Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vì sao thị trường dầu lửa hoảng loạn vì tình hình Libya?

picture
Bạo loạn đang tiếp diễn với mức độ ngày càng nghiêm trọng tại Libya.

Libya chỉ chiếm 2% sản lượng dầu thô toàn cầu và xuất khẩu rất ít dầu sang Mỹ, nhưng cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia này vẫn đủ sức đẩy giá dầu thế giới tăng vọt. Trong phiên giao dịch ngày 23/2 tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York đã chạm mức 100 USD/thùng, cao nhất trong 28 tháng.

Vì đâu mà thị trường dầu lửa quốc tế lại lo ngại đến vậy?

Tờ New York Times cho biết, theo tính toán của giới phân tích, trong mấy ngày qua, nguồn cung thị trường dầu lửa thế giới đã hao hụt khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày vì các công ty dầu lửa cắt giảm hoạt động tại Libya. Thị trường lo ngại, nguồn cung dầu từ khu vực có thể giảm mạnh thêm trong những ngày tới, khi mà bất ổn lan rộng tới các quốc gia sản xuất dầu lớn khác như Algeria.

Trong khi đó, tình hình ở Algeria - nguồn cung nhập khẩu dầu lớn thứ 7 của Mỹ - cũng đang chứa đựng nhiều bất ổn. Trong vài tuần qua, Algeria đối mặt với hàng loạt cuộc biểu tình phản đối tình trạng tăng giá lương thực, thực phẩm, tỷ lệ thất nghiệp cao, và đòi Tổng thống Abdelaziz Bouteflika từ chức.

Sở dĩ tình hình ở Libya có tác động mạnh tới giá dầu quốc tế vì loại dầu thô “ngọt” của nước này không dễ thay thế trong việc sản xuất xăng, dầu diesel và xăng hàng không, đặc biệt tại những nhà máy lọc dầu ở châu Âu và châu Á vốn không được trang bị để lọc loại dầu “chua” có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn.

Saudi Arabia, nước “anh cả” của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) có công suất dự trữ hơn 4 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhưng phần lớn số dầu này là dầu chua.

Các chuyên gia về dầu lửa cho rằng, nếu bất ổn ở Libya còn kéo dài thêm một vài tuần nữa, các nhà máy lọc dầu ở châu Âu sẽ buộc phải mua dầu thô ngọt từ Algeria và Nigeria, hai nguồn cung cấp dầu ngọt chính của nước Mỹ hiện nay. Điều này có thể đẩy giá xăng tại Mỹ tăng thêm. Riêng trong tuần trước, giá xăng tại Mỹ đã tăng thêm 6 xu, lên mức bình quân 3,19 USD/gallon.

“Các nhà máy lọc dầu thô ngọt sẽ bị đẩy vào một cuộc chiến chào giá. Vấn đề chất lượng đang được đặt lên trước vấn đề số lượng.”, ông Lawrence J. Goldstein, một chuyên gia thuộc Quỹ Nghiên cứu chính sách năng lượng của Mỹ, nhận định.

Dầu thô ngọt đặc biệt phù hợp với việc sản xuất dầu diesel - loại nhiên liệu phổ biến cho các phương tiện giao thông ở châu Âu hơn so với ở Mỹ. Dầu thô chua đòi hỏi chi phí cao hơn cho việc lọc hóa, nhưng các nhà máy lọc dầu ở Mỹ có đủ khả năng lọc loại dầu này, vì phần lớn dầu nhập khẩu vào Mỹ là từ các nước Mỹ Latin - nơi dầu chua chiếm tỷ lệ cao hơn.

Lần gần đây nhất xảy ra sự khan hiếm dầu ngọt là vào năm 2007 và đầu năm 2008. Khi đó, giá dầu thế giới đã vọt lên trên 140 USD/thùng, mặc dù sự thiếu hụt chủ yếu xảy ra do nhu cầu tăng cao, thay vì nguồn cung sụt giảm đột ngột.

Trong phiên giao dịch ngày 23/2, giá dầu thô ngọt nhẹ tại Mỹ có thời điểm chạm mốc 100 USD/thùng, trước khi chốt phiên ở mức 98,1 USD/thùng, tăng 2,68 USD/thùng so với phiên trước. Tại thị trường London, giá dầu thô Brent tăng 5,47 USD/thùng, lên 111,25 USD/thùng.

Giá xăng hàng không tăng 10,7 xu/gallon, lên mức 2,99 USD/gallon, trên thị trường giao ngay tại Mỹ, làm gia tăng áp lực buộc các hãng hàng không phải tăng giá vé. Trong khi đó, giá dầu diesel cũng tăng 4 xu/gallon trong tuần trước, lên mức 3,57 USD/gallon, cao nhất kể từ tháng 10/2008.

Theo dự báo của một số chuyên gia, giá dầu thô ngọt nhẹ tại Mỹ sẽ sớm chạm mức 110 USD/thùng, và giá dầu Brent tại London sẽ sớm lên 120 USD/thùng.

Giới chuyên gia lo ngại, nếu giá dầu giữ ở mức cao trong năm nay, tiến trình phục hồi mong manh của kinh tế toàn cầu sẽ bị cản trở. Ước tính, giá dầu cứ tăng thêm 10 USD/thùng thì tốc độ tăng GDP toàn cầu sẽ bị cắt giảm 0,5 điểm phần trăm trong 2 năm.

Riêng tại Mỹ, giá xăng có thể lên mức 3,5 USD/gallon trong thời gian tới, buộc người dân nước này phải cắt giảm chi tiêu. Tính ra, giá xăng tăng thêm 1 xu, thì người tiêu dùng Mỹ lại thiệt hại 1 tỷ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, nước Mỹ vẫn được cho là sẽ ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và Bắc Phi hơn so với phần lớn các nước châu Âu và châu Á, vì các nhà máy lọc dầu lớn của nước này có thể chế biến cả dầu ngọt và dầu chua. Trong trường hợp nguồn cung dầu chua trở nên căng thẳng, Mỹ có thể sử dụng tới nguồn cung từ kho dự trữ dầu lửa chiến lược của nước này, dù việc sử dụng nguồn dầu dự trữ này sẽ không có nhiều tác động tới giá dầu.

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng tức thời nhiều nhất từ tình hình căng thẳng ở Libya. Hơn 85% lượng xuất khẩu dầu của Libya là sang châu Âu, trong đó hơn 1/3 sang Italy. Phần lớn số dầu còn lại được xuất sang châu Á, 5% được xuất sang Mỹ.

(Theo Vneconomy)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Nguyên nhân đẩy giá lương thực toàn cầu lên cao
  • Kinh tế 24h qua: Cuộc đua lãi suất mới
  • Những quốc gia có khả năng vỡ nợ cao nhất thế giới
  • Kinh tế 24h qua: “Bão” dầu đang chờ sóng lớn?
  • Năm 2011: Cú sốc về dầu mỏ
  • Dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ cạn kiệt năm 2025
  • Kinh tế 24h qua: Nguy cơ lớn của Trung Quốc
  • Kinh tế 24h qua: Vàng, dầu, lương thực cùng “leo”