Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Môi trường kinh doanh 2009: Mừng ít, lo nhiều

- Một loạt các nước trên thế giới đã có những động thái cứu nền kinh tế khỏi khủng hoảng. Hậu quả tác động của nó tới nền kinh tế Việt Nam như thế nào sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Chính phủ.

Theo GS-TS Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, tại hội thảo phân tích và dự báo môi trường kinh doanh 2009 do VCCI tổ chức mới đây, thời gian qua đã có rất nhiều dự báo sai về tình hình khủng hoảng tài chính thế giới. Và tới nay người ta vẫn chưa biết mức độ chính xác của các dự báo ở thời điểm hiện tại. Một loạt các nước trên thế giới đã có những động thái cứu nền kinh tế. GS Lược cũng cho rằng, hậu quả tác động của nó tới nền kinh tế VN như thế nào sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Chính phủ.

Năm 2009, kinh tế VN sẽ khó khăn

Đây là dự báo của TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN. Theo TS Thiên, lạm phát vẫn còn nguyên nguy cơ, dư nợ của các ngân hàng cũng như sức lực của các DN chưa được khắc phục thì chúng ta phải đối phó thêm tác động từ khủng hoảng tài chính thế giới.

"Trong chừng mực đó thì sinh tồn của DN phụ thuộc vào phản ứng của Chính phủ" - ông Thiên nhận định. Theo thống kê của Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), xếp hạng môi trường kinh doanh của VN ngày càng sụt giảm, năng lực cạnh tranh hiện chỉ ở mức trung bình. Về tính minh bạch, VN chỉ đạt 2,6 trong thang điểm 10 - theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, hiện các khó khăn của DN cần được ưu tiên theo thứ tự: Vốn, đào tạo lao động việc làm, cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính và vấn đề đất đai.

Theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng, trong năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của VN sẽ giảm, ngành du lịch cũng sẽ gặp khó khăn. Bà Dương Thu Hương - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng VN cho rằng, trong năm 2009, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tuy đăng ký nhiều nhưng giải ngân sẽ ít. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) cũng sẽ giảm. Sự khó khăn của các DN sản xuất sẽ kéo theo các ngân hàng rơi vào tình trạng tương tự. Bà Dương Thu Hương cũng dự báo, GDP năm 2009 đạt được mức như 2008 đã là một thành công.

Tìm cách tránh "bão"

Theo thống kê của Hiệp hội Dệt-May VN, trong 10 tháng của năm 2008, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may mới đạt 7,64 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng giảm dần vào những tháng cuối năm. Nếu tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt trên 950 triệu USD thì tháng 9 chỉ là 630 triệu USD. 10 ngày đầu tháng 11 chỉ đạt gần 190 triệu USD.

"Với đà này, ngành dệt-may sẽ không đạt được mục tiêu đề ra là 9,5 tỉ USD" - ông Nguyễn Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thông báo. Ông Sơn cũng nhận định, trong năm tới chắc chắn xuất khẩu ngành dệt may sẽ khó khăn hơn. Bởi các thị trường xuất khẩu lớn của dệt - may VN là Mỹ, EU và Nhật đều suy giảm sức tiêu dùng.

Ngành xây dựng cũng đang chịu nhiều khó khăn. Đầu năm 2009, giá đất sẽ được tính lại. Bên cạnh đó, quy định tăng lương sẽ khiến chi phí đầu vào của ngành này tăng lên. Với những dự báo đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN - cho biết, trong năm 2009, các DN trong ngành sẽ chọn cách bảo toàn vốn tránh "bão". Sự khó khăn của các DN sẽ tác động tới hoạt động của các NH trong năm 2009. Mức tăng trưởng tín dụng tính đến cuối năm nay đạt 24%. Đây được coi là một cố gắng rất lớn của hệ thống ngân hàng. Nhưng sang năm 2009, khó có thể đạt được con số này.

Trước những khó khăn của các DN trong năm tới, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần cải cách mạnh mẽ, cơ cấu nền kinh tế, cải thiện cơ sở hạ tầng, cải cách luật cũng như các thủ tục hành chính. Cần có chính sách tiền tệ thích hợp cũng như dự báo sớm và các kịch bản cho các tình huống.

Bản thân các DN cũng cần xem xét, cơ cấu lại chiến lược kinh doanh, liên kết theo các nhóm ngành, tính lại bài toán thị trường hướng nội mặc dù lợi nhuận trước mắt có thể giảm. Các DN xuất khẩu cần mở rộng thị trường sang các nước Trung Đông và Mỹ Latinh, phân khúc vào tầng lớp dân cư giàu có chiếm 12-20% dân số, nhưng chiếm tới 80% của cải. Nếu không có những chính sách tốt ứng phó, các DN sẽ khó vượt qua được "cơn bão" tài chính này.

(Theo báo Lao động )

  • Năm 2009, giá cước vận tải sẽ tăng
  • Giá ô tô sẽ tăng trong năm 2009
  • Sẽ bùng nổ nhà giá rẻ vào năm 2009
  • Việt Nam tăng trưởng 6,5% năm 2008 và 2009
  • TP. Hồ Chí Minh: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2009 trên 10%
  • Ứng xử như thế nào với biến động tỷ giá năm 2009?
  • 2009: Hà Nội đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 9,5-10%
  • Đầu tư ra nước ngoài năm 2009: Sẽ đạt 1 tỷ USD
  • Năm 2009: Dự toán thu ngân sách nhà nước hơn 389 nghìn tỷ đồng
  • Phấn đấu năm 2009-2010: Tổng sản lượng khai thác dầu khí đạt 48,36 triệu tấn quy dầu
  • Tạo chuyển biến mạnh về đầu tư năm 2009
  • Tập trung đầu tư vào lĩnh vực đóng mới tàu biển
  • Kịch bản nào cho vốn FDI 2009?
  • Môi trường kinh doanh 2009: Mừng ít, lo nhiều
  • Hà Nội, Thái Nguyên đề ra các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2009