Họ kêu gọi tiến hành sự tiến hóa của Ngân hàng Thế giới - từ cơ chế trung gian giữa miền Bắc giàu có và miền Nam nghèo đói tiến đến một cơ chế khuyến khích quan hệ đối tác bình đẳng. Điều này sẽ cho phép có nhiều thành công trong việc giải quyết vấn đề phát triển toàn cầu và khắc phục cơ chế phân chia thành viên Ngân hàng Thế giới thành nhà tài trợ và người nhận được hình thành trong nhiều thập kỷ qua.

Về vấn đề này, Nga và các đối tác trong BRICS cho rằng việc chuyển đổi Ngân hàng Thế giới thành tổ chức đa phương có thể bắt đầu tiến hành trong cuộc bầu cử tân chủ tịch vào tháng Tư tới. Để thực hiện điều này, cần phải tổ chức bầu cử trên cơ sở thay thế. Các nhà lãnh đạo BRICS khẳng định rằng Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cũng như  Tổng giám đốc  IMF, cần được lựa chọn công khai và minh bạch, có tính đến năng lực của ứng viên. Những người tham dự Hội nghị thượng đỉnh Delhi ủng hộ ứng cử viên từ các nước có nền kinh tế đang nổi lên và khẳng định rằng sự lãnh đạo độc quyền truyền thống của Mỹ và phương Tây trong các tổ chức tài chính thế giới này nên được chấm dứt càng sớm càng tốt.

Hội nghị thượng đỉnh New Delhi cáo buộc các nước giàu rằng chính sách của họ khiến cho kinh tế thế giới mất ổn định và gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các nhà lãnh đạo BRICS đặc biệt lưu ý rằng chính sách tiền tệ của Mỹ làm cho các nước phương Tây giàu có được hưởng lợi thế đơn phương và gây trở ngại trên đường phát triển của các nước khác. Trong bối cảnh này, BRICS đã thực hiện một bước quan trọng đối với hệ thống tiền tệ đa cực. Ngân hàng ngoại thương Vnesheconombank của Nga và các tổ chức tương tự của các nước khác trong BRICS đã ký thỏa thuận cho vay lẫn nhau bằng đồng nội tệ. Điều này sẽ làm giảm thị phần của đồng USD trong thanh toán trong nhóm, giảm bớt các rủi ro liên quan với biến động mạnh trong tỷ giá hối đoái và xả USD tiền mặt vào các thị trường tài chính toàn cầu. Và cũng có thể hạ giá thành những hợp đồng đã ký mà không gắn với yêu cầu thanh toán bằng đồng USD.

Hợp tác tài chính của BRICS trên cơ sở này sẽ tạo cho các nước thành viên cơ hội thành lập Ngân hàng phát triển riêng. Tuyên bố Delhi đã ghi nhận quan điểm này của BRICS. Đồng thời, các nước nghèo cũng có quyền tiếp cận ngân hàng này để giúp họ cải thiện cơ sở hạ tầng, giải quyết vấn đề thực phẩm và công nghệ lạc hậu.

Hội nghị thượng đỉnh ở New Delhi đã ghi nhận cách tiếp cận táo bạo hơn của nhóm BRICS để cải cách hệ thống tài chính toàn cầu. Qua đó cho thấy rằng tiếng nói chính trị của BRICS trên thế giới có trọng lượng hơn và củng cố vị thế của nhóm trong nền kinh tế toàn cầu.

Minh Châu (VOR)// Tầm Nhìn
-------------------------------
 

Hàm lượng vàng của Nhóm BRICS

Cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 4 Nhóm BRICS dự kiến tiến hành tại New Delhi, Ấn Độ vào cuối tháng 3/2012. Nhóm BRICS ra đời vào năm 2008 và Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên chính thức tổ chức tháng 6/2009. Nhóm BRIC đầu tiên có bốn nước Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc (Braxin, Russia, India, China, viết tắt BRIC). Năm 2010 Cộng hòa Nam Phi gia nhập nên có 5 thành viên và viết tắt là “BRICS”. Tới nay BRICS có ảnh hưởng nhất định trên thế giới, tuy nhiên sức tỏa sáng bị nhiều hạn chế.

 

 

Năm 2001, Trưởng ban kinh tế của Hãng Goldman Sachs khi đó là Jim O’Neil, trong danh mục “Thị trường nhiều hứa hẹn trên thế giới”, ông đã coi bốn nước Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc (Braxin, Russia, India, China, viết tắt BRIC) là “Viên gạch vàng” (Golden BRIC). Jim O’Neil khi đó không thể ngờ rằng 4 nước có nền kinh tế đang trỗi dậy mạnh mẽ trong danh mục “Thị trường nhiều hứa hẹn” nay đã trở thành Nhóm “BRICS” có tầm vóc quan trọng đối với kinh tế thế giới hiện nay.

Tháng 5/2008, Ngoại trưởng bốn nước lần đầu tiên đã gặp nhau tại thành phố Yekaterinburg (Nga) và ra Thông cáo báo chí nhấn mạnh bốn nước sẽ “tăng cường đối thoại trên cơ sở tôn trọng và tin cậy lẫn nhau vì lợi ích chung, hơn nữa có quan điểm gần gũi và giống nhau trong giải quyết vấn đề toàn cầu.” Tiếp đó, Bộ trưởng tài chính 4 nước họp tại Horsham (Anh) vào tháng 3/2009 thống nhất hành động và chủ trương tiến hành cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay và đòi quyền phát ngôn lớn hơn trên diễn đang kinh tế thế giới. Tháng 5/2009, Người phụ trách Cơ quan an ninh bốn nước lần đầu tiên đã gặp nhau tại Matxcova thảo luận hợp tác an ninh. Các điều kiện hình thành một Nhóm nước mới đã chín muồi, nên ngày 16/6/2009 Hội nghị thượng đỉnh BRIC đầu tiên đã họp tại Yekaterinburg. Đây là cái mốc đánh dấu Nhóm BRIC chính thức hình thành, và hàng năm đều tiến hành gặp mặt. Năm 2010 Cộng hòa Nam Phi gia nhập, nên BRICS có 5 nước thành viên như hiện nay.

Tổng diện tích lãnh thổ của BRICS chiếm 28% tổng diện tích lục địa thế giới, dân số chiếm 42% dân số thế giới, GDP tới 13.600 tỉ USD chiếm 16% GDP thế giới. Từ năm 2006 – 2008, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm là 10,7%. Kim ngạch mậu dịch của bốn nước chiếm 12,8% tổng kim ngạch toàn cầu và đã đóng góp cho 50% tăng trưởng của kinh tế thế giới. Kể từ năm 2003 tới nay, kim ngạch buôn bán trao đổi trong nội khối tăng tới 500%. Dự trữ ngoại tệ của BRICS hiện tới trên 4.100 tỉ USD, trong đó của Trung Quốc trên 3.200 tỉ USD, của Braxin 200 tỉ USD, của Nga 404 tỉ USD, của Ấn Độ 254 tỉ USD.

Tới nay, BRICS đã họp ba Hội nghị thượng đỉnh. Hội nghị lần thứ nhất tại thành phố Yekaterinburg (Nga). Hội nghị lần thứ hai họp ngày 16/4/2010 tại Brasilia (Braxin), Hội nghị lần thứ ba họp ngày 14/4/2011 tại thành phố Tam Á (Hải Nam-Trung Quốc) và Hội nghị lần thứ 4 sẽ họp vào cuối tháng 3/2012 tại New Delhi, Ấn Độ.

Trong 10 năm qua, với nền kinh tế năng động và tốc độ tăng trưởng GDP cao, các nước thành viên BRICS là Trung Quốc, Nga, Braxin, Ấn Độ đều vươn lên vào hàng ngũ “Top-10” của nền kinh tế thế giới kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì trong thời gian không xa dự đoán kinh tế của BRICS sẽ đuổi kịp Nhóm G7 của các nước công nghiệp phát triển hiện nay. Thực lực kinh tế tăng lên, tiếng nói của BRICS trên trường quốc tế cũng tăng. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba BRICS tại thành phố Tam Á, Hải Nam Trung Quốc vào tháng 4/2011, các nước ra “Tuyên bố chung Tam Á” kiến nghị “phi đôla Mỹ” trong hệ thống thanh toán và dự trữ tiền tệ quốc tế hiện nay, đồng thời yêu cầu tăng quyền phát ngôn cho các nước tại IMF và WB.

Tờ “Kinh tế thương báo” của Trung Quốc ngày 15/3/2012 viết Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này họp trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, nhất là khủng hoảng nợ công của Châu Âu, nên các nước thành viên hầu như đều điều chỉnh lại tốc độ tăng trưởng của mình. Điều này cho thấy mặc dù BRICS có nền kinh tế năng động nhất hiện nay trên thế giới nhưng vẫn còn phụ thuộc rất lớn vào kinh tế các nước phát triển và kinh tế thế giới.

Báo cáo công tác trước Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết Trung Quốc sẽ điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP năm 2012 xuống 7,5%. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1990 tới nay. Braxin cho biết Chính phủ đã điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP năm 2012 xuống 4,5%, thấp hơn mức dự kiến 5% đã đề ra tháng 1/2012. Ngày 13/3/2012, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cho biết do tác động bởi tình hình kinh tế thế giới và trong nước, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2012 nay điều chỉnh xuống 7% thay vì 9% như đã đề ra. Vừa qua, Chính phủ Nga tuyên bố tốc độ tăng trưởng GDP năm 2012 điều chỉnh xuống 7,3% thay vì 7,8% và 8% như dự kiến trước đây.

Trong bài “Hàm lượng vàng của Nhóm gạch vàng BRICS có bao nhiêu?”, tờ “Nhân dân Nhật Báo” ngày 15/3/2012 viết Hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ họp cuối tháng này tại New Delhi, Ấn Độ. Các nước thành viên sẽ thảo luận các vấn đề tồn tại hiện nay của khối như chuyển biến mô thức tăng trưởng, chuyển đổi loại hình kinh tế, vấn đề ô nhiễm môi trường, hậu quả của tốc độ đô thị hóa quá nhanh, vấn đề dân số và nhất là tình trạng các nước đang rơi vào cạm bẫy của “nước có thu nhập trung lưu” hoặc cạm bẫy của “tốc độ cao”. Một số nước thành viên thời gian qua quá say sưa với tốc độ tăng trưởng cao và tâm lý “đuổi kịp G7” mà không tỉnh táo thấy rằng GDP bình quân đầu người của BRICS vẫn thấp hơn nhiều so với GDP bình quân đầu người của G7. Braxin là nước có GDP bình quân đầu người cao nhất của Nhóm cũng chỉ ở mức 10.700 USD, tiếp đó là Nga với 10.400 USD, cộng hòa Nam Phi là 6.090 USD, của Trung Quốc là 4.400 USD của Ấn Độ là 1.400 USD. Trong khi đó GDP bình quân đầu người năm 2010 của G7 tới 39.500 USD.

Rõ ràng “Hàm lượng vàng” của Viên gạch vàng còn rất thấp, bởi vậy BRICS hiện không thể so sánh và làm đối trọng với G7, hơn nữa bản thân các nước thành viên của BRICS vẫn phụ thuộc nhiều vào các nước phát triển.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng ý đồ của BRICS muốn làm đối trọng và trở thành một cực trong bố cục kinh tế thế giới hiện nay. Nhưng “Hàm lượng vàng” của BRICS còn quá thấp chứ chưa phải là “Vàng 9 vàng 10”, nên chưa thể thành một cực và đối trọng với G7. Ngoài thực lực kinh tế, về tổ chức BRICS thua xa G7, vì quyết định của Hội nghị thượng đỉnh BRICS mang tính đồng thuận nhiều hơn là tính ràng buộc pháp lý như G7. Bản thân các thành viên còn nhiều mâu thuẫn với nhau như giữa Ấn Độ và Trung Quốc, giữa Nga và Trung Quốc. Ngay Braxin năm 2011 là nước đi đầu ở Mỹ- Latinh trong chủ trương trừng phạt hàng giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập Mỹ - Latinh. Mặc dù kinh tế năng động nhưng BRICS vẫn phụ thuộc vào G7 và sức lan tỏa của BRICS ra ngoài thế giới còn rất hạn chế.

Kiểu Tỉnh// Tầm Nhìn


 

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Lương tối thiểu ở nước ngoài ra sao?
  • Những vết rạn trong nền tảng toàn cầu
  • Thế giới khát nước sạch tới mức nào?
  • 2012: Rủi ro nào từ cú sốc dầu mỏ?
  • Chính sách biến hàng xóm thành "ăn mày" của Trung Quốc
  • Thế giới có tái bùng phát cuộc chiến đất hiếm?
  • Tại sao Trung - Mỹ phải đi tới xung đột?
  • Nước nghèo kiệt quệ vì… bán đất