Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Năm yếu tố ám ảnh tương lai châu Á


Phép màu đã biến mất khỏi châu Á?

Niềm tin về sự ổn định chính trị và hiệu lực của nó đã bị lung lay ở Trung Quốc, Ấn Độ và ở các thị trường mới nổi khác.

 

Là một chuyên gia cao cấp về đầu tư và là cựu Chủ tịch của tập đoàn Quản lý các thị trường mới nổi Ashmore EMM, Antoine Van Agtmael vừa có chuyến đi thực tế tại châu Á.  Chuyến công du lần này của ông khác hẳn với những chuyến đi trước vì ông cảm nhận được sự suy thoái kinh tế tại khu vực này là có thật. Và, dường như phép màu đã biến mất khỏi nơi này? Câu trả lời nằm trong bài phân tích của ông về sự suy thoái kinh tế nằm ngoài sức tưởng tượng này.

Một chuyên gia đầu tư vừa có chuyến công du châu Á, người đã đưa ra thuật ngữ "thị trường mới nổi", ghi nhận rằng sự suy thoái kinh tế tại khu vực này là có thật. Ông đã chỉ ra 5 yếu tố làm thay đổi sự cạnh tranh kinh tế giữa các cường quốc đồng thời định hình lại nền kinh tế toàn cầu.

Tạp chí Chính Sách Đối Ngoại "Foreign Policy" đã ra mắt độc giả một chuyên mục mới mang tên "Báo cáo chuyến đi" nhằm cung cấp cho độc giả một cái nhìn toàn diện và tinh tế hơn đối với hàng loạt những vấn đề trên thế giới, từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cho đến cuộc chiến ở Ápganixtan.

Trong suốt chuyến đi kéo dài hai tuần lễ qua  Ấn Độ, Thái Lan, Hồng Công, Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc tôi đã gặp gỡ một số nhà hoạch định chính sách, chủ ngân hàng, giám đốc điều hành công ty, nhà đầu tư, nhóm chuyên gia cố vấn và các học giả. Đã từng có một sự lạc quan ở những nơi tôi đã đến nhưng trong chuyến đi lần này tôi lại có một sự cảm nhận hoàn toàn khác.

Ảnh minh họa

Chỉ vài năm trước đây thôi, tôi cảm nhận rằng thế giới của các nước phát triển đã đánh mất vị thế của mình và châu Á đã không chỉ thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà bằng cách này hay cách khác nó đã cho thấy sự ưu việt về hệ thống tài chính của mình.

Sự cả tin này dường như đã không còn, thay vào đó là một cảm nhận của sự yếu thế. Đã có một sự nhận thức về điểm yếu chính trị trên con đường phát triển của những quốc gia trong khu vực và thậm chí là những mối lo ngại mới về kinh tế trước những thách thức đối với lợi thế cạnh tranh mà các quốc gia này mới đạt được.

Điều rút ra là: Niềm tin về sự ổn định chính trị và hiệu lực của nó đã bị lung lay ở Trung Quốc, Ấn Độ và ở các thị trường mới nổi khác. Cuộc cách mạng mùa Xuân Arập là một làn sóng gây sốc, nó không chỉ đưa ra ánh sáng những điều tồi tệ của chế độ chuyên quyền mà còn cho thấy một tương lai kinh tế bấp bênh. Trong tổ chức quốc tế hàng đầu của các nền kinh tế mới nổi (BRICs), sự ổn định chính trị là một điều hết sức mong manh. Vụ việc của Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh Bạch Hy Lai ở Trung Quốc là một ví dụ. Vụ việc này đã đưa ra nhiều câu hỏi về tính hợp pháp của toàn bộ quá trình bổ nhiệm quan chức cấp cao ở nước này. Trong khi đó, những việc làm gây thất vọng của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã dẫn đến sự bế tắc ở Niu Đêli trong khi điều đó lại thúc đẩy các quốc gia khác.

Ở cao điểm của cuộc khủng hoảng tài chính, giới chức địa phương cùng với phần đông người dân Ấn Độ và Trung Quốc đã coi sự thiếu kiên quyết, trì trệ trong hoạch định chính sách, chia sẻ quyền lợi và thiếu sự lãnh đạo là những vấn đề lớn ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Những người này cũng lo ngại rằng họ cũng đang đối mặt với những vấn đề tương tự. Xét về mặt tích cực, những bất ổn từ Tuynidi cho đến Myanma đang mang lại hy vọng về một thế hệ lãnh đạo mới. Sự thay đổi bất ngờ đang diễn ra ở Myanma đã tiếp thêm sinh lực cho Đông Nam Á và ASEAN như một thực thể kinh tế lớn, nhưng lại nép mình giữa hai siêu cường quốc mới nổi ở khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ.

Một câu hỏi lớn khác liên quan đến tương lai kinh tế của Trung Quốc, một thị trường mới nổi hàng đầu ở khu vực. Cách đây một thập kỷ không ai dám nghĩ Cơ quan đánh giá và xếp hạng tín dụng Standard & Pool đã đánh tụt mức tín nhiệm của nền kinh tế Mỹ từ AAA+ xuống còn AAA . Cho đến gần đây, người ta đã không thể nghĩ rằng những câu hỏi đang đặt ra là liệu Trung Quốc sẽ vẫn là nhà quán quân trong ngành sản xuất chế tạo? Mức lương ở nước này đã được tăng lên, đồng nội tệ có giá hơn, dư thừa lao động không còn, dân số đang già hóa nhanh trong khi các thị trường mới nổi khác đang cạnh tranh khốc liệt hơn về phát triển cơ sở hạ tầng. Bangladest, Việt Nam, Philippines và Thái Lan (và có lẽ một ngày nào đó là Myanma) đã thường xuyên được đề cập tới là những nơi mà các nhà sản xuất chế tạo thế giới đang tìm đến để mở các nhà máy mới. Thậm chí cả Mỹ giờ đây cũng được xem như là nơi mà các nhà sản xuất hướng tới. Tăng trưởng chậm ở Trung Quốc và Ấn độ đang được chấp nhận như một thực tế mới.

Sáng suốt thông thường đã không còn: Như vậy là trong vòng 5 năm qua, Mỹ đã đang thua trong cuộc cạnh tranh toàn cầu và bây giờ đã trở thành câu chuyện không còn mới. Trong cuốn sách riêng của tôi mang tựa đề "Thế kỷ Những Thị Trường Mới Nổi", tôi đã viết về sự lên ngôi của Trung Quốc và Ấn Độ đang làm chuyển đổi lợi thế cạnh tranh như thế nào và các tập đoàn đa quốc gia (từ Samsung của Hàn Quốc cho đến Embraer của Brazil) đang trở thành những công ty tầm cỡ thế giới. Tất cả những điều này vẫn đúng bởi những thị trường mới nổi vẫn sẽ có vị trí của mình trong vòng ít nhất một thập kỷ tới. Nhưng thú vị hơn, câu trả lời về sự sáng tạo và cạnh tranh mà tôi đã mong chờ lại xảy ra nhanh hơn tôi nghĩ. Thực tế, Mỹ sẽ có thể làm tốt hơn chúng ta nghĩ và Trung Quốc cũng như các cường quốc đang nổi lên có thể sẽ không làm tốt được điều này như chúng ta đã nghĩ vậy.

Tất cả chúng ta đã cho rằng những nước phát triển đã thua cuộc hoặc sẽ chiến thắng và sẽ nhượng lại nghành sản xuất chế tạo cho các thị trường mới nổi. Trung Quốc và Ấn Độ đã xây dựng nền tảng sản xuất chế tạo đầy ấn tượng và sức mạnh hậu phương dựa trên sáng kiến của khu vực tư nhân, chi phí lao động thấp và đầu tư mạnh vào hạ tầng. Trung Quốc và các nước khác gần như nắm giữ độc quyền trong sản xuất hàng hóa giá rẻ. Người tiêu dùng Mỹ đã cảm thấy rằng Trung Quốc giành chiến thắng trong cuộc chiến dành chỗ tại Walmart, chuỗi siêu thị lớn nhất ở Mỹ.

Cơ sở hạ tầng của Mỹ đã tụt hậu trong việc xây dựng mạng lưới đường xá, xe lửa, cầu, sân bay và công nghệ thông tin trong thế kỷ 21. Sự bất đồng chính trị kết hợp với khủng hoảng nợ và ngân sách đã đặt gánh nặng "cắt giảm chi tiêu" thay vì xây dựng lại cơ sở hạ tầng để giữ lợi thế cạnh tranh xuất khẩu và đẩy mạnh phát triển hạ tầng. Các nhãn hiệu của Mỹ đã phần nào mất đi danh tiếng của mình: Không còn nữa General Motors-niềm kiêu hãnh của ngành sản xuất ô tô toàn cầu; IPhone sang trọng nhưng lại sản xuất tại Trung Quốc.

Trong khi đó tập đoàn Tata của Ấn độ đã mua về những nhãn hiệu lớn như Jaguar, Land Rover và Tetley Tea. Tập đoàn Geely của TQ đã mua Volvo và Lenovo đã mua phòng máy tính của IBM. Samsung và Hyundai của Hàn Quốc đã trở thành một đối tác lớn. Từ một thương hiệu không mấy tên tuổi, nay HTC của Đài Loan đã được công nhận và biết đến như một thương hiệu phổ biến. Dường như đã có một xu thế không thể thay đổi được đó là Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội trở thành "người dẫn đầu cuộc cách mạng xanh" trong một thế giới đang nêu cao nhận thức hơn về bảo vệ môi trường và nước này đã nhường sân chơi cho việc sản xuất hàng loạt ở Trung Quốc và sự đổi mới ở châu Âu.

Tuy nhiên, ngẫm nghĩ và suy xét kỹ hơn qua chuyến đi của mình thì tôi lại thấy câu chuyện này bắt đầu thay đổi. Giờ đây tôi tin rằng thất vọng và sợ hãi của nhiều người Mỹ là không đúng.

Trên thực tế, có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ có thể lấy lại được lợi thế cạnh tranh đã mất trong nghành sản xuất chế tạo trong khi Trung Quốc đã mất vị thế so với các thị trường mới nổi khác.

Theo tôi có 5 yếu tố thay đổi cuộc chơi đang diễn ra tại các thị trường mới nổi đó là:

1. Phát triển ồ ạt khí ga làm từ đá phiến

2. Giảm lợi thế cạnh tranh do chi phí nhân công thấp

3. Gánh nặng già hóa dân số

4. Cuộc cách mạng của điện thoại thông minh

5. Tinh thần chiến đấu của cuộc cạnh tranh thông minh hơn

Tôi cho rằng, năm yếu tố trên không tạo nên những cuộc cách mạng thầm lặng nhưng cũng sẽ có ảnh hưởng lớn trong thập kỷ tới, định hình hoàn toàn bối cảnh cạnh tranh. Bạn sẽ sớm nhận thấy hiệu quả của nó qua doanh thu, lợi nhuận, tăng trưởng và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Năm yếu tố ám ảnh tương lai châu Á

 

Chúng ta không còn phụ thuộc một cách mù quáng vào các thị trường mới nổi để duy trì tăng trưởng toàn cầu trong tương lai.

Đi sâu phân tích từng yếu tố trên tôi nhận thấy:

1. Phát triển ồ ạt khí ga đá phiến: Hiện Mỹ đang trở thành nhà sản xuất năng lượng giá rẻ do kết quả của những khảo sát về khí ga tự nhiên. Sự dư thừa này đã làm giá ga tự nhiên dao động trong khoảng 2 -2,5 USD/1triệu BTU tương đương với giá dầu từ 12-15 USD/một thùng. Và điều này đã khuyến khích sử dụng khí gas cho ngành điện, khí hóa dầu, ứng dụng công nghiệp, vận chuyển bằng xe tải hoặc bằng ô tô.

Trong khi đó, Trung Quốc và Nhật Bản lại buộc phải nhập khẩu giá ga cao hơn rất nhiều ở mức từ 13-17 USD/1 triệu BTU. Giá ga siêu rẻ ở Mỹ đã làm cho quốc gia này trở thành điểm lý tưởng để tái đầu tư vào các ngành sử dụng nhiều năng lượng. Vi dụ, công ty Methanex của Chilê gần đây đã chuyển sản xuất hóa dầu từ Chilê sang bang Tếchdớt (Texas) của Mỹ và công ty xây dựng Orascom ở Ai Cập đang xây dựng một nhà máy phân bón ở Mỹ. Đây sẽ là một sự thay đổi cuộc chơi thực sự trong thập  kỷ tới và sẽ giúp nghành sản xuất chế tạo cạnh tranh mạnh hơn ở Mỹ.

- Trong tương lai, khí đốt sẽ có sức chế ngự hơn dầu. Chỉ trong một thập kỷ nữa giá ga sẽ không còn chịu sự chi phối của giá dầu và ngược lại.

- Mỹ đang giành được ưu thế trong cuộc chiến về năng lượng xanh và quốc gia này đang ngày càng trở nên độc lập hơn về năng lượng. Trên thực tế việc các cơ sở khí hóa lỏng được xây dựng để nhập khẩu gas từ Nga và Cata có thể được sử dụng trong vài năm tới để xuất khẩu gas sang châu Á.

- Trung Quốc hiện tại đã có nguồn khí đốt của mình nhưng nước Mỹ lại có những thế mạnh rất lớn về địa chất, công nghệ và đường ống dẫn khí mà Trung Quốc phải cần tới vài năm nữa mới có thể theo kịp. Bên cạnh đó, thăm dò và khai thác khí đốt ngoài khơi của Ấn Độ đang diễn ra một cách chập chạp và đáng thất vọng. Theo dự báo, Thái Lan sẽ hết khí đốt trong vòng vài thập niên tới mặc dù Myanma sẽ có được nguồn cung cấp khí đốt mới dồi dào.

Ảnh minh họa

2- Giảm chi phí cạnh tranh do giá nhân công thấp:  Trung Quốc không còn thích hợp với vai trò là một "xưởng chế tạo lớn nhất nữa". Trong vòng 5 năm qua lương nhân công đã tăng từ 15-20% tại Trung Quốc và Ấn Độ trong khi mức lương tại Mỹ lại tăng không đáng kể. Thêm vào đó, trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng nhân dân tệ đã bị mất giá nhiều so với đồng USD.

- Khoảng cách về tiền lương khá lớn, và thậm chí khi thu hẹp lại thì nó vẫn sẽ có tác động mạnh. Trong một bài phát biểu tại Viện Brookings, chuyên gia Jeff Immelt của tập đoàn GE cho biết một công nhân của Mỹ có mức lương là US$15/giờ trong khi một công nhân Trung Quốc chỉ nhận được US$3.

- Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mặc dù chi phí đơn vị lao động ở Mỹ đã giảm từ 100 xuống còn 88 kể từ năm 1995, thì mức này vẫn cao hơn so với các nước phát triển khác, ngoại trừ Thụy Điển (80). Trong khi đó, con số này cao hơn nhiều ở Tây Ban Nha (135) và ở Italy (120). Đó là tín hiệu khả quan làm tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ.

- Theo một số nhà sản xuất đang hoạt động tại Trung Quốc, hiện nay Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề thiếu nhân lực công nghệ. Banglades và Việt Nam hiện lại là những trung tâm sản xuất với chi phí thấp hơn so với Trung Quốc. Một số quốc gia khác như Thái Lan, Philíppin và Mêhicô cũng đang có mức lương cạnh tranh.

- Năng suất của mỗi công nhân sản xuất cũng cao hơn ở Mỹ. Chẳng hạn như Hyundai có nhà máy sản xuất xe hơi ở Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, và Ấn Độ và có lượng sản xuất tính theo "đơn vị/giờ" thực sự đạt mức cao nhất ở Alabama.

- Hãng sản xuất xe hơi tầm cỡ thế giới Bharat Forge của Ấn Độ cho rằng công nhân Trung Quốc trong các nhà máy của mình chỉ đạt 40% năng suất so với các công nhân khác. Trung tâm kinh tế Pune (gần Mumbai) ngày càng trở nên cạnh tranh nhờ đội ngũ lao động được đào tạo và vận chuyển thuận lợi hơn (một chuyến container hàng vận chuyển tới cảng trước kia phải mất ít nhất hai ngày, nhưng bây giờ chỉ mất có bốn giờ, và cảng cũng hiệu quả hơn).

- Tất nhiên, lợi thế cạnh tranh lớn của Trung Quốc không chỉ là tiền lương mà còn về quy mô sản xuất, hạ tầng, cạnh tranh nội bộ, và thị trường trong nước không ngừng gia tăng. Những lợi thế này sẽ không biến mất sau một đêm, nhưng vẫn còn dấu hiệu khả nghi.

3. Gánh nặng về già hóa dân số: Đây không còn là một vấn đề lý thuyết mà rất thực tế, đặc biệt là ở Trung Quốc. Các nhà nhân khẩu học sẽ cho thấy sự thay đổi về lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trong thập kỷ tới. Dân số ở Trung Quốc và Hàn Quốc, cùng với châu Âu và Nhật Bản đang già đi nhanh chóng. Ấn Độ và châu Phi vẫn có nhiều lợi thế về nguồn lao động đồi dào chưa khai thác hết, mặc dù nhân lực ở đây cần phải được đào tạo tốt hơn. Sau đây là những số liệu thống kê về nhân khẩu học của Trung Quốc:

- Năm 1987 có khoảng 26 triệu trẻ sơ sinh, con số này hiện nay chỉ còn 15 triệu.

- Số lượng lớn lao động nhập cư đang gia tăng cùng với tình trạng thiếu lao động (với 1,08 cơ hội việc làm cho mỗi người tìm việc).

- Sự gia tăng dân trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã giảm từ 10 triệu xuống còn 3 triệu mỗi năm, và dự báo sẽ không mấy khả quan vào năm 2018 hoặc sớm hơn.

-  Trong vòng 20 năm, dân số đã nghỉ hưu (trên 60 tuổi) của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi từ 180 triệu lên 360 triệu (lớn hơn tổng dân số Mỹ). Một gia đình hiện đang lo lắng về việc phải chăm sóc 4 bố mẹ già. Tỷ lệ hỗ trợ là 5:1 và tiến tới sẽ là 2:1 trong tương lai không xa.

- Tỷ lệ tiết kiệm sẽ giảm. Theo các nhà kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế của nước này sẽ phát triển ở mức 6-7% vào cuối thập niên này.

- Trong khi đó, các đề xuất cải cách chăm sóc sức khỏe và hưu trí - một điều cấp thiết - vẫn chưa được thực hiện bởi các quyết định chính trị đã bị trì hoãn.

4. Cuộc cách mạng điện thoại thông minh: Tốc độ phát triển nhanh tới mức đáng kinh ngạc: tất cả mọi người trên thế giới đều sử dụng điện thoại di động, không chỉ có những người giàu thuộc các nước phát triển mà lan ra đến nhiều nước khác vì nhiều tính năng có lợi. Đồng hành với điện thoại thông minh và máy tính là giá cả giảm nhanh chóng xuống mức 120 USD (không có trợ cấp) nhờ cạnh tranh với các phiên bản của Trung Quốc.

- Trong vòng 5 năm, hàng tỷ người sẽ "nghiện" điện thoại thông minh do nhiều tính năng tiện ích như: gửi email, lướt web, chụp ảnh và quay video, thực hiện cuộc gọi video, sử dụng các ứng dụng trực tuyến, và chơi trò chơi.

  • Pad thông minh sẽ mang lại nền giáo dục chất lượng cao cho công chúng trên toàn cầu. Tham gia lớp học hoặc thảo luận trực tuyến sẽ trở nên phổ biến như Google ngày nay.

  • Băng thông rộng, cơ sở hạ tầng tốt, và chi phí hàng tháng (tương đương với chi phí thức ăn cho các gia đình nghèo) giúp cho truyền thông ngày càng trở nên quan trọng.

  • Thêm vào đó, trong thế giới tốc độ của điện thoại thông minh, Trung Quốc đang tụt lại phía sau về cơ sở hạ tầng viễn thông của mình (mặc dù cơ sở hạ tầng khác khá hoành tráng). Trung Quốc tụt hậu về thế hệ (3G) trước đây về cơ sở hạ tầng viễn thông bởi quốc gia này không thành công trên thị trường thế giới khi bán sản phẩm 3G của mình. Điều này Hàn Quốc đã rút ra bài học và tránh được. Phiên bản mới nhất của 4G (TD-LTE) sẽ không được cấp phép cho đến năm 2014.

  • Hơn nữa, mặc dù các quán cà phê Internet truyền thống đang ngày càng được thay thế bởi hơn 1 triệu điểm nóng Wi-Fi, Trung Quốc mới chỉ bắt đầu cho một cuộc đầu tư lớn.

  • Mặc dù cạnh tranh từ các phiên bản nhái, thương hiệu uy tín của Apple iPhone được lắp ráp bởi 1 công ty Đài Loan (Trung Quốc) với thành phần chính của Samsung đã trở thành 1 biểu tượng phổ biến ở Trung Quốc và các nơi khác, thậm chí ngay cả ở thủ đô Xơun (Seoul), nơi được mệnh danh là thành phố của Samsung.

5. Tinh thần chiến đấu của cuộc cạnh tranh thông minh hơn: Mỹ có dấu hiệu sẽ chuyển hướng sản xuất sang các thị trường mới nổi và tập trung vào đổi mới, thiết kế, đầu tư, và sản xuất giá trị gia tăng cao. Quốc gia này hiện bị cho rằng đã thực hiện chiến lược thua. Andy Grove của Intel cho rằng cứ mỗi nhân công sản xuất trong ngành công nghiệp máy tính ở Mỹ lại tạo ra 10 nhân công gia công ở thị trường mới nổi. Đối với tạo việc làm, một điều quan trọng cần nhận ra đó là các "nhà sản xuất" nhiều hơn là "nhà phát minh". Trong khi R&D đang lan rộng trên khắp thế giới, rất nhiều sáng kiến đổi mới quan trọng vẫn nằm lại tại Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Quả đúng như vậy, các công ty hàng đầu đã điều để tăng khả năng cạnh tranh các trên thị trường rộng lớn ở nước ngoài nơi nhiều công ty đẳng cấp thế giới đang nổi lên. Họ đang cạnh tranh thông minh hơn. Ví dụ như:

  • Apple, Qualcomm, Google, Amazon, Facebook, YouTube, Twitter, và Bloomberg là một số "thương hiệu" mới của các công ty với phát minh tầm cỡ thế giới mặc dù chúng chưa từng tồn tại hoặc chưa hể có tiếng tăm trong thập kỷ trước. Thế giới ngày nay không thể tồn tại mà thiếu phát minh của họ, và chúng được sử dụng bởi hàng triệu người trên thế giới và liên tục được nhái lại.

  • Không chỉ các công ty lớn như Caterpillar mà nhiều công ty nhỏ ở Mỹ đã thích nghi với môi trường cạnh tranh ở các thị trường mới nổi bằng cách tập trung vào công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng, sản xuất các sản thiết bị điện tử có độ chính xác cao, và sử dụng tự động hóa tinh vi.

  • Các công ty Mỹ thuê hàng trăm ngàn kỹ sư phần mềm ở Ấn Độ (và do đó cũng phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh tiềm năng của Ấn Độ).

  • Khi điện thoại thông minh Qualcomm nhận thấy đối thủ cạnh tranh Đài Loan đã trở thành nguy cơ mang đến nguồn hàng nhái đến từ Trung Quốc với các chip xử lý có chi phí thấp, thì Qualcomm buộc phải giảm giá và ở thế phòng thủ.

  • Với một số đối thủ cạnh tranh ở châu Á, Qualcomm tuyên bố 90% lợi nhuận dành cho Apple và 10% cho Trung Quốc. Điều này cho phép các công ty sản xuất hàng nhái có thể đẩy mạnh ưu thế giá rẻ để kiếm lợi nhuận cao. Rất ít công ty tập trung vào thiết kế các chip đắt tiền nhất trong điện thoại thông minh (dựa chủ yếu vào kiến trúc ARM), mà đa số đều sản xuất các linh kiện giá rẻ của hai nhà chế tạo (TSMC và Samsung). Trung Quốc chính là sân sau trong lĩnh vực này. Ngoài ra còn có một số các công ty chuyên sản xuất màn hình cảm ứng cho điện thoại thông minh.

  • Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, vẫn đóng vai trò quan trọng và là lợi thế cạnh tranh lớn. Các dự án cơ sở hạ tầng ban đầu kỳ vọng rằng gói kích cầu có thể giúp tăng lượng vốn đầu tư cao hơn. Hoa Kỳ đã chiếm được ưu thế trong cuộc đua cơ sở hạ tầng toàn cầu như sân bay, đường truyền...

Chúng ta không còn phụ thuộc một cách mù quáng vào các thị trường mới nổi để duy trì tăng trưởng toàn cầu trong tương lai. Sau một thập kỷ tăng trưởng trên 10% ở Trung Quốc, và 8-10% ở Ấn Độ, trong những năm tiếp theo của thập kỷ này mức tăng trưởng chỉ còn 6-7%, giảm đi gần một nửa so với thời kỳ đỉnh cao. Tất cả chúng ta đều nhận thấy tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc và Ấn Độ. Đây sẽ là một tiếng chuông cảnh báo cho những nhà đầu tư để nhận định về xu hướng trong quá khứ và dự báo tương lai.

Tuy nhiên, cũng có một lý do để lạc quan. Sự chuyển đổi của Trung Quốc sang nền kinh tế ít phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư ít hơn vào tài sản cố định để đạt được mục tiêu tăng mức tiêu thụ các mặt hang như quần áo, thực phẩm và điện thoại thông minh, chăm sóc sức khỏe, du lịch và giáo dục. Điều này giúp Trung Quốc dần dần giảm thặng dư xuất khẩu và tạo ra một cán cân thương mại cân bằng hơn và bền vững hơn cho nền kinh tế toàn cầu.

Đây sẽ là một kỷ nguyên mới cho châu Á. Chắc chắn rằng thị trường mới nổi của khu vực này đã chứng minh sự vững vàng của mình trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và nhanh chóng thoát khỏi ảnh hưởng tiêu tực để tiếp tục tăng trưởng. Trung Quốc đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để tăng trưởng , tạo ra một bước ngoặt lớn và cứu thế giới thoát những vấn đề trầm trọng hơn. Tuy nhiên, những thách thức trong những thập kỷ tiếp theo đòi hỏi một cách tiếp cận bền vững hơn: cân bằng tăng trưởng với lạm phát và tiêu thụ nội địa, đồng thời tăng cường xuất khẩu và xúc tiến đầu tư nhằm tạo ra một con đường dải lụa cho mô hình tăng trưởng trong tương lai./.

----------------------------
Tác giả: Mai Linh theo Foreign Policy
Nguồn: Tuần Việt Nam


 

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Châu Phi: Bắt đầu 'ớn' đầu tư từ Trung Quốc?
  • WSJ: Trung Quốc, gã khổng lồ ngu ngốc?
  • Những vụ án kinh tế chấn động: Hối lộ ngành viễn thông Ấn Độ
  • Cuộc chiến Trung-Mỹ tại châu Phi: Nước nào đang dẫn trước?
  • Trung - Nhật: Nghi kỵ sâu thêm
  • Mỹ-Trung: Hiệp đấu ngoại giao sẽ phá 'thế lưỡng nan'?
  • Nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế thế giới
  • Thị trường đảo tư nhân lâm cảnh ế ẩm