Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Việt Nam tăng trưởng 6,5% năm 2008 và 2009

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á, công bố hôm 10.12, chuyên gia kinh tế của WB nhận xét, các quốc gia Đông Á bước vào cuộc khủng hoảng hiện nay với sự chuẩn bị tốt hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997.

Ông Martin Rama, đại diện WB tại VN cho rằng, VN đã có sẵn những cải cách cơ cấu, do đó VN có điều kiện tốt để ứng phó với tác động của khủng hoảng. WB dự báo tăng trưởng kinh tế VN đạt 6,5% năm 2008 và 2009.

Hai khủng hoảng nối tiếp

WB cho biết, năm 2008, VN chứng kiến hai cuộc khủng hoảng nối tiếp. Nửa đầu năm, VN chịu ảnh hưởng của tình trạng phát triển quá nóng do nguồn vốn vào ồ ạt. Kết quả là lạm phát gia tăng, thâm hụt thương mại, bong bóng bất động sản và giảm sút chất lượng đầu tư.

Nửa cuối năm 2008, rủi ro liên quan tới mảng cho vay bất động sản (BĐS) dưới chuẩn tại Mỹ đã thổi bùng khủng hoảng tài chính toàn cầu với diễn biến khó lường. Tuy nhiên, theo WB, mức độ ảnh hưởng của tình trạng suy thoái này tới kinh tế VN còn chưa rõ. Khu vực tài chính ngân hàng của VN có thể không bị ảnh hưởng trực tiếp vì chưa trực tiếp tham gia vào giao dịch các sản phẩm rủi ro phức tạp trên. Các định chế tài chính nước ngoài của VN có thể chịu ảnh hưởng nhưng tỉ lệ sở hữu của chúng còn khá khiêm tốn trong khu vực tài chính ngân hàng của VN. Tuy vậy, xuất khẩu của VN chắc chắn bị ảnh hưởng tiêu cực, cam kết vốn FDI giảm đi đáng kể. Tình trạng trì trệ của thị trường BĐS sẽ gây khó khăn cho nhiều DN, có thể sẽ làm tăng các khoản nợ xấu gây tổn hại cho hệ thống ngân hàng. Tiến trình của công cuộc xoá đói giảm nghèo đầy ấn tượng của VN sẽ chậm lại.

Ưu tiên bình ổn kinh tế

WB dự báo tăng trưởng kinh tế của VN năm 2008-2009 là 6,5%. Con số này cũng phù hợp với mục tiêu mà Chính phủ VN đề ra. Ông Martin Rama thừa nhận, một số tổ chức có những đánh giá khác và đưa ra con số thấp hơn. Nhưng WB có 2 lý do để đưa ra dự báo như vậy. Thứ nhất là về xuất khẩu (XK). Trước khủng hoảng, VN đã tăng cường rất mạnh khả năng XK của mình. Các mặt hàng XK truyền thống như dệt may, thuỷ sản đã tăng nhanh trong thời gian ngắn. Vì vậy, khủng hoảng có thể khiến tổng giá trị XK của VN giảm, nhưng với mức độ không quá nghiêm trọng để rơi vào suy thoái. Thứ hai là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). FDI vào VN chắc chắn sẽ giảm trong năm 2009 cả giá trị phê duyệt lẫn giá trị giải ngân, nhưng VN vẫn sẽ nhận được một lượng FDI đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Theo số liệu mới nhất, giá trị phê duyệt FDI trong 10 tháng đầu năm 2008 đã đạt mức kỷ lục là 59,3 tỉ USD, bằng khoảng 2/3 GDP. Giải ngân trong năm 2008 dự kiến sẽ đạt khoảng 11 tỉ USD, tăng so với 8,1 tỉ USD năm 2007.

WB cho biết, các giải pháp thích hợp trước hết mà VN cần làm là ưu tiên bình ổn kinh tế, tiếp tục giám sát các hoạt động ngân hàng, thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngân hàng yếu kém, đảm bảo linh hoạt trong điều hành và xử lý các bất cập nảy sinh từ cán cân thanh toán. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ các hoạt động kinh tế trong bối cảnh suy giảm xuất khẩu và đầu tư FDI cũng rất quan trọng. Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ tạo ra độ linh hoạt nhất định trong việc duy trì tổng cầu, đặc biệt là phát triển các cơ sở hạ tầng cấp thiết.

WB cảnh báo, việc thực hiện các giải pháp này cần phải hết sức lưu ý những yếu kém về cơ cấu kinh tế như đã bộc lộ trong giai đoạn kinh tế quá nóng hồi đầu năm. Các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh suy thoái toàn cầu phải được thực hiện song hành với quyết tâm cải cách, tránh nguy cơ lập lại tình trạng đầu tư thiếu hiệu quả và bong bóng thị trường như trước đây.

(Theo báo Lao Động )

  • Năm 2009, giá cước vận tải sẽ tăng
  • Giá ô tô sẽ tăng trong năm 2009
  • Sẽ bùng nổ nhà giá rẻ vào năm 2009
  • Việt Nam tăng trưởng 6,5% năm 2008 và 2009
  • TP. Hồ Chí Minh: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2009 trên 10%
  • Ứng xử như thế nào với biến động tỷ giá năm 2009?
  • 2009: Hà Nội đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 9,5-10%
  • Đầu tư ra nước ngoài năm 2009: Sẽ đạt 1 tỷ USD
  • Năm 2009: Dự toán thu ngân sách nhà nước hơn 389 nghìn tỷ đồng
  • Phấn đấu năm 2009-2010: Tổng sản lượng khai thác dầu khí đạt 48,36 triệu tấn quy dầu
  • Tạo chuyển biến mạnh về đầu tư năm 2009
  • Tập trung đầu tư vào lĩnh vực đóng mới tàu biển
  • Kịch bản nào cho vốn FDI 2009?
  • Môi trường kinh doanh 2009: Mừng ít, lo nhiều
  • Hà Nội, Thái Nguyên đề ra các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2009