Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giá nhiên liệu tăng và hiệu ứng láng giềng trong sản xuất

Do chi phí vận tải tăng nhiều nhà sản xuất tính chuyện di dời nhà máy đến gần nhà cung cấp và người tiêu dùng hơn.

Trước khi quyết định tung ra tại thị trường Mỹ mẫu xe mui trần sang trọng, hãng Tesla Motors - có trụ sở tại Silicon Valley - nhà tiên phong trong lĩnh vực chế tạo xe hơi chạy bằng điện - đã có ý tưởng triển khai một chuỗi cung ứng toàn cầu. Tesla dự kiến sản xuất bộ ắc-quy nặng 450kg ở Thái Lan, chở sang Anh lắp ráp và đưa những chiếc xe hoàn chỉnh trở lại thị trường Mỹ. Nhưng khi bắt tay vào việc hồi mùa xuân năm nay, công ty đã thay đổi quyết định: sản xuất ắc-quy và lắp ráp xe tại một địa điểm gần trụ sở ở bang California nhằm giảm phí vận tải gần 5.000 dặm cho mỗi chiếc xe.
Giá dầu rẻ - yếu tố góp phần sản sinh ra hệ thống giao thông trải rộng khắp thế giới, vừa tiện lợi nhanh chóng vừa chi phí thấp đã không còn nữa và điều đó đang làm đảo lộn tính hợp lý của các chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó giá nhân công rẻ được coi trọng hơn khoảng cách địa lý. Mối quan tâm ngày càng tăng đối với tình trạng thay đổi khí hậu trái đất, phản ứng chống lại tình trạng mất việc làm ở các nước giàu, nỗi lo về an toàn thực phẩm, cùng với sự sụp đổ của vòng đàm phán tự do thương mại Doha ở Geneva tuần trước đang phát đi một tín hiệu rằng, các mối quan tâm chính trị và môi trường đang làm cho bài toán toàn cầu hóa trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng tiến trình toàn cầu hóa là không thể đảo ngược, cho dù giá dầu mỏ có tăng cao đến đâu. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách giảm giá thành đã phải di chuyển cơ sở sản xuất đến gần nhà cung cấp và thị trường tiêu thụ hơn. Các chuỗi cung ứng toàn cầu - chẳng hạn như lấy quặng sắt ở Brazil chuyển đến nhà máy thép ở Trung Quốc, sau khi được sử dụng để làm ra chiếc máy giặt lại được chất lên tàu chở về California và sau đó được phân phối bằng xe tải đến các cửa hàng ở Chicago - hiện trở nên mất dần ý nghĩa so với vài năm trước đây.
Để tránh phải vận chuyển toàn bộ hàng hóa từ nước ngoài, hãng sản xuất đồ nội thất của Thụy Điển là IKEA chẳng hạn đã xây dựng nhà máy đầu tiên ở Mỹ hồi tháng 5. Một vài công ty điện tử từng rời khỏi Mexico để chuyển sang Trung Quốc nhằm tận dụng giá nhân công rẻ nay lục tục quay về lại Mexico vì họ có thể vận chuyển thành phẩm bằng đường bộ đến tay người tiêu dùng Mỹ.
Các nhà kinh tế gọi việc di dời cơ sở sản xuất đến gần người tiêu dùng là hiệu ứng láng giềng và xu hướng này ngày càng được chú ý nếu dầu tiếp tục tăng giá. Đầu tuần trước giá dầu dao động ở mức 120 đô la Mỹ/thùng, trong khi một thập niên trước, giá dầu chỉ là 10 đô la Mỹ/thùng. Hiện thời chi phí vận chuyển một container 40 feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Mỹ là 8.000 đô la, trong khi đầu thập niên này, giá chỉ 3.000 đô la. “Giá dầu tiếp tục đứng ở mức cao như hiện nay có thể dẫn đến một sự sắp xếp lại việc sản xuất, giữa các lĩnh vực và các quốc gia”, ông C. Fred Bergsten, Giám đốc Viện Kinh tế quốc tế Peter G. Peterson ở Washington nhận định.
Một nghiên cứu của Ngân hàng đầu tư Canada được công bố hồi tháng 5 mang tên CIBC World Markets cho biết, chi phí tàu biển gần đây đã tăng gần bằng mức thuế quan 9% và kết luận rằng: “Chi phí vận chuyển hàng hóa, chứ không phải thuế suất, chính là rào cản lớn nhất đối với nền thương mại toàn cầu”. Ấy thế mà tại vòng đàm phán Doha, các nhà thương thuyết chỉ tập trung “cãi nhau” về mức thuế suất. Sự bế tắc của vòng đàm phán tự do thương mại thế giới có thể là bước khởi đầu cho các hiệp định thương mại khu vực, nơi “hiệu ứng láng giềng” có điều kiện phát huy sức mạnh.
Theo các nhà kinh tế, nếu chi phí vận tải vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, tác động láng giềng này sẽ ngày càng tăng. Thay vì tìm kiếm các nhà cung cấp ở bất kỳ nơi nào trên thế giới - miễn là có thể mua được với giá rẻ nhất, và thuê gia công lắp ráp ở nhiều nơi thì trong thời gian tới các nhà sản xuất sẽ tập trung hoạt động ở những địa điểm gần quê nhà. Chẳng hạn, Trung Quốc có thể chấm dứt hoặc hạn chế mua quặng sắt từ Australia, Brazil và chuyển phần lớn các hoạt động chế tạo sang các quốc gia láng giềng như Việt Nam và Thái Lan. Tương tự, các khu chế xuất của Mexico tập trung gần biên giới với Mỹ sẽ hấp dẫn các nhà sản xuất hướng sản phẩm vào thị trường Mỹ.

(Theo Doanh nhân)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Những con số ấn tượng của hãng khai mỏ lớn nhất thế giới
  • 10 nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới
  • Một số dự báo về xu hướng giá vàng thế giới
  • Nhu cầu hạt tiêu thế giới sẽ tăng vào tháng tới
  • An ninh năng lượng và những nỗi lo thái quá
  • Căng thẳng Nga-Mỹ hâm nóng thị trường dầu mỏ thế giới
  • Các nhà xuất khẩu toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn
  • Kinh tế toàn cầu: Điều tồi tệ nhất vẫn chưa kết thúc