Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khủng hoảng nợ công Eurozone vẫn phủ bóng lên kinh tế thế giới

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo cuộc khủng hoảng tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời hối thúc các nước đang phát triển tăng cường khả năng phòng vệ chống lại các "cơn bão tài chính" nổi lên từ các nước thu nhập cao, đặc biệt là tại châu Âu.

 

 

Trong Báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế toàn cầu, WB dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ chỉ đạt 2,5%, thấp hơn mức 2,7% của năm ngoái. Tăng trưởng ở các nước đang phát triển sẽ chậm lại với tốc độ "tương đối yếu" là 5,3% trong năm nay, trước khi tăng trở lại mức 5,9% năm tới, và 6% vào năm 2014. Nhưng con số đó vẫn đặt nhiều nước đang phát triển trong tình trạng tốt hơn so với các nước có thu nhập cao, được dự báo có tốc độ tăng trưởng 1,4% trong năm nay, 1,9% năm tới, và 2,3% vào năm 2014.

Cụ thể là tăng trưởng của nền kinh tế đứng đầu thế giới là Mỹ sẽ vào khoảng 2,1%, trong khi Nhật Bản là 2,4%, cao hơn chút ít so với dự báo hồi đầu năm. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được dự báo đạt 8,2%, thấp hơn chút ít so với mức 8,4% mà WB đưa ra hồi đầu năm.

Do tác động của cuộc khủng hoảng trong khu vực châu Âu, tăng trưởng ở Đông Âu và Trung Á dự báo sẽ hạ xuống 3,3% năm nay từ mức 5,6% năm ngoái. Tăng trưởng ở Đông Á và Nam Á được dự báo ở các mức tương ứng 7,6% và 6,4%.

Khu vực Trung Đông/Bắc Phi đã và đang phải chịu tình trạng tăng trưởng chậm chạp nhất, năm ngoái 1% và 0,6% trong năm nay, trong khi châu Phi cận Sahara là khu vực duy nhất dự kiến sẽ tăng trưởng khả quan hơn năm ngoái, lên 5%. Ở Mỹ Latinh, tăng trưởng được dự kiến sẽ là 3,5% so với mức 4,3% của năm ngoái.

Tuy vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 2,5% năm 2012 và 3% vào năm 2013 như hồi tháng 1, nhưng WB cảnh báo có thể xảy ra “một cú sốc tương tự như vụ sụp đổ Ngân hàng Lehman Brothers”.

Tác giả của Báo cáo, nhà kinh tế Andrew Burns, cho biết thế giới đang ở bước ngoặc rất khó khăn khi lo ngại về bất ổn gia tăng trong Eurozone, các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng chậm lại và tâm lý bất an của giới đầu tư trên toàn cầu. Chỉ trong vài tháng gần đây, các nhà đầu tư đã rút vốn để đầu tư vào những tài sản an toàn hơn như trái phiếu Mỹ. Dòng vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi giảm tới 44% chỉ trong tháng 4-5/2012.

WB cũng nhắc lại rằng các nước đang phát triển cần củng cố nền tài chính quốc gia bằng cách cắt giảm thâm hụt ngân sách và giảm vay nợ ngắn hạn. Theo số liệu của WB, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, có tới 40% các nước đang phát triển thặng dư ngân sách, nhưng đến năm 2011, con số này co lại còn 19%. Thể chế tài chính hàng đầu thế giới này còn khuyến nghị các nước đang phát triển thắt chặt chính sách tài chính để chuẩn bị cho một thời gian dài biến động trong nền kinh tế toàn cầu có thể đòi hỏi các gói kích thích mạnh mới từ chính phủ các nước.

Lê Chân // Tầm Nhìn

-----------------------------------------

Thế giới đang đối mặt với bong bóng trái phiếu?

Lợi suất trái phiếu Mỹ, Đức và Brazil xuống mức thấp kỷ lục mặc dù tổng nợ của thế giới đã lên tới 40 nghìn tỷ USD khiến nhiều người cho rằng thị trường đang đứng trước bong bóng trái phiếu sắp vỡ.

 

 
Theo số liệu từ chỉ số của Bank of America Merrill Lynch, lợi suất trung bình của các trái phiếu được phát hành bởi nhóm G7 đã giảm từ 3% trong năm 2007 xuống chỉ còn 1,12%. Lợi suất trái phiếu Đức kỳ hạn 2 năm thậm chí còn giảm xuống mức dưới 0% hôm 1/6 trong khi lợi suất trái phiếu Thụy Sỹ đã ở mức âm suốt từ ngày 24/4 đến nay. 
 
Tuy nhiên, Mohamed El-Erian, CEO của Quỹ đầu tư trái phiếu Thái Bình Dương (PIMCO) lại cho rằng không có gì phải lo ngại. Trả lời phỏng vấn báo giới, El – Erian cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đang rơi vào tình trạng suy thoái đồng bộ, nhà đầu tư nên tạm thời nghỉ ngơi trong thời điểm này.
 
Cùng quan điểm với ông, Jeffrey Rosenberg, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tài sản cố định tại BlackRock Inc. có trụ sở tại New York cho rằng đây hoàn toàn không phải bong bóng bởi bong bóng xuất phát từ lòng tham. Tình hình hiện nay không phản ánh kỳ vọng giá sẽ tăng trong tương lai. Ngược lại, lợi suất âm chỉ phản ánh nhà đầu tư cố gắng tìm kiếm tài sản an toàn trong sự sợ hãi. 
 
Kể từ giữa tháng 3 đến nay, trái phiếu chính phủ đem lại 2,5% lợi suất trong khi cùng giai đoạn này chỉ số MSCI của chứng khoán toàn cầu mất 9,3%, chỉ Standard & Poor’s GSCI đo lường diễn biến giá của kim loại, nhiên liệu và các sản phẩm nông nghiệp giảm 16%. 
 
Các chuyên gia đến từ Pimco lấy Nhật Bản là ví dụ minh chứng cho lập luận của mình. Trải qua bao thăng trầm với các cuộc khủng hoảng, thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản vẫn đứng vững. Mặc dù là nước có mức nợ cao nhất thế giới (hơn 11 nghìn tỷ USD), Nhật là một trong những nước có mức lợi suất trái phiếu chính phủ thấp nhất thế giới. 
 
Cuối năm 1997, khi thị trường chứng khoán và bất động sản sụp đổ, lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Nhật giảm từ mức 5,7% của 8 năm trước đó xuống chỉ còn 2% và chưa bao giờ vượt qua mức này kể từ năm 2006 đến nay. 
 
Ở chiều ngược lại, cũng có các nhà đầu tư nổi tiếng cho rằng thị trường trái phiếu sẽ đổ vỡ. Từ Leon Cooperman - người sáng lập ra quỹ đầu cơ Omega Advisors Inc., cho đến Warren Buffett – nhà tiên tri tài ba cũng cho rằng nhà đầu tư nên tránh xa trái phiếu. Chính sách nới lỏng từ phía NHTW cùng với các khoản nợ ngày càng tăng lên sẽ đẩy lạm phát tăng mạnh. 
 
Marc Faber, tác giả của báo cáo “Gloom, Boom & Doom” cũng cảnh báo bong bóng trái phiếu chính phủ sớm hay muộn cũng sẽ vỡ, đặc biệt là khi nợ chính phủ Mỹ đang là tâm điểm. 
 
Nguồn cung trái phiếu đang tăng lên mạnh mẽ khi các chính phủ phải tăng vay mượn nhằm kích thích nền kinh tế. Theo số liệu thống kê, lượng trái phiếu đã đạt 40 nghìn tỷ USD trong khi con số chỉ là 24 nghìn tỷ USD vào tháng 6 năm 2007 và 15 nghìn tỷ USD cách đây 1 thập kỷ. 
 
Về phía lực cầu, bên cạnh các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhu cầu cũng đến từ các định chế tài chính khi các tổ chức này mua vào các khoản nợ có chất lượng cao nhất để đáp ứng chuẩn Basel. 
 
Theo cafef


 

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'