Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đâu chỉ biển Hoa Đông nổi sóng

Vụ đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông đang khiến cho cả thế giới phải chú ý. Bên cạnh vụ việc đang nổi trội này, Trung - Nhật cũng đang kèn cựa nhau nhiều vấn đề khác trong kinh tế, thương mại.

Ngày 7-9-2010, một tàu đánh cá của Trung Quốc đã va chạm với hai tàu tuần tra của Nhật Bản tại khu vực mà cả Nhật và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Đó là cụm đảo do Nhật quản lý, được người Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc thì gọi là Điếu Ngư.

Với lý do tàu cá Trung Quốc cản trở người thi hành công vụ, phía Nhật Bản đã bắt giữ thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc để điều tra. Sự việc đã nhanh chóng tạo nên một tâm điểm thu hút cả thế giới, bởi Trung Quốc sử dụng nhiều biện pháp ngoại giao cứng rắn để yêu cầu phía Nhật Bản thả tàu cá.

Trung Quốc đã tuyên bố tạm hoãn vòng hai của cuộc đàm phán giữa hai bên, dự kiến được tổ chức vào giữa tháng 9 này, về hợp tác thăm dò và khai thác khí đốt ở biển Hoa Đông.

Đến ngày 13-9-2010, Nhật Bản cho hồi hương 14 ngư dân trên tàu cá Trung Quốc nhưng vẫn tạm giữ thuyền trưởng để tiếp tục điều tra. Tuy vậy, căng thẳng giữa hai bên vẫn chưa có dấu hiệu giảm đi đáng kể, ngược lại những tranh luận không ngừng về các vấn đề khác thì lại tiếp tục tăng lên.

Ngay trong lúc Trung Quốc gia tăng áp lực, Nhật Bản đã công bố báo cáo quốc phòng hàng năm, trong đó Nhật Bản không ngại chỉ trích việc Trung Quốc tăng cường chi tiêu quân sự và cho rằng Bắc Kinh đã thiếu minh bạch trong chính sách quốc phòng.

Kèm theo sự chỉ trích Bắc Kinh, báo cáo này kêu gọi tiếp tục thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và cảnh báo việc di dời căn cứ Futenma của Mỹ trên đảo Okinawa có thể làm giảm đi khả năng phản ứng của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tại Đông Á khi cần. Báo cáo trên nhấn mạnh đến sự cần thiết của lực lượng Mỹ khi mà Trung Quốc đang tăng cường hoạt động quân sự trong khu vực.

Không riêng gì vấn đề quân sự, quốc phòng, mà hai bên ngày càng có nhiều bất đồng trong các hợp tác kinh tế, thương mại. Tại hội nghị Đối thoại kinh tế cấp cao Nhật - Trung diễn ra vào cuối tháng trước tại Bắc Kinh, hai bên đã không ngừng tranh luận gay gắt với nhau nhiều vấn đề.

Bắc Kinh đã chỉ trích các doanh nghiệp Nhật Bản trả lương quá thấp cho công nhân Trung Quốc tại các nhà máy của các doanh nghiệp Nhật Bản và cho rằng đó là nguyên nhân gây ra nhiều cuộc phản đối của công nhân nước này trong thời gian qua.

Ngược lại, Nhật Bản đã chỉ trích Trung Quốc thiếu minh bạch trong chính sách lao động và cáo buộc chính phủ Bắc Kinh đã đứng sau những cuộc chống đối của công nhân nhằm gây áp lực đòi tăng lương. Nhật Bản còn cho rằng Trung Quốc đã đẩy quả bóng trách nhiệm an sinh xã hội về phía các đối tác Nhật Bản.

Không chỉ thế, Nhật Bản còn chỉ trích cả việc Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu các nguồn tài nguyên khoáng sản đất hiếm, vốn cần thiết cho nhiều ngành sản xuất của Nhật, làm “ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất toàn cầu”.

Mới đây, Trung Quốc lại thông qua một quy định mới giúp gia tăng quyền yêu cầu tăng lương của công nhân, điều mà các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng có thể làm cho mức lương có thể phải tăng đến 70%. Tokyo lại tiếp tục chỉ trích và cho rằng đó là những chính sách “không thể tưởng tượng” nổi.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản đã lên tiếng cho rằng nếu không khéo léo thì Trung Quốc sẽ mất các nhà đầu tư nước ngoài, dù cho thị trường nước này hấp dẫn đến đâu. Tokyo cũng chỉ trích cả các chính sách bảo hộ cho các doanh nghiệp trong nước làm cho các doanh nghiệp nước ngoài khó có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng.

Căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh lại còn tăng cao hơn nữa khi Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda đặt nghi vấn về việc Trung Quốc tăng cường mua trái phiếu Nhật Bản, một trong những nguyên nhân khiến cho đồng yen tăng giá mạnh trong thời gian gần đây. Tại thời điểm này, đồng yen đã tăng lên đến mức đỉnh của 15 năm qua, 1 đô la Mỹ chỉ còn ăn được khoảng 84 yen, và điều đó gây bất lợi cho các công ty của Nhật trên thị trường thế giới.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đồng yen tăng giá là do giới đầu tư bên ngoài mua các tài sản, trái phiếu chính phủ, đồng yen và cả các công cụ thị trường tài chính khác… lên đến 5.500 tỉ yen (tương đương 65 tỉ đô la Mỹ), trong đó Trung Quốc mua nhiều nhất. Trung Quốc đã mua vào một lượng đồng yen, trái phiếu chính phủ và nhiều loại khác có giá trị lên đến 27 tỉ đô la Mỹ, bằng sáu lần giá trị mà Trung Quốc mua năm năm trước đó. Chỉ riêng trong tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã mua số đồng yen trị giá đến 7 tỉ đô la Mỹ.

Vì thế, ông Noda đặt câu hỏi về ý định thực sự của Trung Quốc phía sau những thương vụ đó, phải chăng đây là thủ đoạn đẩy giá đồng yen lên cao nhằm hỗ trợ cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc? “Trong khi Trung Quốc có thể mua trái phiếu của Chính phủ Nhật Bản, thì ngược lại Nhật Bản lại không được mua trái phiếu chính phủ Trung Quốc như một loại dự trữ ngoại tệ. Tôi cảm thấy đó là không tự nhiên”, ông Noda nói.

Rõ ràng, giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang tồn tại vô số bất đồng ở hầu hết các khía cạnh từ kinh tế đến quân sự, quốc phòng cũng như các vấn đề về chủ quyền. Điều này có thể báo hiệu một thời kỳ sóng gió ở cả khu vực Đông Á chứ không chỉ riêng gì vùng biển Hoa Đông mà hai bên đang tranh chấp.

(Theo Ngô Minh Trí // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Có nên sớm kết thúc chương trình kích thích kinh tế?
  • Toàn cầu đứng trước thách thức lớn về nước sạch
  • Hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn
  • 5 lý do để Trung Quốc không thể vượt Mỹ
  • Ấn Độ chỉ trích Mỹ các biện pháp bảo hộ thương mại
  • Kinh tế Mỹ và châu Âu: Trước bờ vực tái khủng hoảng
  • Khủng hoảng thúc đẩy việc tổ chức lại nền kinh tế toàn cầu
  • Thế giới cần tạo thêm 440 triệu việc làm mới