Có lẽ, điểm mốc đáng nhớ nhất đối với người làm nghề rác dân lập là vào cuối năm 1998, khi thành phố ra quyết định 5424 ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động của lực lượng làm dịch vụ thu gom rác dân lập và lần triển khai quyết định 88 vừa qua. Nhiều cái mới trong nghề gom rác cũng bắt đầu xuất hiện từ đây.
Trước khi 5424 ra đời, quản lý nhà nước đã “bỏ quên” người làm nghề thu gom rác dân lập. Lúc bấy giờ, các chủ đường dây tự thuê mướn người, tự thu chi, không phải đóng cho phường xã một khoản phí nào (ngược lại hẳn với thời bao cấp: nghiêm cấm thuê mướn người, chủ đường dây phải tự đạp xe thu gom. Một chủ đường rác kể, thời bao cấp, mỗi ngày ông phải đạp khoảng 20 chuyến ba gác gom rác, tháng nào phải thay vỏ xe, coi như đói).
![]() |
Những xe thu gom rác cũ kỹ như thế này đang được những người thu gom rác dân lập dần thay thế để tồn tại. Ảnh: Trần Việt Đức |
“Quản” vì bầy hầy
Mỗi ngày, người thu gom lấy rác cả hộ dân ở mặt tiền và trong hẻm, về đổ những điểm được phép. Câu chuyện gom rác sót, đổ bừa bãi, mất vệ sinh… thời điểm này cũng đáng báo động. Dân tình có phản ánh với chính quyền về thái độ tắc trách của người thu gom, phường cũng bó tay không biết túm ai vì lực lượng thanh kiểm tra môi trường chưa có, nếu có túm mấy ông đổ rác cũng huề vì đuổi không cho thu gom thì chưa có ai thay thế, tịch thu xe luật không cho phép… trong khi lực lượng thu gom rác công lập (các công ty công ích quận) còn mỏng, lỡ phía rác dân lập làm reo, nguy cơ ứ rác sẽ ập đến.
5424 ra đời với mong muốn gom người thu gom tự phát về một đầu mối để dễ quản bằng việc đưa ra một mô hình thành lập “tổ lấy rác dân lập”. Tổ có từ 3 – 9 người, gồm tổ trưởng và tổ phó, trực thuộc sự quản lý của cấp phường. Cũng sau thời điểm này không lâu, việc trích lại phí quản lý cho phường ra đời. Tuy nhiên, các quận thu phí không đồng nhất: quận 6, 11 thu 5%, quận Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Chánh… 10%; có nơi không thu như Hóc Môn. Tổng lượng rác vào năm 1998 của thành phố đã hơn 2.500 tấn/ngày (bằng khoảng hơn 1/3 hiện nay). Lực lượng công ích cũng đã lớn mạnh, đảm đương thu gom hơn 30% tổng lượng rác thành phố.
Cũng thời điểm này, một số quận huyện đã chuyển việc thu gom rác ở mặt tiền đường cho công ty công ích quận mình (quét đường kiêm gom rác). Giới dân lập cũng có phản ứng. Một chủ dây rác ở Tân Bình nhớ lại, sau khi quận Tân Bình lúc đó tuyên bố lấy 200 tuyến đường (mặt tiền), giới rác dân lập kéo nhau lên quận đòi lại. Sau một thời gian căng thẳng, quận trả lại một số tuyến đường nhỏ để dân lập thu gom, công ích chỉ quét đường. Từ đó, rác dân lập bắt đầu sống vào khuôn phép, tuy chưa phải tất cả.
Trong nội thành, chuyện chuyển đổi phương tiện thu gom rác cũng được giới rác dân lập kêu ca hồi ít năm về trước, nhưng điều thấy được là ai cũng hiểu không thể mãi dùng xe lam, ba gác để gom rác, nên họ đã dần thay thế. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng đã cho vay tiền mua mới phương tiện khi người gom chuyển đổi lần đầu.
“Dù có những phản ứng tiêu cực từ giới rác dân lập vừa qua như không gom rác, tuyên bố bỏ nghề… nhưng sẽ chẳng mấy ai dại dột bỏ nghề, bỏ đường dây đâu! Vì tất cả đều là mồ hôi, nước mắt, nguồn sống của hàng ngàn con người đấy, ông ạ!” Một chủ đường dây rác |
Sợ mất nồi cơm
Quyết định 88 của thành phố ra đời vào cuối năm ngoái (gọi tắt: 88), đúng 10 năm sau khi có quyết định 5424. Một nội dung khiến giới rác dân lập phản ứng là phường sẽ đi thu phí “thay” cho chủ dây rác và mức trích nộp sẽ tăng từ 20 – 25%/tháng (gồm cả phí vệ sinh, phí bảo vệ môi trường) chứ không chỉ 10% như trước. Thu tiền xong, sau khi trừ phí, phường sẽ trả lại tiền cho người thu gom – khác với trước, chủ dây rác thu gom, sau đó đóng 10% cho phường. Nhiều địa bàn, người thu gom đã tỏ thái độ bất hợp tác bằng cách ngưng thu gom (một xã ở huyện Củ Chi 11 ngày không ai gom rác). Giới rác kéo nhau về trung tâm đòi gặp người có quyền ở thành phố.
Cái sợ nhất từ phía chủ dây rác cũng dễ hiểu, họ lo mất “nồi cơm” – dây rác – mà hầu hết phải bỏ tiền ra mua. Thứ nữa, mức đóng phí từ 20 – 25% theo 88 là quá cao, một chủ dây rác cho biết, đồng nghĩa với việc giảm thu nhập của cả chủ lẫn người thu gom mướn. Thêm một lý do khác, khi quy định chi tiết mức phí cho từng loại hộ (chủ nguồn thải), tất nhiên người đi thu phí sẽ gặp trở ngại khi gặp một cửa hàng kinh doanh điện thoại di động hoặc văn phòng phẩm sẽ không chịu đóng đến 60 ngàn đồng/tháng. Thực tế, những cửa hàng này sẽ ít rác thải hơn hộ dân (đóng từ 10 – 20 ngàn đồng/tháng), rác của họ lại là phế liệu (tiền).
Sợ đẻ thêm người
Phía nhà quản lý (chủ yếu là cấp phường) cũng đang lúng túng với 88. Một lãnh đạo phường tính toán, nếu phường đi thu tiền rác, ngân sách thành phố phải trả lương thêm cho gần 700 cán bộ. Cũng không dễ kiếm người hiện hữu vì hiện nay, hầu hết cán bộ phường đều kiêm nhiệm. Nhiều khả năng lại phải đẻ thêm biên chế, kèm theo đó là các chế độ, chính sách, bảo hiểm... Đến nay, tuy 88 đã có hiệu lực nhưng phường đã thực hiện một kiểu, phường này cử người đi thu thay chủ dây rác, phường kia phát biên lai để chủ đường dây tự thu…, một số quận huyện đã “mạnh tay” khi cho công ty công ích đi gom rác tranh với lực lượng thu gom rác dân lập. Ở quận Gò Vấp, một chủ dây phàn nàn, đường dây rác của gia đình ông kéo dài từ Chợ Cầu đến ngã năm Chuồng Chó. Đầu tháng 6 qua, đúng lịch là 2h sáng, ông đi gom rác, thấy đường trống trơn, hỏi ra mới hay, lực lượng của quận đã gom rác từ lúc 1h. Mỗi khi đi gom, xe ép rác đi trước, hàng chục công nhân của công ty công ích đi sau gom rác, có công an, dân phòng hộ tống. Ở Củ Chi, đã xảy ra xô xát giữa một người làm nghề thu gom rác dân lập với người của công ty công ích, được huyện chọn để thay thế lực lượng thu gom rác dân lập.
( Theo Vĩnh Hoà // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com