Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giá dầu và căng thẳng Biển Đông

Hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia nói việc giá dầu tiếp tục ở mức cao khiến khả năng phát hiện dầu hỏa ở Biển Đông thêm phần hấp dẫn cho các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền.

Hội nghị của Asean ở đảo Bali của Indonesia tuần này dự kiến sẽ tập trung bàn về tranh chấp Biển Đông và khối này nên phản ứng với Trung Quốc thế nào.

Nhà nghiên cứu Ian Storey, ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nói với Reuters: "Trung Quốc cần tiếp cận dầu và khí đốt để giảm phụ thuộc vào các nguồn cung cấp nước ngoài, vốn là rủi ro chiến lược."

"Đây là một phần lý do vì sao căng thẳng đã tăng lên trong hai, ba năm qua vì Trung Quốc cảm thấy rằng các nước tranh chấp khác - cụ thể là Việt Nam, Malaysia và Philippines - đã 'đơn phương' chiếm đoạt tài nguyên thuộc về Trung Quốc."

Trong một báo cáo tháng Ba 2008, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ước đoán trữ lượng dầu chưa tìm thấy ở Biển Đông có thể chênh lệch từ 28 tỉ lên đến 213 tỉ thùng.

Còn năm ngoái, Khảo sát Địa chất Mỹ ước đoán có 50% khả năng là vùng biển này có ít nhất 10.25 tỉ thùng dầu chưa được phát hiện, mà đa số là gần quần đảo Trường Sa.

Triển vọng khí đốt ở Biển Đông có vẻ còn sáng sủa hơn - 60% đến 70% trữ lượng hydrocarbon ở đây được tin là chứa khí đốt tự nhiên.

Khảo sát Địa chất Mỹ cho rằng có 50% khả năng sẽ tìm ra ít nhất 3.79 ngàn tỉ mét khối khí đốt, tương đương 30 năm tiêu thụ theo mức độ hiện nay của Trung Quốc.

Một nhân vật trong ngành hiện ở Bắc Kinh, muốn giấu tên, nói với Reuters: "Việt Nam rất muốn phát triển tài nguyên ở đó vì các mỏ dầu chính của họ đang cạn dần."

Theo Reuters, một số chuyên gia dự đoán rốt cuộc người ta sẽ có thể tìm dầu ở những khu vực tranh cãi thông qua các thỏa thuận song phương hoặc đa phương.

Giáo sư nghiên cứu về Việt Nam lâu năm ở Úc, Carl Thayer, nói với Reuters: "Thực tế thì Trung Quốc không thể mong có tất cả."

"Nỗ lực cùng khai thác có thể trở nên nghiêm túc...vì Trung Quốc không thể để uy tín bị thiệt hại một khi sự thù địch cứ tăng lên."

Nhưng bất kỳ một thỏa thuận nào giữa các nước tranh chấp cũng sẽ mất thời gian. Đầu tháng Bảy, Philippines đã bác bỏ khả năng khai thác chung với bất kỳ nước nào ở Bãi Cỏ Rong ở phía tây đảo Palawan mà nước này xem là thuộc về họ.

Phản đối

Hôm thứ Ba Trung Quốc chính thức phản đối kế hoạch của năm vị nghị sĩ Philippines ra thăm vùng tranh chấp ở Biển Đông.

Sứ quán Trung Quốc ở Manila nói trong thông cáo rằng họ "vô cùng lo ngại" trước tin này.

Thông cáo nói ý định của năm nghị sĩ "đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố về Hành xử Các bên ở Biển Nam Trung Hoa và chỉ gây hại cho hòa bình và ổn định khu vực."

Hôm thứ Hai, năm nghị sĩ này nói họ đã đặt máy bay để đến đảo Pagasa ở quần đảo Trường Sa, là đảo lớn nhất trong 9 địa điểm mà Philippines đang nắm giữ.

Dự kiến Philippines và Việt Nam sẽ nêu vấn đề Biển Đông tại diễn đàn Asean ở Bali.

(sàn OTC)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Thế giới tuần 11-17/7: Hai mối nguy chưa giải
  • Kinh tế thế giới đang chạm vào lằn ranh suy thoái kép
  • Nguy cơ “chiến tranh tiền tệ” vẫn hiện hữu
  • HSBC: Tốc độ tăng trưởng các thị trường mới nổi đã chậm lại
  • Bong bóng địa ốc Trung Quốc sẽ nổ kiểu Mỹ, Nhật?
  • Vì sao IMF quyết thay đổi lịch sử?
  • WTO: Trung Quốc hạn chế xuất khoáng sản “là trái phép”
  • 10 lý do để tin kinh tế thế giới không “mò đáy”